Covid-19 xuất hiện, những cặp vợ chồng cùng làm du lịch như chị Dương Minh Tâm và anh Nguyễn Thanh Bình ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh như ngồi trên đống lửa. Cả 2 vợ chồng nghỉ việc không lương, không trợ cấp, 4 miệng ăn của gia đình không biết bấu víu vào đâu.
Khoảng thời gian giãn cách xã hội, chị tập tành bán hàng online, anh đi làm bảo vệ rồi xoay ra mở quán bán hàng ăn sáng. Hiện giờ anh chị phải vào khu công nghiệp Cái Lân làm việc để chờ đợi ngành du lịch hoạt động bình thường trở lại. Chị Tâm cho biết, dù công việc vất vả, nặng nhọc nhưng anh chị cảm thấy thật may mắn vì có công việc, có thu nhập để trang trải cuộc sống.
“Gần như những lao động làm du lịch như chúng tôi phải xoay đủ mọi việc. Những việc trước đây chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến như lao động chân tay, hay đi làm ca kíp thì bây giờ chúng tôi đang làm. Chúng tôi phải thay đổi rất nhanh và chỉ mong có một việc gì đó để làm tránh nhàn dỗi và có thu nhập để trang trải cuộc sống. Có được việc làm như vậy là may mắn hơn so với nhiều người khác lắm rồi!” - chị Dương Minh Tâm chia sẻ.
Dịch bệnh không chỉ khiến những người lao động khốn đốn mà ngay cả những ông chủ lớn trong ngành du lịch cũng buộc phải thay đổi tư duy, tìm hướng đi mới. Là công ty lữ hành chuyên đón khách inbound từ hơn 50 quốc gia, công ty cổ phần Du lịch quốc tế Asian đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh sang đón khách nội địa. Ông Nguyễn Văn Thuấn - giám đốc công ty cho biết, những du thuyền hạng sang trước đây hoạt động hết công suất, nay phải nằm bờ hoặc hoạt động cầm chừng.
“Trước đây chúng tôi làm chủ yếu là khách nước ngoài, giờ làm khách nội địa thì cũng vô cùng khó khăn. Bởi mình phải đến tận nơi mời chào, đi tiếp thị thậm chí mang cả máy chiếu đến tận cơ quan, đoàn thể, công ty của họ để giới thiệu cho du khách. Tất cả các dịch vụ đều giảm giá xuống kịch sàn từ giá vé đi tham quan vịnh Hạ Long cho đến giá tàu, nhưng do e ngại dịch bệnh nên khách hàng vẫn còn lưỡng lự…” ông Thuấn chia sẻ.
Thách thức lớn đặt ra với ngành du lịch là phải liên tục nghiên cứu, đổi mới và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tập trung vào nhóm khách nhỏ gồm các thành viên trong gia đình và du lịch cá nhân, thay vì các tour trọn gói với số lượng lớn.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc công ty Du lịch T&T cho hay: “Chúng tôi xây dựng các tour mới ngắn ngày, đi các điểm gần và các điểm du lịch trải nghiệm như câu cá song tại Móng Cái, đi thăm đầm Tây Long (Quảng Yên), du lịch mùa vàng Bình Liêu… thu hút nhiều khách không chỉ của Quảng Ninh mà cả các địa phương lân cận như Hải Phòng, Hà Nội cũng tham gia rất nhiều. Trước mắt là để duy trì đội ngũ lao động nhân viên và hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa.”
Đầu tháng 7/2020, tỉnh Quảng Ninh tung ra chương trình kích cầu 200 tỷ đồng miễn, giảm nhiều loại vé, phí. Tín hiệu vui đã bắt đầu khi có hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan vịnh Hạ Long, có lúc còn cao hơn so với thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh.
Tuy nhiên, tín hiệu vui đó chỉ kéo dài hơn 1 tháng, cho đến khi dịch bùng phát tại Đà Nẵng vào ngày 25/7/2020. Những ngày này, người làm du lịch chỉ ngồi nhận những cuộc điện thoại hủy dịch vụ với cảm giác kiệt quệ về sức lực. Đó cũng là sự đánh đổi lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây là quan điểm nhất quán của Chính phủ từ khi dịch bệnh bùng phát, cũng như nhấn mạnh của Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Đông Bắc được tổ chức tại thành phố Hạ Long:
“Vùng Đông Bắc làm rất tốt và duy trì phát triển kinh tế của địa phương. Tôi cảm ơn doanh nghiệp, nhân dân luôn luôn ủng hộ du lịch. Người dân thì cho nụ cười, chính quyền tạo môi trường thật tốt cho doanh nghiệp; doanh nghiệp thấy thuận lợi thì họ đầu tư, du lịch phát triển. Nhưng nhiệm vụ quan trọng bây giờ là phải an toàn, không còn cách nào khác. Chúng ta cần thực hiện nghiêm các quy định chống dịch và phải cập nhật lên bản đồ an toàn để thấy những điểm đến an toàn. Bởi dịch còn dài ít nhất 1 năm nữa và hết dịch này lại đến dịch khác. Đây là lúc chúng ta phải siết lại, cực một chút nhưng tốt cho về sau” - Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Xác định dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, nhưng các ngành kinh tế, trong đó có du lịch, dịch vụ phải xây dựng kịch bản để tự cứu mình đến khi có vắc-xin phòng bệnh. Năm 2021, dự báo du lịch chưa thể bùng nổ, nhưng các đơn vị kinh doanh, chính quyền cần bình tĩnh xây dựng chiến lược cho từng giai đoạn để phục hồi du lịch, với nguyên tắc kích cầu nhưng phải đảm bảo an toàn cho người dân và cộng đồng./.