Giá dầu sụt 7% tuần này

Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới tăng hơn 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (19/3), nhưng giảm khoảng 7% trong tuần này do làn sóng Covid-19 mới ở châu Âu làm suy giảm kỳ vọng vào sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,25 USD/thùng, tương đương tăng 2%, chốt ở 64,53 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,42 USD/thùng, tương đương tăng 2,4%, đạt 61,42 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá cả hai loại dầu đều giảm gần 7%, hãng tin Reuters cho hay.

Trong phiên ngày thứ Năm, giá dầu giảm sốc 7% khi một loạt nền kinh tế lớn ở châu Âu áp lệnh phong tỏa để ứng phó với làn sóng lây nhiễm Covid mới, trong khi chương trình tiêm chủng ngừa Covid của khu vực này bị chậm lại vì những vướng mắc hậu cần và nỗi lo của người dân về tác dụng phụ của vacccine.

Giá dầu tăng trong phiên ngày thứ Sáu do nhiều nhà đầu tư tin rằng dầu đã bị bán quá tay trong phiên trước.

"Phiên bán tháo hôm thứ Năm sẽ đẩy lui một số nhân tố gây suy giảm đà tăng của giá dầu gần đây", nhà phân tích Phil Flynn của Price Futures Group nhận định. "OPEC sẽ lo lắng hơn về Covid, nên nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục gia hạn việc cắt giảm sản lượng. Giá dầu giảm mạnh cũng khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ giảm bớt ý định khai thác nhiều dầu hơn".

Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã làm gia tăng mạnh nguồn cung dầu toàn cầu trong khi nhu cầu tiêu thụ năng lượng sụt giảm trong đại dịch. Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, các công ty khai thác dầu của Mỹ đưa thêm 9 giàn khoan dầu vào hoạt động trong tuần này, mức tăng lớn nhất trong 1 tuần kể từ tháng 1.

Ở thời điểm hiện tại, nỗi lo về chiến dịch tiêm phòng Covid đang là nhân tố gây áp lực giảm lên giá dầu.

Đức, Pháp và một số quốc gia khác đã nối lại việc tiêm chủng bằng vaccine của hãng AstraZeneca sau khi cơ quan chức năng châu Âu tuyên bố vaccine này an toàn. Dù vậy, việc vaccine này bị tạm dừng tiêm trong tuần trước đã khiến tâm lý ngại tiêm phòng Covid của người dân nhiều nước gia tăng.

Ngoài ra, Anh tuyên bố sẽ phải giảm tốc chiến dịch tiêm chủng trong tháng tới do trở ngại về nguồn cung vaccine.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

Trong một báo cáo, ngân hàng Goldman Sachs nói rằng những thách thức đối với triển vọng tăng của giá dầu liên quan đến nhu cầu ở châu Âu và nguồn cung từ Iran sẽ làm chậm lại tiến trình tái cân bằng cung-cầu trên thị trường dầu toàn cầu trong quý 2 năm nay. Dù vậy, Goldman kỳ vọng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh sẽ hành động để xử lý chênh lệch giữa nguồn cung và nhu cầu, chẳng hạn bằng cách tiếp tục siết sản lượng dầu.

Trong những tháng gần đây, Iran đã xuất khẩu lượng dầu thô lớn kỷ lục sang Trung Quốc, khách hàng mua dầu lớn nhất của Tehran. Các nhà máy lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ cũng đưa dầu Iran vào kế hoạch nhập khẩu hàng năm vì cho rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ sớm được nới lỏng.

Goldman cũng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng mạnh trong những tháng sắp tới, theo đó nâng dự báo giá dầu Brent trong mùa hè năm nay lên mức 80 USD/thùng.

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/gia-dau-sut-7-tuan-nay-202103200910424.htm