Các hãng hàng không trên thế giới đang phải đối mặt với một mùa Đông dài đầy khó khăn, sau khi triển vọng phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19 đã không thành hiện thực.
Điều này khiến họ phải thực hiện những chương trình cắt giảm chi phí đầy nhọc nhằn và khẩn thiết kêu gọi hỗ trợ từ phía chính phủ.
Stephane Albernhe, đối tác quản lý của công ty tư vấn Archery Strategy Consulting, cho biết: "Chúng tôi đang chạy đua với thời gian. Điều quan trọng là phải có tiền mặt ... chúng tôi cần phải hành động nhanh, rất nhanh."
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), doanh thu ngành hàng không đã giảm 80% trong nửa đầu năm 2020, trong khi các hãng hàng không vẫn phải trang trải chi phí cố định liên quan đến phi hành đoàn, hoạt động bảo trì, nhiên liệu, phí sân bay và bảo quản máy bay.
Sau khi phục hồi nhẹ vào tháng 7/2020 do các biện pháp giãn cách nhằm hạn chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2 được nới lỏng, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không lại sụt giảm vào tháng Chín, trong khi lượng khách đặt phòng cho mùa Đông - bắt đầu từ ngày 25/10 tới - đã giảm đến 78% so với một năm trước đó, chỉ dấu cho thấy một quãng thời gian với nhiều khó khăn hơn sắp diễn ra.
Trong số đó, nỗi thất vọng lớn nhất là sự vắng mặt của các du khách hạng thương gia, vốn là những đối tượng khách hàng mang lại khả năng sinh lợi cao.
Những người này giờ đây có xu hướng thực hiện các cuộc họp, hội nghị trực tuyến hơn là di chuyển và phải đối mặt với nguy cơ nhiễm virus.
Ngoài ra, những nỗ lực nhằm trấn an hành khách rằng việc đi lại bằng đường hàng không an toàn đã không tạo ra nhiều khác biệt, trong khi các quy định hạn chế của chính phủ, bao gồm cả việc yêu cầu cách ly lên đến 14 ngày đối với hành khách quay trở lại, chỉ làm tăng thêm áp lực lên các hãng hàng không.
Giữa bối cảnh đó, có một phương án đang được kỳ vọng sẽ giúp khôi phục niềm tin của hành khách và có thể làm giảm bớt hoặc xóa bỏ các yêu cầu khắt khe về chế độ cách ly đó là việc đưa vào sử dụng các hệ thống kiểm tra sân bay.
Hiện nay, một số sân bay lớn của thế giới đã tiến hành thử nghiệm mô hình này và hôm 16/10 vừa qua, Pháp đã thông báo sẽ giới thiệu mô hình thử nghiệm nhanh chóng dựa trên kháng nguyên virus SARS-CoV-2 vào cuối tháng này.
Bộ trưởng Giao thông Pháp Jean-Baptiste Djebbari cho biết trên CNews TV: “Chúng tôi sẽ thực hiện những cuộc kiểm tra này tại các sân bay, đặc biệt là đối với các chuyến bay khởi hành đến Mỹ hoặc Italy và đối với những khách đến từ các quốc gia nằm trong danh sách đỏ (có tỷ lệ lây nhiễm cao).”
"Bằng cách đó, sẽ không có thêm bất kỳ hành khách nào đến lãnh thổ Pháp mà không được kiểm tra," ông Djebbari nói thêm.
Trong khi đó, Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore cũng tuyên bố họ đang có kế hoạch cho phép các chuyến bay không bị hạn chế.
Tuy nhiên, mặc dù các cuộc thử nghiệm ngay tại sân bay có thể giúp ích, song với những thiệt hại đã và đang xảy ra, IATA tiếp tục nhấn hồi chuông cảnh báo và yêu cầu sự trợ giúp từ phía chính phủ để giúp các hãng hàng không tồn tại cho đến khi có ít nhất một số chuyến bay trở lại bình thường.
Cho đến nay, IATA ước tính các chính phủ đã cung cấp 160 tỷ USD dưới hình thức viện trợ, cho vay và giảm thuế để các hãng hàng không có thể trang trải các chi phí hiện tại.
Dù vậy, sau một mùa Hè thảm hại, vốn là thời điểm bận rộn nhất trong năm, các hãng hàng không sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2020, người đứng đầu IATA Alexandre de Juniac cảnh báo.
Đầu tháng này, United Airlines đã buộc phải tạm sa thải 13.000 nhân viên trong thời gian chờ đợi các nghị sỹ ở Washington đưa ra một gói viện trợ mới.
Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ Ryanair, từng tự hào vì không phải tìm kiếm nguồn viện trợ của nhà nước, hôm 15/10 cũng đã tuyên bố kế hoạch cắt giảm 1/3 lịch trình mùa Đông từ con số vốn đã giảm trước đó.
Bên cạnh đó, một số hãng hàng không cũng đang cung cấp những dịch vụ hoàn toàn mới để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Ví dụ như một số hãng bay châu Á với ý tưởng cung cấp các "chuyến bay đến hư không," là những chuyến bay ngắn, bay vòng dành cho những hành khách chỉ muốn được tận hưởng cảm giác ngồi trên máy bay và sẵn sàng trả tiền để có được đặc quyền đó.
Ngoài ra, Singapore Airlines thậm chí còn biến một trong những chiếc máy bay A380 khổng lồ của mình thành một nhà hàng sang trọng./.