Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang lệ thuộc quá nhiều vào 1-2 thị trường, dẫn đến rủi ro nghiêm trọng trong kinh doanh khách sạn nếu như những thị trường trọng yếu này gặp vấn đề.
Không chỉ ông Quỳnh mà nhiều nhà kinh doanh lữ hành, khách sạn cũng đã kêu gọi tìm cách đa dạng hóa nguồn khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm tới một nửa.
Chẳng hạn, trong tổng số gần 8,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam nửa đầu năm nay, có tới 4,5 triệu lượt khách đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Mặc dù khách quốc tế đến từ những thị trường khác tăng mạnh, như khách Hàn tăng 21,3%, khách Nhật tăng 12,8%, nhưng do lượng khách Trung Quốc giảm 3,3% nên đã hãm đà tăng trưởng của du lịch Việt Nam xuống còn 8,2%.
Khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc cũng liên tục chiếm quá nửa lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng trong suốt nửa thập kỷ qua. Năm ngoái, Đà Nẵng đón gần 2,9 triệu lượt khách quốc tế thì riêng khách Hàn đã tới 1,6 triệu lượt, vượt cả khách Trung Quốc.
Tuy nhiên, chính ngành du lịch Đà Nẵng cũng phải thừa nhận việc phụ thuộc vào hai thị trường này có thể dẫn đến rủi ro, vì lượng khách không ổn định do biến động chính trị hoặc du lịch theo phong trào.
Ngoài khách Tây Âu, Mỹ, Úc thì Ấn Độ được coi là thị trường du lịch tiềm năng. Thậm chí, ông Quỳnh còn cho rằng: “Thị trường mới Ấn Độ sẽ là cứu cánh cho việc tăng trưởng quá nóng của các khách sạn tại Đà Nẵng”.
Trong những năm gần đây, đầu tư khách sạn ở Đà Nẵng bùng nổ, nhất là lượng khách sạn 2-3 sao và căn hộ khách sạn tăng vọt. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tính đến tháng 6/2019, Thành phố có 793 khách sạn với tổng cộng 35.881 phòng, tăng 6.712 phòng so với cùng kỳ năm trước.
“Với lượng khách hàng tiềm năng và đến với số lượng đông từ thị trường Ấn Độ, tôi tin rằng chúng ta sẽ giải quyết được sự lo lắng hiện tại của ngành du lịch Đà Nẵng”, ông Quỳnh nhận định.
Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO dự đoán sẽ có khoảng 50 triệu du khách Ấn Độ đi du lịch thế giới 2020 và rõ ràng Việt Nam đang không thể bỏ qua thị trường này. Hãng hàng không Indigo cũng đã bàn thảo kế hoạch mở đường bay thẳng giữa Ấn Độ và Việt Nam cuối năm nay.
Hiện tại chưa có đường bay trực tiếp giữa hai nước, và đây chính là "nút thắt" trong việc thu hút khách Ấn Độ. Tuy nhiên, Bangkok Airways đã kết nối thuận lợi đường bay Bangkok - Ấn Độ trong 4 tiếng 30 phút và chỉ thêm 2 tiếng bay để kết nối với Đà Nẵng.
Ngày 25/7 vừa qua, Sở Du lịch Đà Nẵng phối hợp Bangkok Airways tổ chức giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Mumbai nhằm quảng bá các sản phẩm và dịch vụ du lịch tại Đà Nẵng, kết nối các công ty du lịch, lữ hành, MICE, sự kiện và đặc biệt là các đơn vị tổ chức lễ cưới tại Ấn Độ và Đà Nẵng. Sự kiện nằm trong nỗ lực của Đà Nẵng tìm kiếm thị trường khách mới.
Đại diện các hãng lữ hành mong muốn mang các sự kiện từ các điểm đến khác như Phuket và Bali về Đà Nẵng. Đối với thị trường Ấn Độ, tỉ lệ tiềm năng khoản 40% là khách nghỉ dưỡng, 40% khách hội nghị - hội thảo và 20% dành cho thị trường tiệc cưới.
Ông Công Nghĩa Nam, Giám đốc Kinh doanh của quần thể du lịch Ariyana Đà Nẵng, xem Ấn Độ là một thị trường rất tiềm năng và có bước chuẩn bị từ ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 cùng với sự ra đời của Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng.
“Chúng tôi nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đơn vị tổ chức đám cưới và các công ty tổ chức sự kiện hội nghị hội thảo, với tính chất của thị trường Ấn Độ là đi du lịch với số đông và số lượng khách mời từ 500 - 1.000 người”, ông Nam tiết lộ.
Ông Nam cho biết thêm, các doanh nghiệp tại Ấn Độ cũng rất quan tâm đến Đà Nẵng cho các sự kiện của mình như các công ty về y dược, công nghệ và tài chính ngân hàng,.
Để chuẩn bị đón khách Ấn Độ, ông Nam cho biết Ariyana Đà Nẵng đã thành lập văn phòng đại diện tại Ấn Độ, tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa ẩm thực Ấn Độ tại Việt Nam, giao lưu văn hóa ẩm thực Việt Nam tại Ấn Độ, cũng như tuyển dụng đầu bếp Ấn Độ để đảm bảo phục vụ đúng văn hóa ẩm thực Ấn.