MarketWatch đưa tin Hermès International SA cho biết doanh thu quý đầu tiên đã tăng đáng kể so với mức trước đại dịch, nhờ sự tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ ở châu Á.
Nhà mốt Pháp cho biết doanh thu đạt khoảng 2,5 tỷ USD trong kỳ, tăng 44% so với cùng kỳ và 33% so với quý đầu tiên của năm 2019.
Nhóm mặt hàng quần áo cho nam và nữ cũng như các phụ kiện như giày, thắt lưng tăng 50,9% với tốc độ không đổi. Trong khi đó, nhóm sản phẩm lớn như hàng da tăng 33,6%. Đồng hồ (hoạt động mạnh trong năm ngoái) tăng 96,5% và lụa, dệt may tăng 33,9%.
Doanh số bán hàng ở châu Á (không bao gồm Nhật Bản) tăng 94%. Trong khi đó, ở Nhật Bản và Bắc Mỹ doanh số tăng lần lượt là 20% và 23%.
"Đây là sự xác nhận về nhu cầu hàng hóa xa xỉ đang bùng nổ trên toàn thế giới và một lối thoát rõ ràng thoát khỏi đại dịch", Luca Solca và Maria Meita của Bernstein cho biết trong một báo cáo nghiên cứu.
Tuy nhiên với thị trường nội địa Pháp, doanh số bán hàng giảm 9% và giảm 1% ở các nước còn lại ở châu Âu. Đây là kết quả của việc đóng cửa các cửa hàng cũng như nhiều hạn chế khác gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.
Hãng thời trang xa xỉ cho biết tất cả danh mục sản phẩm đều tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh mẽ.
Axel Dumas - chủ tịch kiêm giám đốc điều hành - cho biết: "Trong bối cảnh vẫn chưa ổn định, sự tăng trưởng doanh số như khẳng định mạnh mẽ của mô hình thủ công bền vững và mong muốn từ khách hàng trên toàn thế giới với các bộ sưu tập của chúng tôi".
Công ty lưu ý rằng năm 2021 vẫn khó đánh giá do sự không chắc chắn trong thời gian đại dịch. Nhà mốt Pháp xác nhận mục tiêu tăng trưởng doanh thu của mình bằng đồng tiền không đổi.
Vào tháng 2, hãng báo cáo doanh thu tại châu Á tăng gần 50%. Trong đó, một phần lợi nhuận nhờ vào những người giàu có ở Trung Quốc. Họ đổ xô mua các sản phẩm khăn lụa, túi xách đắt tiền của hãng.
3 tháng cuối năm 2020, báo cáo của hãng cho thấy Trung Quốc và Hàn Quốc là những thị trường tăng trưởng mạnh.
Axel Dumas chia sẻ rằng đại dịch khiến cho việc đánh giá bán hàng khó khăn vì quy mô, thời gian và phạm vi địa lý của cuộc khủng hoảng diễn ra hàng ngày.