Cần nhiều giải pháp, chính sách cứu doanh nghiệp du lịch

Những ngày qua, tour dạo trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của Công ty Thuyền Sài Gòn vẫn có khách. Khách nhóm nhỏ đi theo gia đình, bạn bè ngồi thuyền dạo kênh ngắm quang cảnh nội đô TP HCM trên thuyền, đi dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trải dài từ quận 1, quận 3 (TP HCM).

Chọn sản phẩm phù hợp

"Ngồi thuyền đi dọc kênh nội đô giữa TP buổi chiều tà mát mẻ là cảm giác rất khác. Chạy xe ngang qua kênh Nhiêu Lộc nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi tour này, đúng kiểu đổi gió. TP HCM có dòng kênh sạch, trong lành, nhìn khung cảnh từ thuyền lên 2 bên bờ rất bình yên" - chị Ngọc Quỳnh, nhà ở quận Bình Thạnh, chia sẻ.

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thuyền Sài Gòn, cho biết trước đây, công ty khai thác 3 tour phục vụ khách tham quan, ngắm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Từ khi vắng khách quốc tế, còn 2 tour cho khách nội địa và điều đáng mừng là vẫn có khách trong suốt thời gian dịch Covid-19.

"Chúng tôi đang nghiên cứu và chuẩn bị đưa thêm sản phẩm tour tham quan trên sông kết hợp ngắm trăng, uống trà, nghe nhạc… phù hợp với một số đối tượng khách. Xây dựng thêm sản phẩm mới cũng là nỗ lực của doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, nhu cầu của khách giờ chỉ là các nhóm nhỏ, nhóm gia đình nhằm hạn chế tiếp xúc" - ông Phan Xuân Anh nói.

Các DN du lịch gần như không có tour khởi hành do dịch bùng phát ngay dịp Tết. Đến nay, sau hơn 2 tuần TP HCM không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, các DN đang nỗ lực xoay xở để trụ lại.

Sở Du lịch TP HCM cho rằng trong bối cảnh du khách lo ngại đi tỉnh du lịch khi trở lại TP HCM có thể bị cách ly cũng là điều kiện để DN trên địa bàn đẩy mạnh các chương trình du lịch tại chỗ (city tour), chương trình du lịch ngắn ngày ở khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Đặc biệt, thay vì đi tour bằng máy bay phổ biến trước đây, các chương trình du lịch sử dụng phương tiện ôtô sẽ lên ngôi.

Đón đầu xu hướng này, một số công ty du lịch vừa giới thiệu loại hình tour mới bằng xe riêng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn và yếu tố bảo đảm an toàn được đặt lên hàng đầu. Theo Vietravel Holdings, chương trình tour được DN đầu tư khảo sát lựa chọn từ cung đường nào an toàn, thuận tiện, có phong cảnh đẹp, điểm tham quan phù hợp đến dịch vụ nhà hàng, khách sạn lưu trú đạt chuẩn. Du khách tham gia tour có thể sử dụng xe cá nhân từ 4-7 chỗ hoặc nếu có nhu cầu sẽ được DN hỗ trợ cung ứng xe riêng và tài xế…

Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour vẫn tổ chức tour cho từng nhóm nhỏ theo yêu cầu của khách. DN cũng chào bán tất cả dịch vụ du lịch lẻ và trọn gói cho khách dạng nhóm nhỏ như gia đình, bạn bè đã biết về lịch sử y tế của nhau. Riêng với các tour đoàn, nhân viên của công ty vẫn đang làm việc tập trung cho những thị trường phù hợp, sẵn sàng cho du lịch hè tới với kỳ vọng tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát ổn định.

Nhiều công ty lữ hành khác cho biết đang tập trung vào đào tạo đội ngũ nhân sự, tập trung vào marketing, làm việc với đối tác xây dựng tour tuyến… chờ dịch được kiểm soát tốt ở các điểm đến để đưa khách trở lại.

Ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Công ty A Plus Travel, cho biết đang mở bán trở lại tour đi bộ khám phá trung tâm TP HCM. Với hành trình khoảng 5 km khám phá qua những góc phố còn giữ kiến trúc từ thời Sài Gòn - Hòn ngọc viễn Đông, du khách có thể trải nghiệm, lắng nghe câu chuyện kể về công trình văn hóa, kiến trúc cũng như lịch sử hình thành…

"Du lịch bằng cách đi bộ ngay trên sân nhà khám phá đường phố, ngóc ngách, điểm đến hấp dẫn của TP HCM cũng là trải nghiệm thú vị mà chưa nhiều du khách biết đến" - ông Nguyễn Duy Tuấn nói.

Du khách tham gia tour dạo trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thường đi theo nhóm gia đình, bạn bè

Sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Ngay cả với các DN inbound (chuyên đón khách quốc tế), ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel, cho hay dù đã gần 1 năm không có khách quốc tế, công ty vẫn tiếp tục hoạt động khi nhân viên điều chỉnh yêu cầu đặt chỗ cho khách quốc tế; chuyển hướng sang thị trường trong nước.

Với 11 năm hoạt động trên thị trường, CEO của Images Travel chia sẻ chưa từng có ý định dừng lại mà xoay xở chuyển hướng sang thị trường nội địa dù khá mới mẻ. "DN đang làm thương hiệu, sản phẩm để bán tour cho khách Việt, hy vọng có thể tiếp cận thị trường tốt hơn trong mùa du lịch hè tới. Mảng nội địa công ty hướng tới là tour kết hợp sự kiện và bắt đầu có khách, bên cạnh vẫn duy trì chuẩn bị đón khách quốc tế trở lại khi điều kiện cho phép" - ông Nguyễn Ngọc Toản nói.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Golden Smile Travel, cho rằng ngành du lịch thời gian qua đã chịu thiệt hại nặng nề trong đại dịch khiến DN lớn "chết lớn", DN nhỏ "chết nhỏ" nhưng vẫn có thể tồn tại nếu hoạt động theo kiểu "nấm mùa mưa".

"Nấm mùa mưa" ở đây là những DN quy mô nhỏ, siêu nhỏ nằm chờ thời, có khách thì phục vụ, chờ dịch đi qua cơ hội sẽ trở lại. Đặc biệt, những DN du lịch dạng gia đình, nhân viên cũng là người nhà sẽ càng thuận lợi để có thể tồn tại.

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều DN cho biết đã xác định phải tự xoay xở để tồn tại từ khi có dịch Covid-19 đến nay nhưng vẫn rất cần chính sách hỗ trợ của nhà nước để có thể duy trì, giảm bớt khó khăn.

Ông Lại Minh Duy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty TST Tourist, kiến nghị Chính phủ và cơ quan quản lý du lịch sớm có các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN. Đồng thời, có những nghiên cứu tạo điều kiện, động lực, định hướng cho DN và người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn giai đoạn này.

Mới đây, Hiệp hội Du lịch TP HCM đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giảm thuế GTGT từ mức 10% hiện nay xuống 5% nhằm hỗ trợ người dân trong bối cảnh nhu cầu sinh hoạt, đời sống hằng ngày bị giảm sút do dịch Covid-19. Ngay với thuế thu nhập DN, mức 20% hiện nay cũng quá cao với những DN kê khai thuế đầy đủ và duy trì được chút ít lợi nhuận…

Quan trọng nhất theo các DN, chính sách hỗ trợ tốt nhất đối với ngành du lịch lúc này là nhà nước kiểm soát tốt dịch bệnh để người dân yên tâm đi du lịch nội địa, cũng là cách để DN tồn tại để chờ đến khi khách quốc tế trở lại.

Tính trước các kịch bản phục hồi

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, trong năm 2021, du lịch quốc tế chắc chắn chưa thể sớm trở lại, vì dịch vẫn chưa được kiểm soát trên toàn cầu. Dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, khoảng cuối quý III, IV năm nay, du lịch mới có thể khởi sắc hơn.

Trong bối cảnh đó, du lịch Việt Nam phải luôn chủ động, tính trước các kịch bản để phục hồi. Ngành du lịch cần cơ cấu lại ngành theo xu hướng thích ứng với bối cảnh "bình thường mới" sau dịch Covid-19, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững, an toàn cho mọi người, lấy người dân, du khách là trung tâm. Một trong những giải pháp của ngành du lịch thời gian tới là tiếp tục thúc đẩy liên kết giữa các vùng miền để tạo ra những chuỗi cung ứng mới. Mỗi vùng miền có sự khác biệt nhưng khi kết nối với nhau nhờ ứng dụng công nghệ sẽ tạo nên sự hoàn hảo về chuỗi cung ứng du lịch.

Nguồn Người Lao Động: http://nld.com.vn/diem-den-hap-dan/can-nhieu-giai-phap-chinh-sach-cuu-doanh-nghiep-du-lich-20210225211033773.htm