Nhiều năm qua, nghề đan đát lục bình khá phổ biến tại ĐBSCL. Người dân chủ yếu nhận gia công những vật dụng như: Bàn ghế, tấm thảm, giỏ, kệ,… cho các công ty. Tuy nhiên thời gian gần đây, việc làm các loại đồ dùng trong gia đình này không còn đem lại thu nhập ổn định nên nhiều người phải bỏ nghề để tìm công việc khác trang trải cuộc sống.
Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống 20 năm đan đát lục bình nên Trần Thị Ngọc Nhi (25 tuổi, ngụ xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đã nghĩ ra một hướng đi mới cho nghề đan đát này. Nhi chia sẻ: “Tôi nghĩ tại sao mình cứ phải đan gia công hoài cho người ta? Họ bán được tại sao mình bán không được? Trong khi mình có tiềm lực là nguồn nhân công, nguyên liệu tại chỗ. Cái khó của mình là ở chỗ nguồn khách hàng thôi”.
Tốt nghiệp đại học ngành tài chính ngân hàng nhưng Ngọc Nhi không theo đuổi công việc mình đã học mà lại về nhà tập trung phát triển cái nghề ai cũng cho là “hết thời”. “Nghề lục bình là nghề truyền thống của mẹ tôi và cũng là đam mê của tôi. Chính mẹ là người truyền lửa, tạo động lực để tôi phát triển, gắn bó với công việc này. Tôi nghĩ, muốn thỏa mãn đam mê trước hết phải xây dựng một nền tảng tri thức vững chắc. Đam mê gắn liền với tri thức thì mới thành công được” – Nhi tâm sự.
Từ tấm bé, 9X đã phụ mẹ đan lục bình gia công. Đến khi là sinh viên, cô gái trẻ bắt đầu nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp từ chính cái nghề của gia đình. Sau những giờ học tại trường, về nhà cô gái này lại bắt đầu quay cuồng với những sợi lục bình từ việc đan đát, rồi tập tành nghiên cứu, lên ý tưởng làm sao tạo ra sản phẩm mới từ trên chất liệu cũ, sẵn có tại quê hương; để cái nghề của mình không chỉ dừng lại ở bước gia công đồ dùng gia đình.
Nghĩ là làm, năm 2014, Nhi bắt đầu khởi nghiệp từ sợi lục bình. Nhận thấy các mặt hàng túi xách thời trang luôn luôn có sức hút rất lớn đối với phái đẹp, đặc biệt là những người thích sự độc lạ, mới mẻ. Do đó, Ngọc Nhi đã quyết định thiết kế chiếc túi xách từ chính nguyên liệu lục bình.
Ý tưởng và kinh nghiệm có sẵn. Thế nhưng khi áp dụng vào đan một sản phẩm hoàn toàn mới, 9X đã vấp phải không ít khó khăn. “Ban đầu để làm được một chiếc túi như thế này phải mất thời gian hơn một tuần để ngồi nghiên cứu, thiết kế mẫu mã, kiểu dáng, rồi cách đan. Mình vẽ nên một chiếc túi như vậy nhưng khi đan thì nó lại không ra đúng mẫu mình đã vẽ. Bởi vì, cách đan trên mỗi chiếc túi là hoàn toàn khác biệt nhau chứ không giống như đang sọt, đan ghế gia công”.
Một chiếc túi xách từ lục bình được tạo ra vô cùng kì công. Từ những cây lục bình mọc dại trên sông, người thợ đan phải chọn cắt những cọng có đủ độ dài đem về phơi khô, vát nhọn hai đầu. Sau đó, thiết kế kiểu dáng trên bản vẽ, tạo khung sườn theo size, rồi đan đát, xử lí độ bền, trang trí mới có thể thành phẩm một chiếc túi đến tay người tiêu dùng.
Tạo ra sản phẩm đã khó, việc tìm kiếm khách hàng lại càng khó hơn. “Ban đầu tôi cứ làm đại, rồi đăng lên mạng xã hội, ai thích thì liên hệ mình tìm hiểu. Cuối cùng cơ hội cũng đến. Năm 2016, kiều bào ở nước ngoài, khách hàng ở TP Hồ Chí Minh và các khu du lịch họ lùng sục loại túi xách thủ công mĩ nghệ, sản phẩm mang nét đặc trưng của địa phương, mà loại túi xách của mình lại đáp ứng được các tiêu chí ấy. Từ đó, số lượng khách hàng của mình mới tăng dần lên”.
Không chỉ cung ứng cho nhiều tỉnh thành trong cả nước, mà giữa năm 2017, bà chủ 9X còn “xuất khẩu” túi xách lục bình của mình đến các nước trên thế giới như: Mỹ, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản,… và nhận được sự đánh giá cao bởi kiểu dáng thời trang, tinh xảo, mẫu mã đa dạng.
Sau 5 năm khởi nghiệp với loài cây mọc hoang, hiện nay Ngọc Nhi đã cho ra đời khoảng 400 mẫu túi xách các loại, cung ứng ra thị trường ra 5.000 sản phẩm mỗi tháng. Với giá giao động từ vài chục đến vài trăm ngàn/sản phẩm. Hàng tháng cô gái này thu về trung bình từ 30 triệu đồng, lúc cao điểm có thể lên đến khoảng 100 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, 9X còn giải quyết việc làm cho 20 chị em phụ nữ tại chỗ với mức lương 3 – 4,5 triệu đồng/tháng và hàng trăm lao động tại Đồng Tháp và các tỉnh lân cận khác.
Sắp tới, bà chủ trẻ sẽ đẩy mạnh sản xuất để cung ứng cho thị trường nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục mở rộng phát triển làng nghề ở địa phương; đào tạo nghề nhằm giúp người dân lao động có công ăn việc làm, đặc biệt là các chị em phụ nữ ở các xã, ấp nghèo.