Bí quyết xây dựng hệ sinh thái lành mạnh trong doanh nghiệp

Làm sao để quản trị doanh nghiệp hiệu quả, làm thế nào giúp công ty giành được thị phần lớn, làm sao để mọi nhân viên đều tâm huyết, nỗ lực hết sức mình cho công việc…, đó vẫn luôn là trăn trở lớn của các mọi lãnh đạo. Giữa muôn vàn các khóa học về quản trị doanh nghiệp, các công cụ, phương pháp quản lý, nhiều nhà lãnh đạo băn khoăn không biết nên nghe theo ai, nên vận dụng kiến thức nào vào doanh nghiệp, nên tìm đến những nguyên tắc quản trị cũ hay thử nghiệm những công cụ thời đại mới…

Sự kiện “Làm sao để “cấy nền” từ trong doanh nghiệp” do tạp chí Doanh Nhân tổ chức vào chiều ngày 21/08, với sự tham gia của nhiều chuyên gia cấp cao về quản trị doanh nghiệp, đã đưa ra một câu trả lời duy nhất cho những băn khoăn, trăn trở trên. Nếu muốn nhân viên cống hiến hết mình, đồng lòng hướng tới mục tiêu; nếu muốn đưa doanh nghiệp lên vị trí số một, đứng đầu thị trường; việc quan trọng nhất mà các nhà lãnh đạo cần làm “cấy” vào tổ chức những giá trị phù hợp để tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh.

Thế nào là một hệ sinh thái lành mạnh?

Theo Giáo sư Phan Văn Trường, Chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại Quốc tế, hệ sinh thái trong doanh nghiệp là việc tổ chức giữ một con số tối ưu những người thực sự nắm vững việc mình đang làm, không quá nhiều người, mà cũng không quá ít người. Trong đội ngũ nhân sự này, ai cũng đang tạo ra những giá trị thực, vai trò của mọi người là bình đẳng, ai cũng cần tới nhau. Mỗi người đều là một mắt xích không thể thiếu, ảnh hưởng đến sự thành công (hoặc thất bại) của cả dự án. Giống như một đoàn leo núi, người dẫn đầu là người thuộc địa hình để dẫn dắt mọi người, những người leo phía sau ai cũng sẽ có nhiệm vụ của riêng mình: người mang lều, người mang nồi niêu, người mang đèn,… Dây chuyền này, nếu quá nhiều người sẽ trở nên nặng nề khó kiểm soát; nếu thiếu người thì lại thiếu đồ đạc cần thiết để có được một buổi leo núi thành công.

Với quan điểm này, hễ doanh nghiệp một chút quan liêu, sẽ không thể có một hệ sinh thái lành mạnh. Giáo sư Trường có chia sẻ một vài câu chuyện từ kinh nghiệm cá nhân, khi bản thiết kế và dự trù kinh phí dự án của công ty ông, trước khi đến tay Tổng giám đốc đã đi qua 18 “tầng” nhân viên và qua mỗi tầng, kinh phí lại tăng thêm vài phần trăm. Để nhìn ra vấn đề, nhà lãnh đạo cần gặp trực tiếp những người làm việc, phải gạt bỏ được các tầng lớp trung gian như các giám đốc, phụ tá để tìm đến cả những nhân sự ở tầng lớp thấp nhất.

Trong hệ sinh thái lành mạnh này, tất cả sẽ xuất phát từ những điều mình có, vì vậy không thể tồn tại chuyện lãnh đạo “chỉ tay 5 ngón”. Lãnh đạo cũng là một nhân tố ở trong cùng một dây chuyền, cùng làm việc, cùng chia sẻ giá trị, đùm bọc và đem hết công sức cho nhau. Có được người lãnh đạo như vậy, nhân viên sẽ hào hứng đi theo, tự nỗ lực tham gia vào công việc, doanh nghiệp sẽ có không khí làm việc sôi nổi khi mọi nhân sự đều gắn kết. Lãnh đạo ở đây nên được nhìn nhận như đội trưởng một đội bóng, không phải một người đứng trên, mà là một người đồng hành, giúp truyền động lực để đội ngũ tự tin, dùng sự hiểu biết của mình để tận dụng và tối ưu khả năng của từng nhân sự.

Tiêu chuẩn hóa các yếu tố thuộc hệ sinh thái như thế nào?

Tư tưởng lãnh đạo bất biến

Tại sự kiện, bà Quách Hương, Nhà sáng lập Công ty Khai vấn Coach For Life có chia sẻ, thế hệ Millennials và Gen Z, với hệ tư tưởng, phong cách làm việc, nhu cầu và mong muốn rất khác biệt, đang dần chiếm lĩnh lực lượng lao động. Cùng với đó, chúng ta đều đang sống trong thế giới VUCA, một thế giới đầy biến động (Volatility), bất định (Uncertainty), phức tạp (Complexity) mà mơ hồ (Ambiguity). Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo cần luôn tự hoàn thiện mình và định hình phong cách lãnh đạo phù hợp.

Phong cách lãnh đạo đó, dù linh hoạt trong cách hành xử cụ thể, nhưng vẫn luôn bắt nguồn từ những giá trị bất biến vượt thời gian. Theo ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT, tư tưởng quản trị doanh nghiệp sẽ theo đúng nguyên tắc mà Bác Hồ từng khẳng định “dĩ bất biến – ứng vạn biến”. Người đứng đầu cần luôn ghi nhớ rõ được giá trị cốt lõi của quản trị doanh nghiệp, từ đó biết được cái gì không thể thay đổi, cái gì có thể linh hoạt để thích nghi.

Trong trường hợp cụ thể của FPT, trong suốt hơn 30 năm phát triển, 3 giá trị cốt lõi của doanh nghiệp luôn là: tôn trọng; đồng đội và đổi mới. Nói về sự tôn trọng, đó không chỉ là việc cấp dưới tôn trọng cấp trên, người trẻ tôn trọng người già, mà quan trọng nhất là tôn trọng sự khác biệt. Để làm được điều này, cần xây dựng văn hóa lắng nghe, chấp nhận sự phản biện và luôn làm điều đó với tinh thần bao dung.

Quản lý không thể thay thế quản trị

Theo Giáo sư Trường, các công ty suy yếu là do 80% không ý thức được sự cần thiết của quản trị, không hiểu được sự khác nhau giữa việc quản lý và quản trị. Cụ thể, một người quản lý giỏi là làm tốt những việc mình đang làm, trong một khuôn khổ cụ thể (ví dụ như quản lý tài chính, quản lý một dự án…). Còn việc quản trị, cần được hiểu ở tầm cao hơn rất nhiều, nó liên quan đến số mệnh của cả một công ty thông qua việc xác định đường hướng phát triển và truyền tải được chí hướng của người đứng đầu đến các nhân viên, sao cho toàn thể tổ chức đồng thuận, hợp tác. “Mục đích quản trị của người dẫn dắt một tập thể là phải biết bố trí đúng người vào đúng việc, đúng lúc, đúng nơi”, Giáo sư Trường khẳng định.

Việc “chọn đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng nơi” này là nghệ thuật quản trị quan trọng. Theo ông Tiến, đó cũng chính là lý do mà khi tuyển dụng, công ty cần chọn người phù hợp nhất, chứ không phải người giỏi nhất. Lãnh đạo khi nhận chức, cũng cần chọn một đội ngũ những người phù hợp nhất để làm việc cùng với mình. Các cá nhân trong một đội nhóm, sẽ được đặt vào đúng công việc phù hợp nhất, có khả năng hoàn thiện, bù khuyết những thiếu sót của các thành viên còn lại.

Văn hóa là “mạch máu” của doanh nghiệp

Theo ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Truyền thông Lê, đối thủ cạnh tranh có thể bắt chước được chiến lược kinh doanh, có thể lấy mất nhân sự,… nhưng không bao giờ bắt chước được văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa được xây dựng dựa trên tất cả nguồn lực, hệ thống tư duy, phong cách lãnh đạo của tổ chức. Văn hóa lành mạnh tạo chính là nền tảng vững chắc, tạo đà phát triển bền lâu cho doanh nghiệp.

Gần đây, các nhà quản trị bắt đầu bàn luận nhiều về việc đặt khách hàng làm trung tâm “customer first” hay đặt nhân viên làm trung tâm “employee first”. Ông Vinh cho rằng, có một ý niệm chung bao chùm cả hai quan điểm này, đó là “people first”, văn hóa được xây dựng dựa trên sự trân trọng trong mọi mối quan hệ giữa con người với con người. Trong nội bộ công ty, đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới duy trì môi trường tích cực, lành mạnh, hài hòa với nhau. Một khi đội ngũ nhân sự ứng xử tử tế yêu thương nhau, tự khắc mối quan hệ với khách hàng sẽ tốt đẹp. Văn hóa đó, chính là những giá trị nhân bản mà các nhà lãnh đạo nên “cấy” vào nền tảng doanh nghiệp.

Còn theo Giáo sư Trường, có hai đặc điểm văn hóa có thể giúp công ty chinh phục mọi mục tiêu đã đặt ra, đó là “nice” (tốt bụng, ôn tồn), và “professional” (chuyên nghiệp). “Nice” là sự ân cần nhẹ nhàng trong mọi mối quan hệ, chuyện gì cũng không cần phải lớn tiếng, ngay cả khi đối lập ý kiến cũng cần phản biện bằng sự thấu hiểu, sự thương mến (khác hẳn sự nể nang, bao che nhau). “Professional” là việc luôn nỗ lực đem đến kết quả tối đa nhất, giải pháp tối ưu nhất, là việc luôn đặt câu hỏi liệu vấn đề này có giải pháp nào nhanh hơn, tốt hơn được hay không. Làm được hay điều này cùng lúc, doanh nghiệp chắc chắn có thể đi xa và vươn cao. Ông Vinh chia sẻ thêm, với mỗi một doanh nghiệp, “nice” và “professional” nên được định nghĩa bởi các yếu tố, tiêu chí cụ thể. Điều quan trọng là tìm được ra đâu là yếu tố gắn kết đội nhóm, tạo động lực thúc đẩy hoạt động của công ty.

Nói tóm lại, việc xây dựng hệ sinh thái cho doanh nghiệp không phải chuyện một sớm một chiều, đây là một chặng đường dài không ngừng nỗ lực và tuyệt đối không được chủ quan. Trong hệ sinh thái ấy, quan trọng nhất là sự ôn hòa và phù hợp. Tư tưởng lãnh đạo, hệ thống quản trị, văn hóa doanh nghiệp cần được đặt trong sự hài hòa, trong dòng chảy của từng doanh nghiệp, không doanh nghiệp nào giống doanh nghiệp nào. Quan trọng nhất vẫn là chúng ta luôn nỗ lực làm những việc tốt cho chính mình, cho gia đình, cho những người xung quanh và cho toàn xã hội.

Doanh Nhân

Nguồn: Báo Doanh Nhân Online