Mới đây, tạp chí Nikkei Asian Review của Nhật Bản đã lập danh sách 49 công ty có giá trị vốn hóa cao nhất thế giới tính đến ngày 20/12/2019.
Đứng đầu danh sách là Saudi Aramco, hãng dầu lửa quốc doanh khổng lồ của Arab Saudi với vốn hóa lên tới 1.893 tỷ USD.
Ngày 5/12 vừa qua, Saudi Aramco đã có màn IPO lớn nhất lịch sử khi chào bán cổ phiếu với giá 32 riyal (8,53 USD)/cổ phiếu, mức cao nhất trong khoảng mục tiêu đề ra, qua đó huy động được số vốn 25,6 tỷ USD.
Thành tích này vượt qua con số 25 tỷ USD mà tập đoàn bán lẻ Alibaba của Trung Quốc huy động được khi tiến hành IPO trên phố Wall vào năm 2014.
Saudi Aramco cho biết đã bán 1,5% số cổ phần của tập đoàn trong đợt IPO, tương đương 3 tỷ cổ phiếu.
Theo đó, tập đoàn này bán 0,5% số cổ phần cho các nhà đầu tư tư nhân là công dân Arab Saudi và 1% cổ phần cho các tổ chức đầu tư chủ yếu tại Arab Saudi và vùng Vịnh.
Được thành lập vào năm 1933, Saudi Aramco vốn là "xương sống" trong chiến lược tham vọng của Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman nhằm phục hồi nền kinh tế.
Vụ IPO của Saudi Aramco được kỳ vọng mở ra một kỷ nguyên mới về phát triển kinh tế ở Arab Saudi với số tiền thu về sẽ được sử dụng cho chiến lược mang tên Tầm nhìn 2030 của Thái tử Salman nhằm giúp Arab Saudi giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Đứng sau Saudi Aramco lần lượt là các công ty Mỹ, bao gồm: Apple ở vị trí thứ 2 với vốn hóa 1242 tỷ USD, Microsoft ở vị trí thứ 3 với vốn hóa 1201 tỷ USD, Alphabet ở vị trí thứ 4 với vốn hóa 931 tỷ USD, Amazon ở vị trí thứ 5 với vốn hóa 886 tỷ USD và Facebook ở vị trí thứ 6 với vốn hóa 588 tỷ USD.
Với giá trị vốn hóa 570 tỷ USD, Alibaba đứng ở vị trí thứ 7 toàn thế giới và số 1 châu Á.
Ông Ivan Platonov, nhà phân tích tại công ty tư vấn EqualOcean có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Thu nhập khả dụng của người Trung Quốc vẫn đều đặn tăng lên và điều này đã đóng góp tích cực cho đà tăng của cổ phiếu Alibaba". Ông cũng cho biết, bán lẻ, lĩnh vực tạo doanh thu lớn nhất của Alibaba cho đến nay vẫn chưa bị tổn thương trước các cuộc đấu tranh thương mại, không giống như mảng phần cứng, logistic và các lĩnh vực khác.
Cổ phiếu của Alibaba đã có đợt ra mắt thành công vang dội trên thị trường chứng khoán Hong Kong hồi cuối tháng 11, lọt danh sách các đợt IPO lớn nhất lịch sử.
Đợt IPO này đã mang lại nguồn vốn mới cho một số mảng kinh doanh mới hơn của Alibaba, chẳng hạn như giao thức ăn và bán lẻ tại các cửa hàng thực.
Hơn nữa, việc niêm yết tại Hong Kong cũng cho phép công ty tiếp cận lực lượng nhà đầu tư gần "sân nhà" hơn giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung vẫn chưa có hồi kết. Được niêm yết chính tại New York với vốn hóa thị trường 509 tỉ USD, Alibaba nay có thể đa dạng hóa các nguồn vốn của mình.
Trong thông cáo báo chí mới nhất được công bố hôm 1/11, Alibaba cho biết lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm tài chính 2019 - 2020 (kết thúc vào ngày 30/9) của tập đoàn này tăng 3,47 lần, đạt 12,573 tỷ USD.
Công ty cũng cho biết, cơ sở khách hàng ở Trung Quốc vào cuối kỳ báo cáo đạt 693 triệu người dùng hoạt động mỗi năm, tăng 19 triệu người dùng tính từ ngày 30/6/2019.