Làm bánh chưng thời 4.0
Người vợ kề vai tay ấp đột ngột ra đi, anh Phạm Khắc Tưởng rơi vào khủng hoảng tinh thần. Với bản lĩnh của một người đàn ông nhiều năm trên thương trường, anh Tưởng quyết phải biến những năng lượng tiêu cực thành một hành động ý nghĩa. Vốn yêu thích món bánh chưng truyền thống, vậy là ý tưởng táo bạo về một chiếc bánh chưng được làm bằng máy được ra đời.
Anh Tưởng chia sẻ về lý do khiến mình bắt đầu công việc này: "Việc gói bánh chưng vốn là công việc rất nặng nhọc, nhiều khi chỉ đàn ông hay những người lớn tuổi mới làm được. Do đó, công việc gói bánh bằng máy làm cho mọi thứ trở nên đơn giản hơn. Ai cũng có thể thực hiện được".
Điều quan trọng nhất mà anh Tưởng và những người đồng hành muốn hướng tới chính là đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Suy nghĩ và ý tưởng là một chuyện nhưng để thực hiện được ra sản phẩm hoàn thiện lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Cái khó lớn nhất không nằm ở chuyện làm bánh chưng bằng máy mà lại nằm ở sáng tạo ra những cỗ máy.
Nói là làm, suốt hai năm ròng rã anh Tưởng đã liên tục nghiên cứu để có thể cho ra được những cỗ máy gói bánh chưng chưa từng có trên thị trường. Thế là trong hành trình đó, từ một doanh nhân, anh đã trở thành nhà sáng chế từ lúc nào không hay.
Hoàn thiện được những cỗ máy cho việc làm bánh chưng anh lại trăn trở làm sao để giữ được trọn vẹn giá trị truyền thống trong từng chiếc bánh chưng. Anh chia sẻ: "Dù làm bằng máy móc nhưng tất cả các nguyên liệu làm bánh như nếp, thịt, đậu xanh, lá dong, lạt… và lá riềng đều được giữ nguyên, máy móc chỉ hỗ trợ làm cho các bước này nhanh hơn".
Máy trộn và đóng khuôn đỗ thịt để đảm bảo mỗi chiếc bánh đều có lượng đỗ và thịt như nhau
Thế là, những chiếc máy lạ hoắc lại lần lượt ra đời từ những ý tưởng táo bạo của anh Tưởng: máy rửa lá, máy xay đậu, máy cắt thịt, máy lấy tinh chất lá riềng…, thậm chí có cả máy buộc dây lạt.
"Hiểu" được nếp, được riềng thì khách hàng sẽ chấp nhận
Bắt đầu từ 2017, hai năm qua, những thất bại đến với anh Tưởng nhiều không kể xiết. Nói về khó khăn của mình, anh tâm sự: "Khi thất bại, mình chỉ nghĩ sẽ làm cho bằng được. Không cần suy nghĩ nhiều, chỉ cố gắng nghiên cứu, tìm hiểu thông tin và thực nghiệm đến cùng mà thôi".
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, những mẻ bánh chưng bằng máy đầu tiên của anh Tưởng đã được ra lò trong sự ngạc nhiên của bạn bè người thân. Người ủng hộ thì cho rằng bánh ăn ngon, hương vị tốt. Người không ủng hộ thì cho rằng bánh có mùi lạ hơn so với bánh truyền thống.
Không nản chí, anh Tưởng đã liên tục lắng nghe những góp ý của mọi người để cải thiện sản phẩm. Mà như cách nói tếu táo của anh, "làm đến cùng, trải nghiệm đến cùng để hiểu nếp, hiểu riềng cho bằng được".
Nếu gói thủ công bình thường, các điều chỉnh đều được thay đổi một cách đơn giản nhưng làm bằng máy mỗi một sự thay đổi đều kèm theo một sự thay đổi về công nghệ. Thế là những cỗ máy đời F1, F2 cũng liên tiếp được nhà sáng chế "bất đắc dĩ" cho ra lò.
Mới đây, những mẻ bánh chưng xanh làm bằng máy đầu tiên tại Việt Nam đã được tung ra thị trường. Khách hàng tìm đến vì sự tò mò nhưng đã bị níu chân lại vì hương vị sản phẩm. Nhiều khách hàng đã quay lại đặt mua với số lượng lớn. Nhiều hệ thống, siêu thị bán lẻ cũng đã đề nghị được kết nối để bán sản phẩm của anh. Đó là món quà lớn anh dành tặng người vợ đã mất của mình và có lẽ cũng là thành quả xứng đáng cho việc dám nghĩ, dám làm của anh.
Dù đã chinh phục được thành công của mình, nhưng anh Tưởng khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ với những dự định tương lai: "Với tôi, nấu bánh chưng cũng giống như một thú vui vậy. Thu nhập từ nghề nghiệp khiến tôi không quá nặng nề cho việc thương mại hóa hoạt động của mình. Điều quan trọng là giá trị Việt, hồn cốt Việt được lưu giữ qua những cách thức hiện đại hơn".
Những mẻ bánh chưng xanh đang chuẩn bị được mang lên kệ các siêu thị và cũng có thể xuất ngoại nếu đảm bảo được các tiêu chí về vệ sinh thực phẩm. Những thức quà Tết Việt sẽ được gửi gắm tới bạn bè năm châu mang theo cả giá trị Việt. Đó cũng có lẽ là điều mà anh Tưởng mong mỏi.