Bộ Chính trị xem xét Nghị quyết về thu hút FDI
Thu hút nguồn lực vốn ngoại trong giai đoạn mới, theo lãnh đạo Chính phủ, phải giảm nguy cơ "hai nền kinh tế trong một đất nước".
Tại cuộc họp xây dựng đề án thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài đến 2030, chiều 14/1, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Vũ Đại Thắng cho hay, sau 30 năm thu hút vốn ngoại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành bộ phận kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Tới đây Bộ Chính trị sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết chuyên đề về thu hút, sử dụng vốn FDI trên cơ sở bản đề án của Ban cán sự Đảng Chính phủ trình. Bộ Kế hoạch & Đầu tư là cơ quan soạn thảo bản đề án này.
Theo dự thảo đề án, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất, tiếp tục coi khu vực FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài. Thu hút FDI tới đây sẽ "chọn lọc, khuyến khích gắn kết với doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên nguyên tắc đa phương hoá, đa dạng hoá bảo đảm tính độc lập của nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia...".
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bản đề án của cơ quan kế hoạch đưa ra chưa "trúng" vấn đề, khi chưa nêu bật được những nội dung then chốt, liên quan tới quan đến thực trạng, xu hướng phát triển của khu vực FDI, đặt ra nền tảng trong thu hút lĩnh vực này trong giai đoạn tới.
Công nhân sản xuất tại một công ty liên doanh phụ tùng, máy móc. |
Ông cho rằng, dư luận đang có "cảm giác" nổi trội là có sự lệch pha giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, đến mức chuyên gia đã nói "có 2 nền kinh tế trong một đất nước", hay nhận định "Nhà nước có ưu đãi quá mức cho FDI, để doanh nghiêp trong nước lép vế".
"Các Bộ, ngành phải chứng minh để nhận định rõ các nội dung này nhằm thiết lập quan điểm, giải pháp trong thu hút FDI, tăng cường nội lực khu vực kinh tế bản địa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường", Phó thủ tướng nói.
Ngay định hướng thu hút FDI, Phó thủ tướng cho rằng dự thảo Đề án cũng chưa đánh giá được tác động của sự phát triển cách mạng công nghệ và sự dịch chuyển đầu tư dòng vốn trên thế giới. Đề án chưa phân tích, làm rõ nhận định của Thủ tướng về chuyển thu hút và sử dụng FDI sang nội hàm chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau..., nhất là việc lựa chọn công nghệ, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần của doanh nghiệp nội địa.
"Cần lắng nghe, chắt lọc các ý kiến chuyên gia, nhất là tiếp thu, cụ thể hoá các đánh giá, chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Không chỉ làm rõ được thực trạng mà còn thể hiện được xu hướng thu hút FDI và sự thay đổi, hoàn thiện chính sách thu hút FDI", Phó thủ tướng yêu cầu.
Vì thế, ông đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục hoàn thiện đề án này, nêu bật được thực trạng, định hướng giải pháp quan trọng để phát huy hơn các thuận lợi, khắc phục những hạn chế để khu vực FDI tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Nguồn: Theo Vnexpress