Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia
Trước thực tế hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đều chậm so với yêu cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo và nêu rõ nguyên nhân cơ bản, thực chất dẫn đến việc chậm trễ; giải pháp then chốt, căn cơ để khắc phục, sớm hoàn thành các quy hoạch...
Sáng 4/3, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).
Báo cáo tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, về các văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 37/2019 ngày 7 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số quy định của Luật Quy hoạch, thực hiện đầy đủ việc quy định chi tiết việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo phương pháp tích hợp và đảm bảo phù hợp với quy định về việc tích hợp quy hoạch theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Quy hoạch.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Về quy hoạch tổng thể quốc gia, ông Phương cho biết, tiến độ tổng thể lập quy hoạch sẽ hoàn thành và trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua vào kỳ họp thứ IV (tháng 10 -11/2022), sớm hơn so với quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP là 6 tháng.
Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bù lại thời gian do khởi động chậm so với các mốc tiến độ quy định tại Quyết định số 203.
Cho ý kiến tại cuộc làm việc, một số ý kiến đại biểu đề nghị Bộ KH&ĐT cần tiếp tục làm rõ hơn nguyên nhân trong việc chậm trễ việc lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quốc gia.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình làm rõ nhiều nội dung các thành viên Đoàn giám sát nêu tại buổi làm việc. Ảnh: Quochoi.vn
Có ý kiến đại biểu đặt vấn đề phương pháp lập quy hoạch như hiện nay còn nhiều bất cập. Việc các quy hoạch cấp dưới được phê duyệt trước quy hoạch tổng thể quốc gia có thể ảnh hưởng đến định hướng trong việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia. Bộ cần làm rõ kinh nghiệm quốc tế đối với việc lập quy hoạch và đưa ra nhận định lập theo phương pháp nào thì phù hợp.
Liên quan đến quy hoạch vùng, nhiều ý kiến cho rằng việc phân vùng chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng. Đồng thời, đến nay việc phân vùng vẫn được phân chia theo 6 vùng tương tự như 6 vùng kinh tế trước đây. Do vậy, đề nghị Bộ KH&ĐT cần làm rõ việc phân 6 vùng như hiện nay, báo cáo cụ thể tính hợp lý của các vùng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về quy hoạch. Bộ cũng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia; chủ trì lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021- 2030 tầm nhìn 2050.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ KH&ĐT đánh giá tính khả thi và chất lượng của việc tích hợp quy hoạch cũng như giải pháp điều chỉnh, đồng bộ các quy hoạch; nghiêm túc đánh giá khách quan có cần sửa đổi Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn không và cụ thể là sửa đổi như thế nào để hoàn thiện báo cáo gửi Đoàn giám sát. Ông Hải cũng nêu, cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm chậm ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành luật Quy hoạch.
Trước thực tế hiện nay quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đều chậm so với yêu cầu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ KH&ĐT hoàn thiện báo cáo và nêu rõ nguyên nhân cơ bản, thực chất dẫn đến việc chậm trễ; giải pháp then chốt, căn cơ để khắc phục, sớm hoàn thành các quy hoạch; Bộ cũng nghiên cứu để có kiến nghị cụ thể với Chính phủ, với Quốc hội nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quy hoạch ngành quốc gia lập khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia nên chưa có định hướng tổng thể, định hướng hành lang kinh tế, dự kiến phân chia vùng… làm cơ sở cập nhật các quy hoạch ngành quốc gia. Đồng thời các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh, quy hoạch tổng thể quốc gia lập song song, việc trao đổi thông tin cũng rất hạn chế, công tác phối hợp cũng bất cập nên rất khó khăn cho việc xác định căn cứ lập, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, đặc biệt việc lập và tích hợp quy hoạch tỉnh rất khó khăn.
Vì vậy, với trách nhiệm cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về quy hoạch, Bộ KH&ĐT cần báo cáo rõ, cụ thể hơn, khẩn trương báo cáo Chính phủ để có giải pháp, hướng dẫn để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, đảm bảo chất lượng các quy hoạch.
Liên quan đến vấn đề lựa chọn tư vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các bộ ngành đều đánh giá gặp nhiều khó khăn như về kinh phí, phân bổ kinh phí; về tìm kiếm, đấu thầu lựa chọn tư vấn; về lựa chọn tư vấn nước ngoài; về thông tư 08/2019 của Bộ KH&ĐT…, đặc biệt vướng mắc, chưa đồng bộ giữa quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đầu tư công và pháp luật về qui hoạch để bố trí kinh phí cho hoạt động qui hoạch và đấu thầu lựa chọn tư vấn. Bộ cần phân tích kỹ hơn và đề xuất rõ giải pháp khắc phục cũng như đề xuất sửa đổi các mâu thuẫn của hệ thống pháp luật.
Để chuẩn bị cho công tác giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 04/2022 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5 - 6/2022), trước đó, Đoàn giám sát đã nghe 5 Bộ chuyên ngành gồm: Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT báo cáo từng lĩnh vực cụ thể.
Nguồn: https://tienphong.vn/day-nhanh-tien-do-lap-quy-hoach-tong-the-quoc-gia-post1420748.tpo