Elon Musk và thị trường tiền mã hóa: Kẻ thao túng đại tài?

Một câu nói của Elon Musk khiến cả thị trường tiền điện tử chao đảo. Ảnh: Sina

"Không phải Musk là người đã phát minh ra Bitcoin sao?" Đừng nghĩ đây là một trò đùa. Gần đây, theo khảo sát mới nhất do một trang web Finder của Úc thực hiện, 56% người Úc không biết rằng người tạo ra Bitcoin là Satoshi Nakamoto. Họ tin rằng Musk là người sáng lập ra đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Trong khoảng thời gian gần đây, cái tên Elon Musk đã gắn bó chặt chẽ với Bitcoin hay tiền mã hóa.

Đặc biệt là vào đêm đáng sợ ngày 19/5, các loại tiền mã hóa chính thống liên tiếp "đỏ lửa". Theo dữ liệu của Bitstamp, Bitcoin đã giảm xuống dưới 31.000 USD, giảm 30% trong vòng 24 giờ, mức thấp kỷ lục kể từ cuối tháng 1 năm nay; Ethereum giảm xuống dưới mốc 2.000 USD, giảm hơn 40%; Dogecoin giảm xuống dưới 0,3 USD, giảm hơn 40%.

Trong đêm 19/5, khối lượng thanh lý tiền mã hóa trong 24 giờ đạt 6,4 tỉ USD. Sau cú lao dốc tập thể, tỉ phú Elon Musk trở thành tâm điểm chỉ trích của những người tham gia thị trường này. Thậm chí, cộng đồng tiền mã hóa còn tạo một dự án mới có tên STOPELON với sứ mệnh "Hủy diệt kẻ thao túng thị trường lớn nhất trong tất cả."

Vậy câu chuyện yêu-ghét giữa Musk và tiền mã hóa là gì?

Người phát ngôn ngông cuồng về tiền mã hóa

Elon Musk đưa giá đồng meme Dogecoin tăng vọt.

Musk là một người ủng hộ lớn cho tiền mã hóa, và hành động này của ông đã giúp giá trị nhiều đồng tiền tăng nhiều lần trong năm qua, bao gồm cả Bitcoin. Vào tháng 1 năm nay, CEO Tesla đã đăng một dòng tweet có một từ: "DOGE". Điều này đã mở đầu cho quá trình tăng vọt của Dogecoin.

Sau một loạt các hoạt động, Musk đã dễ dàng đẩy đồng xu giống như đùa này lên đỉnh cao, tăng giá hơn 500% trong một tháng. Động thái này cũng làm dấy lên sự chú ý của Ủy ban chứng khoán Mỹ SEC, Elon Musk đối mặt với cáo buộc thao túng thị trường. Musk tỏ thái độ "Tôi không quan tâm" đến điều này, và tiếp tục ủng hộ tiền mã hóa theo cách của riêng mình.

Ngày 8/5, Musk làm MC chương trình đêm khuya nổi tiếng của đài NBC "Saturday Night Live" (SNL). Mở đầu chương trình, Maye Musk - mẹ của Elon Musk - xuất hiện cùng con trai trên sân khấu nhân Ngày của mẹ. Bà mong rằng món quà mình nhận được từ con mình sẽ không phải Dogecoin. Tuy nhiên, tỉ phú vui vẻ đáp lại rằng "Đúng là Dogecoin đấy".

Trước khi xuất hiện trên SNL, Elon Musk đã nhắc Dogecoin nhiều lần trên Twitter, tự gọi mình là "Dogefather". Trong chương trình, trả lời cho câu hỏi "Dogecoin là gì?", Elon đáp "Đó chính là tương lai của tiền tệ. Đó là một phương tiện tài chính sẽ chiếm lĩnh thế giới". Động thái này đã khiến Dogecoin tăng vọt trong ngắn hạn, với mức tăng trong ngày là 21%.

Trong vòng một tuần sau ngày đó, lợi nhuận của Dogecoin đã đạt gần 100%. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá Dogecoin đã tăng hơn 11.000%.

Ngoại trừ Dogecoin, Bitcoin có thể được coi là "con đỡ đầu" của Musk. Vào tháng 1 năm nay, Musk đã lặng lẽ thay đổi hồ sơ Twitter của mình thành Bitcoin, chỉ với sự thay đổi này, Bitcoin đã tăng 20% vào ngày hôm đó.

Ngày 8/2, Tesla đã chính thức công bố họ đã mua số Bitcoin trị giá 1,5 tỉ USD và Bitcoin đã tăng 18,8% vào ngày hôm đó. Nhưng điều này vẫn chưa kết thúc, vào cuối tháng 3, Musk đã tweet: Bây giờ bạn có thể sử dụng Bitcoin để mua xe Tesla, và không ngoài dự đoán, một đợt tăng giá khác tiếp tục.

Dưới sự thúc đẩy bởi các dòng tiền đầu tư và hiệu ứng người nổi tiếng của Musk, trong 6 tháng qua, Bitcoin đã liên tục tăng vọt và giá trị thị trường của tiền điện tử đạt mức cao mới. Musk lại thành công đưa "đứa con đỡ đầu" của mình lên bầu trời.

"Người phát ngôn" trở thành "kẻ phản bội" của tiền mã hóa

Giá Bitcoin biến động có thể đã thổi bay hàng tỉ USD của Tesla. Ảnh: Cointelegraph

Ngay từ khi Dogecoin tăng giá chóng mặt, một số nhà kinh tế học đã nói rằng việc "đẩy hàng" của Musk là nguyên nhân chính dẫn đến sự bùng nổ của Dogecoin. Một ngày nào đó Musk dừng ủng hộ hoặc không có hành vi hỗ trợ rõ ràng, Dogecoin cũng sẽ bị đánh trở lại như ban đầu, hoặc thậm chí sụp đổ.

Như câu nói "Musk sẽ thành công và Musk sẽ thất bại", câu này thực sự đã được ứng nghiệm gần đây.

Sau 3 tháng công khai ca ngợi Bitcoin, vào ngày 13/5, Musk bất ngờ đăng dòng tweet rằng Tesla tạm ngừng chấp nhận Bitcoin làm phương thức thanh toán vì hoạt động khai thác Bitcoin tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Mọi người không thể đoán ra, đây không phải là Elon Musk đột nhiên muốn trở thành một nhà bảo vệ môi trường sao?

Theo Sina, thực chất, ý định của Elon là kéo "con đỡ đầu" xuống đỉnh và giúp "con trai" lên một tầm cao mới. Sau sự việc này, ông chủ Tesla cũng trực tiếp mở bình chọn trên Twitter để hỏi người hâm mộ: Liệu Tesla có nên chấp nhận Dogecoin làm phương thức thanh toán? Hơn một nửa số người đã chọn đồng ý.

Toàn bộ biểu đồ tiền mã hóa như thể trái tim của các nhà đầu tư đang rỉ máu. Musk nghiễm nhiên trở thành "kẻ phản bội" trong mắt giới đầu cơ tiền mã hóa.

Giá trị Bitcoin do Tesla nắm giữ đã giảm xuống còn 1,26 tỉ USD, gần bằng với giá mua ban đầu của công ty (1,5 tỉ USD), nhưng không bằng giá trị đỉnh cao (2,48 tỉ USD), nó đã giảm gần một nửa.

Ngày 19/5, khi toàn bộ thị trường tiền mã hóa "hoảng loạn", Elon Musk lên tiếng trấn an, trong đó nhắc đến Tesla kèm biểu tượng kim cương và hai bàn tay, ám chỉ cụm từ "diamond hands". Đây là cụm từ ngụ ý mọi người nên giữ tài sản (tiền mã hóa hoặc cổ phiếu) của mình bất chấp biến động thị trường.

Điều này cũng ngụ ý rằng Tesla vẫn chưa bán Bitcoin. Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, vào tối ngày 20, Elon Musk lên Twitter đăng hình ảnh một chiếc máy tính xách tay và đồng tiền 1 USD nhưng có hình ảnh chó Shiba, kèm tweet "Doge trong cửa sổ có giá bao nhiêu?".

May mắn thay, sau một vài giờ sụt giảm mạnh, tất cả các loại tiền mã hóa đã bắt đầu phục hồi và Bitcoin đã ổn định trở lại ở mức hơn 40.000 USD. Ngày 21/5, Elon Musk thông báo rằng ông vẫn chưa bán một đồng Dogecoin nào.

"Anh ta đang đùa giỡn. Tôi thật sự tôn trọng tài năng của Elon Musk, nhưng khinh thường những gì anh ta tweet", nhà đầu tư mạo hiểm Fred Wilson, đối tác tại Union Square Ventures, chỉ trích.

Ngay cả Palmer, người sáng lập Dogecoin, đã cáo buộc Musk là một kẻ cờ bạc và dối trá.

Ý định ban đầu của Bitcoin

Sau khi chứng kiến thái độ "thay đổi chóng mặt" của Musk trên vòng tròn tiền mã hóa, nhiều người sẽ nhận ra rằng bản thân đầu tư tiền mã hóa là một canh bạc.

Về bản chất, tiền mã hóa là một loại tiền tệ kỹ thuật số được mã hóa ảo dưới dạng P2P (peer-to-peer), giao dịch ngang hàng mà không cần đến các bên thứ ba. Nó không phụ thuộc vào việc phát hành của các tổ chức tiền tệ cụ thể và là một thị trường tài chính phi tập trung.

Ở cấp độ khác, Bitcoin sử dụng cơ sở dữ liệu phân tán để xác nhận và ghi lại tất cả các giao dịch, đồng thời sử dụng mật mã để đảm bảo an toàn cho tất cả các liên kết trong lưu thông tiền tệ. Nói tóm lại, ban đầu tiền mã hóa được thiết kế cho mục đích hỗ trợ thanh toán bảo mật và mang tính ẩn danh cao cho giao dịch.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, nó ngày càng xa rời mục đích ban đầu. Mọi người ngày càng coi Bitcoin như một sản phẩm đầu cơ có thể khiến họ trở nên giàu có chỉ trong một đêm. Tiền mã hóa đã phải đối mặt với vô số lời buộc tội và ca ngợi, và dường như mọi người đang quên mất ý định ban đầu của Bitcoin là gì.

Bitcoin ra đời dưới bối cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nguyên nhân sâu xa là giải quyết vấn đề tiền tệ định danh, Bitcoin từng được gọi là vàng kỹ thuật số, có thể kìm hãm sự mất giá của đồng tiền hợp pháp và là tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Trớ trêu thay, Bitcoin hiện là một tài sản rủi ro cao và có thể khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng.

Nói một cách thẳng thắn, nguồn gốc của Bitcoin bắt nguồn từ sự không hài lòng của Satoshi Nakamoto với hệ thống tài chính hiện tại. Và tựu chung lại, vai trò lớn nhất của Bitcoin là giải quyết vấn đề lạm phát của các loại tiền tệ định danh.

Và ở một mức độ nào đó, Bitcoin vẫn mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Ví dụ, ở một số khu vực kinh tế lạc hậu như Châu Phi, do vấn đề lạm phát tiền tệ, ngày càng nhiều người bắt đầu chấp nhận sử dụng Bitcoin như một công việc thanh toán để bảo vệ tài sản của họ.

Có lẽ đây chỉ là một viễn cảnh đẹp đẽ về một thế giới lý tưởng. Nhưng suy cho cùng, nó cũng chỉ là một công cụ, còn việc sử dụng nó như thế nào thì vẫn tùy thuộc vào suy nghĩ của mỗi người.

Điều trớ trêu là bản thân thuật toán và bản chất phi tập trung của Bitcoin có thể ngăn mọi người thao túng giá trị của nó thông qua sản xuất một số lượng lớn (Bitcoin bị giới hạn ở khoảng 21 triệu đơn vị), nhưng lại không thể ngăn việc một số cá nhân, tổ chức sử dụng ảnh hưởng để thao túng thị trường như Elon Musk.

Nguồn VietTimes