Bộ Công an cho biết, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sau hơn 15 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp làm hạn chế hiệu lực và hiệu quả của công tác này.
Đó là công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy còn dàn trải, chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Một bộ phận cán bộ, người dân chưa thực sự nhận thức được tác hại, sự nguy hiểm của ma túy và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy nên chưa hợp tác với các cơ quan chức năng dẫn đến hiệu quả của công tác tuyên truyền chưa cao.
Bên cạnh đó, tình hình số người nghiện mới gia tăng trong khi công tác cai nghiện nói chung, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao, tỷ lệ tái nghiện ma túy nhiều; cán bộ làm công tác cai nghiện chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy tổng hợp, chất hướng thần.
Lực lượng chuyên trách đấu tranh chống tội phạm ma túy còn mỏng; phương tiện, kỹ thuật phục vụ công tác còn hạn chế; chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm ma túy chưa đáp ứng với thực tế, chưa thực sự tạo động lực yên tâm công tác.
“Vì vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy là yêu cầu cấp thiết khách quan, nhằm khắc phục một số hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của đẩy mạnh phòng, chống ma túy trong thời gian tới”, Dự thảo Báo cáo tổng kết 15 năm thi hành Luật Phòng, chống ma túy của Bộ Công an nêu rõ.
Theo cơ quan đề xuất, mục tiêu sửa luật là nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với các quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính; bảo đảm sự phù hợp với yêu cầu của thực tiễn; khắc phục những khó khăn, vướng mắc; tiếp tục hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, khả thi cho tổ chức, hoạt động, quản lý phòng, chống ma túy.
Báo cáo đánh giá tác động đề xuất xây dựng luật của Bộ Công an đưa ra 2 phương án. Thứ nhất là sửa đổi toàn diện các nội dung không còn phù hợp của Luật để đảm bảo phù hợp với quy định của các Bộ luật, Luật có liên quan. Phương án hai là sửa đổi các nội dung lớn mang tính nguyên tắc trong Luật, các nội dung cụ thể thực hiện theo pháp luật có liên quan.
Sau khi phân tích, đánh giá các tác động tiêu cực và tích cực của các phương án đề xuất ở trên, nhóm soạn thảo đề xuất lựa chọn phương án 1, để vừa bảo đảm tính cụ thể của hệ thống pháp luật, đáp ứng mục tiêu cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền.
Đồng thời, đánh giá tác động chính sách về công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc, Bộ Công an cho biết, theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy có 2 biện pháp cai nghiện ma túy là cai tự nguyện (tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và cơ sở cai nghiện) và cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện và cộng đồng.
Bộ Công an cũng nêu rõ 2 phương án lựa chọn gồm: 1. Giữ nguyên như hiện nay; 2. Quy định bổ sung các nội dung nhằm tăng cường một bước công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc.
Sau khi phân tích, đánh giá các tác động tiêu cực và tích cực của các phương án nói trên, nhóm soạn thảo chọn phương án 2 nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách, Bộ, ngành, UBND trong phòng, chống ma túy, đặc biệt là UBND cấp xã trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai trong đấu tranh phòng, chống ma túy.
Bên cạnh đó, về chính sách quản lý người sử dụng ma túy, trong hai phương án đề xuất, Bộ Công an đề nghị lựa chọn phương án 2 là quy định cụ thể khái niệm người sử dụng ma túy, hình thức quản lý phù hợp và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và gia đình trong quản lý người sử dụng ma túy.