Đây là một trong những kết quả mới nhất từ Khảo sát Thế hệ kế nghiệp toàn cầu của PwC – Tâm điểm Việt Nam vừa được công bố.
Kết quả khảo sát cho thấy gần một nửa Thế hệ kế nghiệp (Nextgen) Việt Nam đang đóng góp tích cực vào các doanh nghiệp gia đình, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức độ tham gia ghi nhận được trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương (73%) và trên thế giới (70%).
Tuy nhiên xét ở góc độ tích cực, theo PwC, đây là con số đáng khích lệ - khi đại đa số Nextgen được khảo sát tại Việt Nam ở độ tuổi trung bình từ 21-34, cùng với đó là tới 27% có kế hoạch tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp gia đình trong vòng 5 năm tới, con số này cao gấp đôi tỷ lệ chung 13% của Châu Á Thái Bình Dương và trên toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở việc tham gia ngày một sâu hơn vào hoạt động doanh nghiệp, Nextgen Việt Nam mang nhiều tham vọng được nắm giữ vị trí dẫn đầu để mang đến những thay đổi trong doanh nghiệp trong 5 năm tới. Hiện 16% Nextgen tham gia khảo sát đang nắm giữ vị trí giám đốc điều hành doanh nghiệp, con số này dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2025 ở mức 38%.
Những tham vọng kể trên cũng tương quan với việc có tới 60% Nextgen Việt Nam tự tin rằng họ có năng lực để đóng góp giá trị trong việc chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa phương pháp quản lý cho doanh nghiệp.
Tuy vậy, khảo sát cũng chỉ ra, Nextgen Việt Nam trên thực tế chưa có nhiều lối đi để phát triển khi chỉ có một phần ba trong số họ được trao cơ hội để lãnh đạo (so với chỉ số 52% trong khu vực), và một tỷ lệ tương tự các Nextgen được lắng nghe với vai trò tham vấn.
Thế hệ kế nghiệp Việt Nam nhìn nhận hai rào cản lớn nhất đối với họ trong việc tạo ra tác động mong muốn cho doanh nghiệp là cấp độ kinh nghiệm của bản thân (41%) và phương thức quản trị công ty hiện tại (33%).
Chia sẻ thêm về hướng đi cho thế hệ kế nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Hùng, Lãnh đạo khối Doanh nghiệp tư nhân và Doanh nghiệp gia đình của PwC Việt Nam cho biết, chuyển giao thế hệ luôn là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp gia đình. Việc lắng nghe và ghi nhận về những yếu tố gây trở ngại hay khuyến khích thế hệ lãnh đạo kế tiếp là rất quan trọng cho kế hoạch chuyển giao trong tương lai.
Vì thế, khảo sát của PwC đã đưa ra bốn đề xuất cho từng nhóm để giúp họ vươn lên những vị trí lãnh đạo hàng đầu.
Đó là, nhóm “Chuyển đổi” tập trung vào việc nâng cấp và tái thiết doanh nghiệp gia đình, tận dụng năng lực bản thân cùng với sự hỗ trợ của thế hệ đương nhiệm. Nhóm “Kế thừa” có xu hướng đi theo sự nghiệp truyền thống, họ rèn luyện, học hỏi và chuẩn bị hành trang cho bản thân để đảm bảo về mặt doanh thu và quản lý một cách chuyên nghiệp. Nhóm “Đột phá” cũng có những ý tưởng về đổi mới, tuy nhiên thay vì ở quy mô toàn bộ doanh nghiệp, họ lựa chọn ra một nhánh cụ thể trong công ty mẹ. Những công ty con này có thể mang hơi hướng khởi nghiệp, nhưng họ vẫn nhận sự bảo trợ cũng như nguồn vốn từ doanh nghiệp gia đình. Nhóm “Khởi nghiệp” hoàn toàn tách biệt khỏi doanh nghiệp gia đình để gây dựng doanh nghiệp riêng.