BioNTech hồi sinh nhờ Vaccine Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 là cơn ác mộng đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng lại mở ra cơ hội hồi sinh cho không ít doanh nghiệp. BioNTech SE là một trong những doanh nghiệp đó, đổi đời thành doanh nghiệp tỉ đô sau hơn 1 thập kỷ dài thua lỗ, khủng hoảng.

Thức thời, đổi vận

BioNTech SE là một công ty công nghệ sinh học của Đức, được thành lập từ năm 2008, với mục tiêu phát triển các phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc ung thư, bệnh truyền nhiễm nhằm giải quyết các căn bệnh có nhu cầu y tế cao chưa được đáp ứng.

Trong quá khứ, ngay từ những năm đầu khởi nghiệp, BioNTech đã phải chịu những khoản lỗ lớn kéo dài. Công ty rơi vào tình trạng khánh kiệt, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ngày một hao hụt do ngốn quá nhiều chi phí đầu tư, nghiên cứu và phát triển. Tính đến ngày 31/12/2020, khoản lỗ lũy kế của BioNTech đã lên tới 409,6 triệu Euro.

Trụ sở của BioNTech tại Thành phố Mainz (nước Đức).

Thực tế, trong quãng thời gian này, BioNTech gần như là một công ty vô danh, thậm chí còn không được biết đến tại quê hương Đức, bởi công ty chưa có một sản phẩm nào được ghi nhận trong bản đồ sinh học cũng như dược phẩm trong nước.

Đến tháng 10/2019, BioNTech đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq (Mỹ) và bắt đầu chào bán cổ phiếu trên toàn thế giới vào năm 2020. Để duy trì hoạt động của công ty, BioNTech phải dựa vào đòn bẩy tài chính từ các khoản vay ngân hàng có bảo đảm và phát hành một kỳ phiếu có thể chuyển đổi. Thế nhưng, hoạt động của BioNTech vẫn mịt mờ và bế tắc.

Đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng sang châu Âu, châu Mỹ, hoành hành ngày càng phức tạp, ông chủ của BioNTech đã có bước đi đột phá khi kết hợp cùng “gã khổng lồ” dược phẩm Mỹ Pfizer để nghiên cứu, phát triển chương trình vaccine BNT162 chống lại Covid-19.

Sau 1 năm nỗ lực, tháng 12/2020, BioNTech đã được cấp phép lưu hành có điều kiện vaccine Covid-19 tại hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới.

Trong đó, BioNTech được ủy quyền tiếp thị vaccine Covid-19 ở Liên minh Châu Âu và cũng là chủ sở hữu các quyền sử dụng khẩn cấp ở Mỹ (cùng với Pfizer), Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác, trước khi có kế hoạch đơn xin cấp phép tiếp thị đầy đủ ở các quốc gia này. Pfizer có quyền tiếp thị và phân phối trên toàn thế giới ngoại trừ Trung Quốc, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của BioNTech đạt khoảng 7,4 tỉ Euro, tăng 107 lần so với 6 tháng đầu năm 2020. Con số này hoàn toàn đến từ doanh số bán vaccine Covid-19 tăng nhanh trên toàn thế giới.

Lợi nhuận trước thuế trong 2 quý đầu năm 2021 đạt hơn 7,9 tỉ Euro, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 144 triệu Euro. Tổng tài sản tăng vọt 6,8 tỉ Euro lên 9,1 tỉ Euro trong vòng đúng 6 tháng.

Vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech đã làm thay đổi căn bản cái nhìn của Phố Wall đối với BioNTech. Thị giá cổ phiếu BNTX của BioNTech gần như tăng không ngừng nghỉ, cao gấp 15 lần so với thời điểm IPO năm 2019, từ 17 USD/cp (năm 2019) lên gần 254,79 USD/cp ở thời điểm hiện tại.

Viết tiếp giấc mơ dang dở

Tính đến ngày 21/7, BioNTech và Pfizer đã vận chuyển hơn một tỉ liều vaccine Covid-19 đến hơn 100 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ trên thế giới. Các công ty đã ký đơn đặt hàng khoảng 2,2 tỷ liều để giao vào năm 2021 và hơn một tỷ liều cho năm 2022.

Đại diện của BioNTech cho biết, công ty sẽ dùng số tiền thu được từ việc bán vaccine Covid-19 để tiếp tục đầu tư phát triển các liệu pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư và các bệnh truyền nhiễm, cũng như mở rộng sang các lĩnh vực điều trị bổ sung, như bệnh tự miễn, dị ứng, thuốc tái tạo và các bệnh viêm nhiễm. Đây cũng là chương trình nghiên cứu mà BioNTech đã và đang ấp ủ từ những ngày thành lập công ty nhưng còn nhiều trắc trở.

BioNTech tin rằng, công ty hiện đã có vị trí tốt để phát triển và thương mại hóa thế hệ liệu pháp miễn dịch tiếp theo với tiềm năng biến đổi mô hình điều trị cho nhiều bệnh nặng và cải thiện đáng kể kết quả lâm sàng cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, vướng mắc của BioNTech hiện nay là doanh thu và lợi nhuận hiện chỉ là giá trị sổ sách, thực tế tiền vẫn chưa thu được về, do các khoản phải thu còn tồn đọng, chờ giải quyết theo hợp đồng phân chia lợi nhuận giữa BioNTech và Pfeizer. Do đó, BioNTech bị âm dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, dẫn đến thanh khoản còn nhiều khó khăn. Tính đến ngày 30/6/2021, BioNTech có tiền và các khoản tương đương tiền là 914,1 triệu Euro. BioNTech sẽ được nhận lại phần lợi nhuận của mình trong quý 3 theo hợp đồng hợp tác với Pfeizer.

Sau thời gian bị trì hoãn bởi nỗ lực tập trung vào vaccine Covid-19, BioNTech đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn 2 cho các liệu pháp tế bào đã nghiên cứu trước đó.

Bên cạnh vaccine Covid-19, BioNTech cũng đang cộng tác với Pfizer để phát triển vaccine cúm dựa trên bộ nền tảng mRNA, bắt đầu vào quý 3/2021.

Ngoài ra, BioNTech và các đối tác đang phát triển vaccine chống lại 9 loại bệnh truyền nhiễm khác nhau.

Đến nay, BioNTech đã tập hợp một đội ngũ đặc biệt gồm hơn 2.500 nhân viên và đã thiết lập mối quan hệ với 8 đối tác dược phẩm lớn, bao gồm Bayer, Genentech, Genevant Sciences GmbH (hoặc Genmab), Pfizer, Regeneron Pharmaceuticals, Inc., Sanofi và Tập đoàn Dược phẩm Shanghai Fosun (Fosun Pharma - Trung Quốc). 

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/biontech-hoi-sinh-nho-vaccine-covid-19-60093.html