Bộ Tài chính: Khuyến nghị liệt COMA vào diện giám sát tài chính đặc biệt

Trụ sở COMA. Ảnh: Quý - Minh

Theo Bộ Tài chính, cuối năm 2018, bộ đã có đánh giá tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất, kinh doanh năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của COMA, trong đó, có một số kiến nghị về dấu hiệu kinh doanh yếu kém này.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đến nay, tình hình tài chính, sản xuất, kinh doanh của COMA tiếp tục không được cải thiện, kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ thấp, mất cân đối dòng tiền.

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại COMA nghiêm túc thực hiện công tác báo cáo theo quy định tại Khoản 1, Điều 35 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo giám sát tài chính năm 2018 của người đại điện vốn Nhà nước tại COMA.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Công ty mẹ - COMA đã có các dấu hiệu mất an toàn tài chính, cụ thể: Lỗ phát sinh năm 2018 là 163.125 triệu đồng, chiếm 68,4% vốn góp của chủ sở hữu (vượt quá mức quy định là 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu), phát sinh lỗ 2 năm liên tiếp (năm 2017 và 2018); Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 lần lượt là 16,3 lần và 14,3 lần (vượt quá mức quy định an toàn là 3 lần); Doanh thu thuần giảm 2 năm liên tiếp (năm 2017 và 2018); Đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của COMA.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 24 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng xem xét thực hiện giám sát tài chính đặc biệt đối với COMA.

Bên cạnh đề nghị chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước thực hiện nghiêm túc về quản lý nợ, rà soát hiệu quả đầu tư, tăng cường quản lý, thúc đẩy bán hàng, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn Nhà nước tại COMA báo cáo cụ thể về nguyên nhân để xảy ra tình trạng kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn vốn đầu tư của chủ sở hữu như đã nêu trên, đồng thời xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể (nếu có).

Theo Bộ Tài chính, COMA đã chính thức chuyển thành công ty cổ phần từ ngày 8/11/2016, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng vẫn chưa thực hiện phê duyệt quyết toán vốn Nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, đơn vị kiểm toán cũng đã có ý kiến về việc này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất COMA, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 174.101 triệu đồng, tăng 4.787 triệu đồng so với 6 tháng đầu năm 2018, tương đương mức tăng 2,86%. Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 âm (-) 1.530 triệu đồng.

Với Công ty mẹ, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 68.845 triệu đồng, giảm 18.703 triệu đồng so với 6 tháng đầu năm 2018, tương đương mức giảm 37,3%.

Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019 đạt 295 triệu đồng. Lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 30/6/2019 của Công ty mẹ là 196.001 triệu đồng, chiếm 82,18% vốn điều lệ.

Báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán, tổng doanh thu năm 2018 của COMA đạt 398.686 triệu đồng, giảm 58.370 triệu đồng so với năm 2017, tương đương mức giảm 12,77%. Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 âm (-) 146.247 triệu đồng, giảm 108.665 triệu đồng so với năm 2017.

Báo cáo tài chính của Công ty mẹ COMA cho thấy, tổng doanh thu năm 2018 đạt 121.739 triệu đồng, giảm 114.438 triệu đồng so với năm 2017, tương đương mức giảm 48,45%. Lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 âm (-) 163.125 triệu đồng, giảm 129.954 triệu đồng so với năm 2017.

Trong khi tổng doanh thu giảm thì chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 128.171 triệu đồng (tương đương 362,6%), chi phí sản xuất, kinh doanh theo yếu tố tăng 26.185 triệu đồng (tương đương 11,39%) so với năm 2017.

Quý - Minh

Nguồn: Báo Thanh Tra