Cà phê đánh thức khát vọng

Nguyên Anh mang cà phê đặc biệt mời chào khách hàng

Giúp nông dân tăng giá trị cà phê

Phạm Hoài Nguyên Anh (SN 1990, TP. Buôn Ma Thuột, Ðắk Lắk) mắt trong veo, thần thái lạc quan, chạy như con thoi giữa các quán cà phê và đầu mối mua hàng các tỉnh. Không ai nghĩ anh thanh niên cao gầy là ông chủ Cty TNHH một thành viên Anh Coffee

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cà phê xanh ngắt ở huyện Ea H’leo (Ðắk Lắk), Nguyên Anh kể rằng, lớn lên tại núi rừng Tây Nguyên nhưng đến khi thành sinh viên chuyên ngành Luật Kinh tế (Trường Ðại học Tây Nguyên) mới biết nhiều về cà phê. Những ngày theo bạn cùng lớp về tận nương rẫy, Nguyên Anh trót phải lòng trước sắc hoa tinh khôi cùng hương thơm cà phê.

Ra trường năm 2012, Nguyên Anh đặt chân khắp vùng sản xuất cà phê trong nước, ra nước ngoài tìm hiểu xem cách làm, thưởng thức của họ ra sao. Nguyên Anh nhận thấy cà phê nước bạn được nâng niu, thu hái từng quả chín mọng, phơi sấy trong nhà kính sạch sẽ; còn quê nhà, bà con hái cả quả xanh lẫn chín, phơi dưới nền đất mặc cho mưa bụi bám bẩn. Nguyên Anh vạch ra con đường thay đổi tư duy canh tác. Muốn vậy, anh phải giải bài toán đầu ra trước khi thuyết phục nông dân thay đổi. Nguyên Anh tự tay chọn những quả căng tròn, ngấm đủ sương trời gió núi rang lên bếp củi. Rồi cậu nếm hàng chục cốc cà phê mỗi ngày để tìm ra công thức ngon nhất mang chào khách hàng.

“Cà phê đã trở thành lý tưởng sống của mình. Mục tiêu của mình là nâng tầm cà phê Việt trên trường quốc tế, chia sẻ lợi ích cao với bạn đồng hành-nông dân”.

Nguyên Anh tâm sự

Với tầm nhìn đưa cà phê Việt sánh ngang cường quốc cà phê, Nguyên Anh lập công ty, đầu tư máy móc sơ chế, hướng dẫn kỹ thuật.

Hiện, Nguyên Anh xây dựng vùng nguyên liệu rộng 50 hecta tại huyện Ea H’leo phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu cà phê rang xay chất lượng cao cho đối tác nước ngoài. Ngoài ra, Nguyên Anh còn hướng dẫn nông dân canh tác cà phê theo hướng hữu cơ gắn mô hình du lịch nông nghiệp.

Nhờ bắt đúng xu hướng tiêu dùng hiện đại, Nguyên Anh bắt đầu có những đối tác, đơn hàng lớn đến từ Hoa Kỳ, Úc.

Ba chữ của ông chủ ngang ngạnh

Những ngày này, anh Nguyễn Hữu Duy (SN 1987, Gia Lai), Giám đốc Cty TNHH cà phê HD Gia Lai bắt tay khởi động công việc sau thời gian “ngủ đông” do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hai đợt dịch qua khiến 8 cửa hàng kinh doanh cà phê của anh bị ảnh hưởng nặng, doanh thu mỗi tháng giảm tới 60%. Rơi vào thế cạn kiệt nguồn tài chính, song Duy vẫn giữ được tinh thần lạc quan.

Sở dĩ Duy giữ được sự lạc quan trước những khó khăn do bản thân từng thăng trầm trên con đường khởi nghiệp. Duy tự nhận mình là người ngang ngạnh, không thể làm thuê cho người khác. Thế nên hết năm 3 đại học (ngành cơ khí ô tô, trường Ðại học Công nghệ TPHCM) anh nghỉ ngang lao vào kinh doanh, kiếm tiền như một cỗ máy. Bỏ Sài Gòn hoa lệ, Duy bắt đầu tìm đến sách, rồi đến với các khóa học kỹ năng và đạp xe xuyên Việt (cuối năm 2013) để tìm lý tưởng sống. Khi đã đặt chân đến nhiều nơi, Duy nhận ra không đâu bằng quê nhà và quyết định quay về.

Thời điểm Duy về quê đúng lúc xu hướng cà phê nguyên chất manh nha và anh nắm ngay cơ hội. Duy thuyết phục gia đình bán 2 hecta cà phê ngấm đủ loại phân bón hóa học, mua 2 hecta đất mới trồng lại theo hướng hữu cơ và nhờ vay giúp 200 triệu đồng làm xưởng rang, thuê mặt bằng mở quán cà phê... Lao động cật lực song 3 tháng đầu, gã thanh niên khởi nghiệp lỗ nặng, bởi việc thay đổi thói quen uống cà phê trộn sang nguyên chất không dễ.

Anh Duy tự tay hái chọn cà phê chín mọng

Dần dần, Duy có doanh thu, gây dựng được thương hiệu cà phê mang phong cách riêng.

Trở thành ông chủ, Duy vẫn chưa dám nhận thành công. Anh tâm sự, cuộc sống dạy anh 3 chữ: Dám (Dám thất bại); Ham (Ham muốn phải chính đáng); Làm (Hành động quyết liệt). Hai đợt dịch vừa qua đã chứng minh sự kiên định, không bị quật ngã của Hữu Duy.


Nguồn: Báo Tiền Phong