Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn nhắc nhở các ngân hàng thương mại trong nước kiểm soát rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt lĩnh vực bất động sản khi thị trường này chưa phục hồi vững chắc, hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn.
Giai đoạn nửa đầu năm 2019 - nửa cuối 2018, các doanh nghiệp địa ốc bước vào cuộc đua phát hành trái phiếu với lượng phát hành lớn.
Có lãi suất cao nhất trong nhóm này là trái phiếu do Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) phát hành. Trong 6 tháng đầu năm, PDR đã phát hành 3 đợt trái phiếu, trong đó đợt phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm hồi tháng 3 có lãi suất lên tới 14,5%, 2 đợt phát hành trong tháng 5 với lần lượt 100 tỷ trái phiếu kỳ hạn 1 năm lãi suất 12% và 550 tỷ trái phiếu kỳ hạn 5 năm lãi suất 10,5%.
Không chỉ PDR, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cũng thông qua việc phát hành tối đa 400 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất dự kiến không quá 12%/năm.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG), Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH), Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO (CTI)… cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp để hút vốn, với lãi suất khá cao, từ 10 - 12%/năm.
Trong văn bản gửi đến các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cho biết, những tháng đầu năm 2019, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh.
Bên cạnh đó, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Thêm nữa, một số ngân hàng tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, hạn chế rủi ro trong hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 6 yêu cầu đối với các ngân hàng thương mại.
Thứ nhất, ngân hàng thương mại phải rà soát các quy định nội bộ, đảm bảo ban hành đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định nội bộ liên quan đến hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp (như quy định về quy trình, thủ tục thẩm định, phê duyệt và quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp; nguyên tắc, chi tiêu đánh giá, xác định mức độ rủi ro mua trái phiếu.
Thứ hai, không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp phát hành theo đúng quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-NHNN ngày 18/6/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2016/TT-NHNN.
Thứ ba, kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu có mục đích đầu tư vào các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản để hạn chế rủi ro.
Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát sau cho vay, trong đó đặc biệt là giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp; thường xuyên theo dõi đánh giá để xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp.
Thứ năm, tăng cường kiểm soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát nợ nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định và hiệu quả quản trị rủi ro tín dụng; nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ.
Thứ sáu, tập trung rà soát việc đầu tư trái phiếu chuyển đổi với các doanh nghiệp có số dư lớn, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều tổ chức tín dụng/doanh nghiệp khác, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt là quy định về giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan.
Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.