Công ty chứng khoán chạy đua vay tín chấp nước ngoài

Thị trường chứng khoán sắp đón nhận thêm nguồn cho vay ký quỹ lớn khi SSI vừa hoàn tất rút 118 triệu USD vay tín chấp từ Đài Loan (Trung Quốc).

Thị trường chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và thu hút được dòng tiền lớn. Sự sôi động này buộc nhiều công ty chứng khoán phải liên tục huy động vốn để mở rộng quy mô hoạt động thông qua nhiều hình thức như phát hành thêm cổ phiếu, huy động trái phiếu hay gần đây còn là vay tín chấp.

Chứng khoán SSI trong tháng 7 đã thông báo ký hợp đồng vay vốn với hạn mức 100 triệu USD. Đây là giao dịch vay vốn tín chấp từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan, trong đó đứng đầu là Union Bank of Taiwan (UBOT) và Taipei Fubon Commercial Bank (Fubon).

Tuy nhiên trên thực tế, công ty chứng khoán đầu ngành này rút được tổng cộng đến 118 triệu USD (hơn 2.700 tỷ đồng) từ nhóm trên, vượt con số kỳ vọng. Trong đó SSI lần đầu rút 60 triệu USD và lần 2 rút về thêm 58 triệu USD trong ngày 16/9.

Đây là giao dịch vay tín chấp từ các định chế nước ngoài lớn nhất mà một công ty chứng khoán Việt Nam nhận được. Kỷ lục trước đó là khoản vay 85 triệu USD được thông báo vào cuối năm ngoái, cũng do SSI huy động.

Công ty này cho biết nguồn vốn vay mới sẽ được sử dụng để phân bổ vào các hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp, tăng năng lực cạnh tranh cho khối dịch vụ chứng khoán và bán lẻ, phân bổ vào mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng với mức chi phí và khối lượng cạnh tranh nhất trên thị trường, đặc biệt là hoạt động cho vay ký quỹ.

Các công ty chứng khoán đang đẩy mạnh vay tín chấp để tăng thêm lợi thế cạnh tranh. Ảnh: Hoàng Hà

Hay như hồi tháng 5, Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) cũng thông báo ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 44 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng) với nhóm 7 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng First Commercial Bank (FCB). Khoản vay này sẽ bổ sung vào năng lực tài chính, giúp công ty mở rộng các dịch vụ đầu tư và quy mô hoạt động.

Trong tháng 3 và 4, VietinBank Securities cũng huy động tổng cộng 90 triệu USD (tương đương hơn 2.000 tỷ đồng) từ các ngân hàng Đài Loan và Hàn Quốc. Hay như Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng vay thêm 459 tỷ đồng (khoảng 20 triệu USD) từ Taishin International Bank Co. Ltd vào đầu năm.

Thực tế việc vay tín chấp nước ngoài khá khó khăn bởi hiện chỉ có rất ít các công ty chứng khoán top đầu của Việt Nam có thể vay với giá trị lớn. Vấn đề mấu chốt là các doanh nghiệp Việt Nam phải chứng minh được uy tín, mức độ minh bạch cũng như khả năng hoạt động hiệu quả.

Theo một chuyên gia từ SSI, yêu cầu về tính minh bạch về doanh nghiệp được đặt lên rất cao trong các thương vụ vay tín chấp. Các định chế tài chính nước ngoài thường dựa trên các thông tin tài chính quá khứ, triển vọng của doanh nghiệp trong ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp thông qua chất lượng tài sản, uy tín của doanh nghiệp cũng là một yếu tố rất quan trọng. Các định chế nước ngoài khi vào Việt Nam luôn mong muốn tìm kiếm đối tác cho vay là doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực ngành nghề kinh tế có sự ổn định và triển vọng phát triển.

Việc hạ chi phí vốn đang là một trong những vấn đề "sống còn" đối với các công ty chứng khoán trong nước nói chung, khi mà các công ty chứng khoán ngoại đang đổ bộ ngày một nhiều với lợi thế rất lớn là nguồn vốn giá rẻ dồi dào.

Trong bối cảnh dư nợ vay ký quỹ của các công ty chứng khoán đang tăng mạnh, thậm chí chạm ngưỡng cho vay tối đa thì thông tin SSI vay tín chấp được 118 triệu USD với mục tiêu bổ sung nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh sẽ giúp giải tỏa một phần "cơn khát margin" và là động lực mới để cuộc đua thêm phần gay cấn.

Nguồn: https://zingnews.vn/cong-ty-chung-khoan-chay-dua-vay-tin-chap-nuoc-ngoai-post1264554.html