Đường đến 10 tỉ USD của Thế Giới Di Động

Với 2.187 siêu thị, trong đó 1.032 siêu thị thegioididong.com, 750 siêu thị Điện Máy Xanh và 405 siêu thị Bách Hóa Xanh, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã MWG) sẽ phải có những bước đi mới, thậm chí là vươn ra khu vực mới có thể chạm đến con số mơ ước 10 tỉ USD doanh thu vào năm 2025.

Kể từ khi lên sàn, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động vẫn luôn dẫn đầu trong Top 50công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam. Năm 2018, doanh thu thuần của Công ty đạt đến 86.516 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 2.880 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 30% so với năm 2017, cao gấp 50 lần so với 10 năm trước. Tổng kết hành trình 15 năm kinh doanh trên thị trường, ông Nguyễn Đức Tài, người sáng lập và cũng là “linh hồn” của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động, cho biết có những “công thức” giúp Công ty đạt tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu hơn 52%/năm.

Kinh doanh kiểu “con nhà nghèo”

Tăng trưởng doanh thu trên 50% mỗi năm là một sức ép “khủng khiếp”, nhất là trong bối cảnh mặt hàng chủ lực của Công ty là smartphone đã bão hòa. “Người tiêu dùng đã bắt đầu bão hòa với smartphone, cảnh người tiêu dùng xếp hàng mua điện thoại đời mới đã xa. Thị trường đã sang một trang khác”, ông Tài đã nhận định như vậy trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Công ty trong năm 2019.

Đó là lý do trong thời gian qua thị trường chứng kiến sự mở rộng “điên cuồng” của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động sang các lĩnh vực mới từ siêu thị thực phẩm, điện máy đến bán kính mát... “Để tăng được doanh thu trong bối cảnh này, có 2 cách. Thứ nhất, Công ty sẽ bán cái chưa từng bán. Thứ 2, tiếp cận nhóm khách mà chưa từng tiếp cận hoặc chưa từng quan tâm tới”, ông Tài cho biết.

Tuy nhiên, dù mở rộng sang những lĩnh vực mới như thế nào, Công ty vẫn không xa rời giá trị quản trị cốt lõi đã làm nên thành công của mình. “Trong suốt hành trình 15 năm qua, từ một cửa hàng kinh doanh điện thoại nhỏ, chúng tôi kinh doanh theo kiểu “con nhà nghèo”, ông Tài bật mí.

Không dồn tài chính cho những ý tưởng mới, theo ông Tài, với bất cứ phép thử nào, Công ty cũng đều đi từ mô hình nhỏ, kiểu thí điểm, thành công thì nhân rộng, thất bại thì âm thầm đóng cửa. Từ đó đến nay, cũng không ít lần, Công ty phải dọn dẹp các dự án không thành, mô hình thu mua và kinh doanh máy cũ là một ví dụ. “Nhưng khi đã tìm ra mô hình thành công, thì đó sẽ thực sự là một sự bùng nổ”, ông Tài nói.

Nhận xét về Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động, ông Chris Freund, người sáng lập Mekong Capital, từng cho rằng, có nhiều yếu tố tạo nên thành công của Công ty nhưng cốt lõi là sự cởi mở, chủ động, sẵn sàng cải tiến. “Khi chúng tôi mới đầu tư vào Công ty năm 2007, họ mới chỉ có 7 cửa hàng và giá trị công ty 10 triệu USD. Hiện nay, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động đã có 3 thương hiệu với gần 3.000 cửa hàng và hơn 40.000 nhân viên trên khắp cả nước. So với mục tiêu ban đầu của chúng tôi là tăng lên 50 cửa hàng và giá trị công ty là 50 triệu USD, sự thành công của khoản đầu tư này đã vượt quá kỳ vọng cao nhất của chúng tôi. Đây cũng một trong những khoản đầu tư thành công nhất trong lịch sử đầu tư cổ phần tư nhân của châu Á”, ông Chris Freund cho biết.

Từ những “phép thử nhỏ”, ít ai ngờ chuỗi cửa hàng chuyên bán điện thoại lại có ngày đạt doanh thu lên tới 1.700 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm nhờ bán xoong nồi, dụng cụ nhà bếp. Kết thúc quý I/2019, Công ty đã bán hơn 10 triệu sản phẩm thuộc nhóm gia dụng và dụng cụ nhà bếp, mang về hơn 1.700 tỉ đồng và đặt mục tiêu đạt 7.000 tỉ đồng từ mặt hàng này trong năm 2019. Với đồng hồ, dù vừa tham gia đầu năm nay, nhưng mỗi cửa hàng đã bán được 500 chiếc/tháng, với 18 cửa hàng hiện hữu, ước tính Công ty thu về trung bình khoảng 10,8-18 tỉ đồng.

Giải những điểm tắc của thị trường

Với điện thoại di động, ông Tài mở ra cái ông gọi là chuỗi cửa hàng trên phố lớn đầu tiên. Ở đó, trong một “siêu thị điện thoại”, khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm về chất liệu và nguồn gốc thiết bị. Sau cuộc cách mạng tại chuỗi cửa hàng bán điện thoại, có lẽ ông Tài nhắm đến một cuộc cách mạng mới trong nhà bếp khi cố gắng thay thế chợ tươi sống bằng chuỗi cửa hàng bách hóa. “Tôi đi mua một bó rau muống, tôi cần một bó rau tươi rói, chứ tôi không cần nơ xanh nơ đỏ buộc vô để nhìn nó giống Tây, giống Mỹ”, ông Tài mô tả về cách vận hành của Bách Hóa Xanh trong chiến lược thực hiện tham vọng “cải tổ ngành thực phẩm trong nước”.

Ông phân tích, Bách Hóa Xanh bắt đầu bằng điểm tắc ở thị trường. Phần lớn người dùng vẫn phải mua nguyên liệu cho bữa ăn hằng ngày tại chợ, nơi điều kiện vệ sinh cũng như bảo quản thực phẩm cực kỳ kém. Khách hàng rất mong có những điểm đến tiện lợi, có thể tạt ngang mua hàng ngay như chợ, giá vừa phải nhưng phải vệ sinh, hiện đại. Mong mỏi này khá lâu vẫn chưa có đơn vị nào đáp ứng được. Để giải quyết được điểm gút này, buộc phải có những khác biệt nhất định.

Do đó, để Bách Hóa Xanh có thể cạnh tranh với các cửa hàng khác, Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động quyết định đây là mô hình cửa hàng hiện đại nhưng bán với giá chợ. Thứ 2, cách bày trí sản phẩm phải rõ ràng và dễ dàng, thuận tiện cho khách hàng đi mua sắm. Khu hàng tươi sống trình bày riêng biệt và phía sau là toàn bộ danh mục hàng hóa là hàng khô. Đặc biệt, mặt hàng tươi sống sẽ được bố trí sao cho khách hàng lựa chọn thoải mái như chợ, không bị đóng khung như các siêu thị hay làm, tạo nên sự thoải mái cho người nội trợ. Ngoài các mặt hàng tiêu dùng, Bách Hóa Xanh mở rộng kinh doanh những sản phẩm gần gũi với nhà bếp, gần gũi với bà nội trợ bằng số lượng nhà cung cấp cho Bách Hóa Xanh hiện là gần 200 với mặt hàng tươi sống và 400 với các mặt hàng tạp hóa khác.

Năm 2019, Công ty đặt mục tiêu doanh thu cả năm là 108.468 tỉ đồng, tăng 25%, còn lợi nhuận sau thuế ước đạt 3.571 tỉ đồng, tăng 24%. Theo thống kê từ Công ty, hiện nay, doanh thu trung bình của một cửa hàng Bách Hóa Xanh ít nhất 100 triệu đồng/ngày. Lượng khách dao động 1.000-1.200 khách/ngày. Ước tính, chỉ cần doanh thu Bách Hóa Xanh từ 100 triệu đồng/ngày tăng lên 130 triệu đồng/ngày, thu nhập của Công ty đã có thể tăng thêm 4 tỉ đồng mỗi tháng. Con số này ngang ngửa khả năng một cửa hàng Điện Máy Xanh nhỏ mang lại.

“Mô hình chợ hiện đại của Bách Hóa Xanh sẽ là át chủ bài của Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động trong vài năm tới. Nếu Công ty không giải quyết được bài toán này thì không có một nhà bán lẻ nào có thể làm được”, ông Tài tự tin khẳng định. “Khả năng cán mốc 1.000 tỉ đồng vào tháng 7 là rất lớn. Cuối năm 2020, doanh thu tháng của Bách Hóa Xanh chắc chắn vượt thegioididong.com (3.000 tỉ đồng/tháng). Đến năm 2021, doanh thu tháng Bách Hóa Xanh dự báo sẽ vượt luôn Điện Máy Xanh. Năm 2022, doanh thu của Bách Hóa Xanh sẽ bằng doanh thu 2 chuỗi này cộng lại. Dự kiến đến năm 2020 sẽ mở thêm 700-1.000 cửa hàng Bách Hóa Xanh”, ông Tài lạc quan nói về chuỗi cửa hàng thực phẩm mà mình đang phát triển.

“Đạo khách hàng”

Không phải ngẫu nhiên mà ông Tài có thể vẽ nên một tương lai sáng như vậy cho Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động. “15 năm với bao thăng trầm, đã có giai đoạn, từng bộ phận trong Công ty phải tự cắt giảm nhân lực cho cuộc sinh tồn nhưng cuối cùng, chúng tôi cũng đã tìm ra được chìa khóa cho việc chinh phục bất cứ thị trường nào trong lĩnh vực bán lẻ”, ông tiết lộ. Chìa khóa mà ông nói đến được nhân viên Công ty xem là “đạo”, không phải là tôn giáo nhưng là kim chỉ nam cho mọi chiến lược, mọi quyết định lẫn hành xử của mình. Ở Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động, khách hàng được tôn sùng và là ưu tiên số 1. Ông Tài chia sẻ, mất 3 năm để ông có thể xây dựng được cho nhân viên của mình niềm tin mãnh liệt rằng, khách hàng vô cùng quan trọng với sự sống còn của doanh nghiệp. Từ khi xác định vị trí trung tâm này, văn hóa của Công ty được xây dựng quanh trục chính là khách hàng. Một hình ảnh dễ nhận thấy khi khách hàng tới các cửa hàng của Công ty là đội ngũ bảo vệ như một nhân viên tiếp đón khách hàng, tạo thiện cảm ngay từ ban đầu.

Tương tự, dù khách hàng đến đổi, trả sản phẩm, ngoài việc hỏi khách hàng có cần hỗ trợ gì thêm không, nhân viên tuyệt đối không được tìm hiểu thêm thông tin, tôn trọng quyết định của khách hàng một cách tuyệt đối. Giá trị cốt lõi này, chính là điều làm Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động trở nên khác biệt, có thể tự tin vượt mặt những nhà bán lẻ khác. “Thực sự đó không phải là bí mật kinh doanh và nhiều đơn vị khác cũng ứng dụng nhưng vẫn không thành công được. Phải tin khách hàng và phải rất kiên trì với niềm tin này thì mới có thể thực hành đạo kinh doanh trên”, ông Tài nói vui nhưng rất thật.

“Tôn thờ” khách hàng nên người sáng lập Công ty cho đến nay vẫn không lý giải được vì sao những ngành hàng khác như dịch vụ thực phẩm và đồ uống đối xử với khách hàng rất thờ ơ nhưng vẫn có đất sống. Nhiều lần thấy con cùng những người trẻ khác xếp hàng ở những cửa tiệm trà sữa không có được ghế ngồi chờ để mua được sản phẩm, ông Tài vô cùng ngạc nhiên. Ông nhận xét: “Điều này cho thấy nhu cầu của khách hàng thay đổi rất nhanh, so với 15 năm trước, nếu doanh nghiệp không nắm bắt được thì sẽ nhanh chóng bị bỏ lại. Đây là thế giới mà doanh nghiệp phải đón đầu nhu cầu khách hàng hoặc chạy theo”. Tuy nhiên, khi được hỏi Công ty liệu có thay đổi nguyên tắc hành xử với khách hàng của mình không, ông Tài vẫn khẳng định “không bao giờ”. Bởi ông tin, trân trọng khách hàng là cách duy nhất giữ họ ở bên mình, dù thị trường có biến động ra sao. “Khi mình yêu thương một ai đó, cái mình nhận lại cũng sẽ là yêu thương”, ông nói vậy.

Từ bỏ quyền lực

Mười lăm năm lèo lái con thuyền Thế Giới Di Động, ông Tài nói rằng cũng đã đến lúc từ bỏ quyền lực và ông đã làm triệt để điều đó khi trao quyền điều hành cho thế hệ kế cận, lui lại hậu trường làm công tác hỗ trợ và chiến lược. Năng lực của đội ngũ kế thừa giúp ông rất tự tin trong quyết định chuyển giao và những cái tên mới sẽ gánh vác Công ty như Trần Kinh Doanh, Đoàn Văn Hiểu Em... “Mỗi người có giai đoạn lịch sử của mình. Nếu không tôn trọng giai đoạn lịch sử mà vẫn tiếp tục ở vị trí đó thì sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển”, ông Tài cho biết.

Có thời gian cho riêng mình nhiều hơn, đối chiếu với nhiệm vụ của “đại trượng phu”, người sáng lập cho rằng, mình đã xong nhiệm vụ “tề gia”, “trị quốc” cho Công ty. Nay nhiệm vụ của ông là “bình thiên hạ”, nghĩa là đem những giá trị kinh tế mà Công ty gặt hái được chia sẻ với cộng đồng. Niềm tin này là động lực để ông Tài dành phần lớn thời gian cho việc chuẩn bị hình thành Quỹ từ thiện Mái ấm Thế Giới Di Động.

Ông mở lòng: “Từ khi bước vào thương trường, dẫu không ít thử thách nhưng tôi luôn thấy mình vô cùng may mắn. Tôi tin, khi vũ trụ đặt may mắn, tiền tài... vào một người nào thì cũng đã kỳ vọng họ sẽ dùng tất cả những điều đó để mang đến thế giới này những giá trị tốt đẹp, lớn lao hơn. Lâu nay, thời gian dành cho kinh doanh không cho phép tôi đầu tư nhiều cho công việc ấy nhưng thời điểm này, tôi thấy mình đã sẵn sàng. Tôi cũng như tất cả các thành viên của Công ty sẽ phấn đấu vì điều ấy”.

Cũng như vào năm 2009, khi ông Tài tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc cách mạng trong ngành điện thoại di động ở Việt Nam, rất ít người quan tâm đến việc này. “Mọi người đều cười tôi”, ông nói. Tuy nhiên, ông đã làm được và giờ đây, cửa hàng nhỏ đã trở thành hãng kinh doanh điện thoại di động hàng đầu Việt Nam và là một trong những công ty niêm yết lớn nhất nước với vốn hóa 1,7 tỉ USD, luôn dẫn đầu trong Top 50. “Giấc mơ của tôi bây giờ là doanh thu 10 tỉ USD năm 2022”, ông Tài nói. Người ta biết, trong con số đó sẽ còn rất nhiều sự “sẵn sàng” khác tiếp nối..

Phương Quyên

Nguồn: Báo NCĐT