Cẩn thận với hàng giảm giá cuối năm

Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán đang đến gần, dạo quanh các chợ, tuyến phố, không khó bắt gặp các cửa hàng kinh doanh, thậm chí cả những sạp bán hàng vỉa hè đăng bảng khuyến mại “khủng”, giảm giá “sâu”. Những chiếc áo thun nam, nữ, bộ váy đủ màu sắc hay những đôi giày gắn đủ các loại nhãn mác thời trang quen thuộc từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng. Chủ một cửa hàng thời trang trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Long Xuyên) cho biết: “Đa phần các cửa hàng kinh doanh thời trang đã nhập hàng bán Tết vài tuần nay. Để bán hết hàng cũ, thu hồi vốn nhanh, vào tháng 12 hoặc đến gần Tết Nguyên đán, người kinh doanh sẽ “xả hàng tồn” bằng cách giảm giá từ 50% hoặc có thể hơn. Nhờ vậy, hàng hóa bán khá chạy, mặc dù giảm giá nhưng vẫn có lợi nhuận”.

Chị N.T.D (ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) tâm sự: “Thời điểm này, các “tín đồ” thời trang sẽ khá bận rộn và tốn nhiều tiền cho việc “săn hàng” giảm giá. Những nơi giảm giá thật thì họ giảm giá hàng hóa với mong muốn bán được nhiều hàng tồn, qua mode (mốt) để kích cầu người tiêu dùng mua sắm, nhanh thu vốn và tung ra hàng mới, với những kiểu dáng mới, hợp thời trang. Tuy nhiên, có lần người bạn của tôi bị “sập bẫy” một cửa hàng treo bảng giảm giá đến 75% nhưng thật ra họ đã “nâng giá” cao gấp 3 lần giá thị trường. Sau khi đã mua sản phẩm xong, đi sang một cửa hàng khác, thấy giá sản phẩm vừa mua dù không giảm giá nhưng vẫn thấp hơn cửa hàng đã giảm 75%. Đây là một chiêu thức tinh vi vừa để câu khách, vừa “móc” hầu bao của khách hàng. Chưa kể có những cửa hàng niêm yết giá bán chiếc váy đến gần 2 triệu đồng, rồi giảm giá 70% hoặc “mua 3 tặng 1”, vậy giá trị của sản phẩm đó có thật như giá ghi trên sản phẩm không hay “ảo”? Điều này chỉ có người bán, nhà phân phối biết rõ, còn người tiêu dùng là người chịu thiệt thòi”.

Bên cạnh đó, không ít cửa hàng treo bảng “giảm giá cực sốc” nhưng thực chất chỉ giảm giá một số mặt hàng chất lượng thấp, còn lại vẫn nguyên giá. Bạn T.N.Đ. (24 tuổi, phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) cho biết: “Cách đây vài hôm, tôi vào một cửa hàng quần áo có treo biển giảm giá đến 50%. Thấy bảng giảm giá, tôi khá hào hứng lựa cho mình một số sản phẩm vừa ý. Tuy nhiên, khi thanh toán thì thấy không hề được giảm 50% hóa đơn như đã quảng cáo. Tôi hỏi nhân viên tính tiền thì họ bảo là hàng mới nên không giảm giá và chỉ giảm giá một quầy quần áo. Tôi đến xem đồ họ bảo giảm giá thì thấy chất liệu không tốt, có cái bị lỗi, cái thì cũ…”.

Còn bạn P.M.A (nhân viên ngân hàng) chia sẻ: “Phụ nữ rất thích shopping, mua mỹ phẩm làm đẹp nên mình để ý giá các món hàng đã “kết”, chờ dịp có đợt giảm giá là “hốt” liền. Nhưng có lần mình “nhắm” cái váy đi tiệc ở một cửa hàng thời trang đường Hà Hoàng Hổ (phường Mỹ Xuyên), khi có đợt giảm giá mình đến xem còn không, nếu giảm là mình mua ngay. Tuy nhiên, dù để hàng giảm 30% nhưng giá chỉ thấp hơn vài chục ngàn đồng so với chưa giảm, tính ra chưa tới 5%. Khi hỏi nhân viên bán hàng thì họ bảo chủ niêm yết giá, với lại cái váy này lấy ở xưởng cao cấp hơn, vải này tốt, đường may sắc sảo hơn nên giá chưa giảm nhiều. Chưa kể, có cửa hàng bán mỹ phẩm treo bảng “mua 2 tặng 1”, “mua 1 tặng 1” nhưng hàng tặng gần hết hạn sử dụng. Vì vậy, khi mua hàng giảm giá, tôi thường hỏi kỹ cách giảm giá; đối với mỹ phẩm, thực phẩm thì xem xuất xứ, hạn sử dụng”.

Thực tế cho thấy, để đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, một số cửa hàng kinh doanh không minh bạch thường sử dụng nhiều chiêu thức để bán được hàng, chạy doanh số... Do đó, người tiêu dùng cần chú ý đến các mặt hàng giảm giá, hàng khuyến mại đi kèm để không phải mua lầm hàng hóa kém chất lượng, hoặc sản phẩm giảm giá nhưng thực chất lại không hề giảm, thậm chí đắt so với nơi khác. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các hoạt động khuyến mại, giảm giá, tặng phẩm của các công ty, nhà phân phối, cửa hàng kinh doanh… để xử lý, chấn chỉnh kịp thời nhằm bảo vệ và giúp người tiêu dùng an tâm mua sắm.

MINH THƯ

Nguồn: Báo An Giang