Chứng khoán Việt vẫn hút vốn ngoại

Hút vốn từ quỹ mới

Trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 4/2021 (từ 26 - 29/4), khối ngoại đã bất ngờ quay sang mua ròng trên toàn thị trường. Theo thống kê, khối này mua ròng hơn 650 tỷ đồng trong tuần. Tính chung, khối ngoại mua ròng trong tháng 4 trên toàn thị trường khoảng 400 tỷ đồng.
Quý I/2021 ghi nhận sự lên ngôi của nhóm NĐT cá nhân trong nước nhưng khối ngoại đang dần trở lại và xu hướng mua ròng của khối ngoại có thể duy trì lại trong quý II/2021. Công ty Chứng khoán SSI cho biết, họ nhận thấy các tín hiệu tích cực về dòng vốn ETF trong thời gian tới. Đầu tiên, Quỹ VFM VN30 ETF đã ngừng rút tiền và có tiền vào liên tục kể từ ngày 25/3. Quỹ FTSE Vietnam UCITS ETF cũng có dòng vốn vào trở lại trong 3 ngày cuối tháng 3.

Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Thông tin đáng chú ý nhất là việc Quỹ Fubon ETF Vietnam (Đài Loan) đã huy động ròng được hơn 4.200 tỷ đồng trong đợt phát hành lần đầu (IPO) vào đầu tháng 4/2021 vừa qua. Danh mục quỹ bao gồm 30 cổ phiếu thuộc chỉ số FTSE Vietnam 30 Index, trong đó đứng đầu danh mục là VIC (11,1%), HPG (10%), VNM (9,7%), VHM (9,7%), MSN (8,9%), VRE (7%). Quỹ đặt mục tiêu huy động được 8.000 tỷ đồng, và ước tính trong giai đoạn IPO (24 - 26/3) đã huy động được một nửa giá trị trên. Do quỹ này tham chiếu chỉ số FTSE Vietnam 30 Index nên các chuyên gia kỳ vọng dòng vốn “khủng” nói trên sẽ tạo nên sự khởi sắc cho nhóm cổ phiếu VN30 (chiếm 40-50% giá trị giao dịch của Vn-Index).
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam xác nhận, thời gian qua, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF đã “gom hàng”. Trong khi SSI Research cũng cho rằng quỹ này đã bắt đầu giải ngân từ đầu tháng 4, giúp đẩy mạnh dòng tiền vào cho nhóm Quỹ ETF. Và việc huy động ròng từ quỹ này sẽ đóng góp tích cực, đặc biệt ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn. Trước đó, quỹ đầu tư đến từ châu Âu PYN Elite Fund cũng tăng mạnh tỷ trọng đầu tư vào HDB đưa cổ phiếu này vào top 3 khoản đầu tư lớn nhất.
Làm sao giữ chân khối ngoại?
SSI Research nhận định, với môi trường kinh doanh ổn định, kiểm soát cung tiền chặt chẽ, áp lực lạm phát thấp, thị trường Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến hấp dẫn của NĐTNN.
Theo đánh giá của các quỹ đầu tư, TTCK Việt Nam trong nhóm hồi phục nhanh nhất trên thế giới. Tuy mức P/E của VN-Index cao hơn mức P/E bình quân 5 năm gần đây nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực. Khả năng dịch chuyển vốn để đón đầu xu thế nâng hạng TTCK (hiện Việt Nam thỏa mãn 7/9 điều kiện của FTSE Russell đưa ra).
Số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), khối ngoại mới chỉ rút khoảng 3% trong tổng số cổ phiếu Việt Nam đang nắm giữ. Điều đáng nói, lượng tiền mặt đang được giữ trong tài khoản của khối ngoại ghi nhận khoảng 2,7 tỷ USD, trong khi con số cuối năm 2020 ở mức 1,2 tỷ USD. Điều này chứng tỏ, lượng vốn lớn kể trên đang chờ cơ hội để giải ngân vào thị trường.
Cho rằng, TTCK Việt Nam tiềm năng, Chủ tịch Dragon Captial Dominic Scriven cho hay, khi tiếp xúc với khối ngoại họ đánh giá rất cao về thành công trong chống dịch và nền tảng vĩ mô ổn định của Việt Nam. Dù vậy, để thu hút sự tham gia của NĐTNN vào TTCK Việt Nam dài hạn, cơ quan quản lý cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như: nâng cao năng lực quản trị rủi ro đối với TTCK. Theo đó, ngoài việc xây dựng các hệ thống phòng ngừa rủi ro và cảnh báo sớm, UBCKNN cần đầu tư công nghệ hiện đại và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ nhằm kịp thời ứng phó với các tình huống bất ngờ.

Cổ phần hóa DN tăng nguồn hàng hot cho thị trường. Ngoài quy định về “room ngoại”, cần có những quy định về gia tăng thêm sự tham gia của khối ngoại thông qua các sản phẩm mang tính chất kỹ thuật mà không ảnh hưởng đến quy định pháp lý hiện hành. Ngoài ra, các DN cần minh bạch, công khai kết quả kinh doanh của mình và thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế (IFRS)…

Báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) quý I/2021, hơn 2/3 các thành viên EuroCham (68%) dự đoán, đơn đặt hàng và doanh thu của họ sẽ "duy trì hoặc tăng" trong ba tháng tới, tăng 25% so với quý IV/2020. Ngoài ra, 67% DN dự đoán về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý II là “xuất sắc” hoặc “tốt” - tăng 12% so với quý trước. Chỉ số Môi trường Kinh doanh của EuroCham (Business Climate Index - BCI) đạt 73,9% trong quý I/2021. Đây là số điểm cao nhất được ghi nhận kể từ quý III/2019, trước khi đại dịch Covid-19 tấn công hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu.

Nguồn Kinh Tế Đô Thị