Cô giáo dành cả tuổi thanh xuân vì trẻ em nghèo: Những 'đứa con' đã vá lành tâm hồn tôi

Điểm trường Thào Chư Phìn (Hà Giang). Ảnh: Dân Trí.

Vượt gần 30km đường đèo từ trung tâm huyện Quản Bạ (Hà Giang) băng qua hơn 40 cung đường gấp khúc, tiếp tục đi bộ 4 tiếng đồng hồ băng qua đỉnh núi cao vút là tới điểm trường lẻ Thào Chư Phìn (Hà Giang).

Đây là điểm trường khó khăn nhất nằm trên đỉnh Xà Phìn thuộc dãy núi Bát Đại Sơn, trấn giữ biên giới phía Bắc tổ quốc. Được biết, điểm trường Thào Chư Phìn có tổng cộng 17 trẻ (14 trẻ mầm non, 3 trẻ tiểu học đều là dân tộc H’Mông) do cô giáo Chương Thị Phinh dạy dỗ, chăm sóc.

Do nhà các em ở xa lớp, trong tận rừng sâu trong khi các con còn quá nhỏ, đi về trong ngày không có người đón đưa rất nguy hiểm. Cho nên các cô giáo đã vận động phụ huynh cùng góp gạo, góp rau nuôi các con ở nội trú tại điểm trường từ sáng thứ 2 đến chiều thứ 6 mới về.

Cô Phinh tâm sự với tờ Dân Trí: “xung phong lên đây dạy học cũng hơn 10 năm, xa chồng, xa nhà là cả một nỗi niềm không gì kể hết đè nặng lên vai. Giữa trốn rừng xanh này, chúng coi đây là nhà, tôi là mẹ và dĩ nhiên tôi coi chúng như con ruột mình sinh ra, lấy đó làm “nguồn sống” mỗi ngày. Không biết là tôi nương tựa các con, hay các con tựa vào tôi; chỉ biết rằng nếu không có tụi nhỏ, tôi sẽ cô đơn lắm!”.

Như thường lệ, 5h sáng hàng ngày, cô Phinh sẽ gọi các con dậy, đánh răng rửa mặt cho từng đứa, rồi lại tất bật xắn tay áo lên để lo nấu ăn sáng, thay quần áo, chăm bẵm từng li từng tí. Vì thế mà “nhà” lúc nào cũng âm vang lên tiếng cười nói của lũ trẻ, xua đi cái lạnh lẽo một góc rừng. Trưa đến, sau giờ lên lớp mẹ con cô giáo Phinh lại quấn quýt lấy nhau cùng nhặt rau, nấu cơm… và rồi đến tối cũng vậy.

Ở đây không có điện, ánh nến mập mờ chiếu rọi mọi thứ, chỉ chừng 8 giờ tối là mẹ con đã lên giường đi ngủ. Nhưng trước khi ngủ 17 đứa con đều đồng thanh đòi mẹ hát, đọc thơ hoặc kể chuyện như một thói quen”.

Cô giáo Chương Thị Phinh chăm sóc cho các em học sinh như mẹ đẻ. Ảnh: Dân Trí.

Lo cho 17 đứa con từ miếng ăn, giấc ngủ, dạy ca dạy hát, cả ngày cô Phinh luôn tất bật chân tay chẳng lúc nào ngưng, chắc vì thế nỗi nhớ nhà sẽ vơi đi phần nào. Nhưng không, khi đêm về những nỗi buồn của riêng cô lại dâng trào, nó giống như màu đen kịt đang phủ lấy núi rừng bên ngoài vách tường lớp học kia.

Cô Phinh tâm sự, cách đây 10 năm cô từng một lần “lỡ đò”, bị “một nửa” của cuộc đời phản bội chỉ vì lý do đi dạy quá xa; vợ chồng ít được gặp nhau; sóng điện thoại không có nên khó lòng tâm sự, chia sẻ buồn vui mỗi ngày. Thế là người đàn ông ấy đã “dứt áo ra đi”, bỏ lại người vợ cô đơn một mình giữa rừng sâu.

“Trước khi người ấy tuyệt tình, họ đã nói với tôi: “Nhà cũng cần bàn tay, hơi ấm từ em nhưng em vẫn quyết chọn ở lại vùng cao dạy học thì em sẽ mất anh”. Vì câu nói đó mà tôi đã đóng cửa trái tim mình suốt thời gian vừa qua. Tôi mong có một người chồng hiểu nỗi vất vả của vợ mà san sẻ động viên hơn là… Dẫu sao cũng đâu thể trách họ được”, cô Phinh chua xót nhớ lại quá khứ.

“Lúc ấy tôi như tuyệt vọng và mất phương hướng. Tôi không biết quyết định của mình là đúng hay sai, chỉ bưng mặt khóc mà than với vách núi đá và gió trời. Nhưng rồi, hết lớp này đến lớp khác, lũ trẻ nối tiếp nhau lớn lên từng ngày, tôi cũng quên đi nỗi tủi trong hạnh phúc riêng. Những đứa con đã vá lành tâm hồn tôi”, cô Phinh nói.

Trước đó câu chuyện thầy Đỗ Văn Nhất (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) suốt 20 năm qua làm giáo viên tại những ngôi trường nghèo nhất nước để đạy chữ cho học trò cũng đã chạm tới trái tim nhiều người. Cứ vài năm thầy Nhất lại được luân chuyển đi nhiều bản khó khăn như Pa Púa, Tà Cóm, Cá Ráng, Sài Khao, Ón (Thanh Hóa),... Mỗi bản có những khó khăn không giống nhau nhưng nói về cung đường để đến được với học trò thì gian nan, khổ như nhau.

Hơn hai chục năm công tác, duy nhất một lần, thầy giáo này được vợ lên thăm. Còn bình thường, cứ mỗi năm, thầy được về với gia đình 2 lần vào dịp hè và Tết.

“Mấy chục năm công tác, vợ vẫn đều đặn viết thư lên cho mình. Những năm trước, thư vợ gửi 2 tháng mới đến được tay. Lúc mình nhận được, thư cũng nhàu mất rồi vì cứ gửi qua người này, người khác", thầy Nhất tâm sự với Zing.vn.

Hiện thầy Nhất đang công tác tại trường tiểu học Trung Lý 1 (bản Suối Tung, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Đây cũng là một điểm trường khó khăn ở Thanh Hóa. Tuy nhiên so với trước đây, cuộc sống ở bản đã đỡ hơn nhiều. Điện được lấy từ máy phát điện lưới nhỏ đặt ở suối, nhưng nguồn điện yếu và chập chờn. Sóng điện thoại cũng có nhưng chập chờn, phải để nguyên một ví trí, riêng mạng 3G thì hoàn toàn không có, phải đi ra ngoài bản mới bắt được.

Thầy Nhất coi học sinh như con em của mình. Ngoài việc giảng dạy trên lớp, nam giáo viên còn cắt tóc, tắm hay đưa các em qua những đoạn đường khó để về nhà. Ảnh: Zing.vn.

Thanh Tùng (T/h)

Nguồn: Báo ĐS&PL