Sáng 23.8, giá USD giao dịch trên thị trường liên ngân hàng ở mức 23.198 - 23.200 đồng/USD. Một số ngân hàng chấp nhận bán USD thấp hơn giá mua của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 23.200 đồng/USD.
Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 11 đồng, lên 23.127 đồng,mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ còn chưa đến 20 đồng nữa là tỷ giá trung tâm sẽ bằng giá mua USD của ngân hàng thương mại. Vietcombank mua USD ở mức 23.145 đồng, bán ra 23.265 đồng. Giá bán đồng bạc xanh trên thị trường tự do thấp hơn ngân hàng 70 đồng, xuống 23.195 đồng, mua vào 23.175 đồng, giảm 10 - 15 đồng/USD so với chiều 22.8.
Nguồn cung ngoại tệ của các ngân hàng trong những ngày gần đây ở mức cao dẫn đến giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống. Các ngân hàng bán ngoại tệ lấy tiền đồng khi lãi suất tiền đồng tăng lên. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tăng từ 0,05 - 0,4%/năm tùy theo kỳ hạn, lãi suất qua đêm lên 3,1%/năm, 1 tuần lên 3,15%/năm, 1 tháng 3,4%/năm… Trong khi lãi suất USD dao động từ mức thấp 2,2 - 3,2%/năm, chênh lệch giữa lãi suất tiền đồng và USD trên thị trường này từ 1 - 2,2%/năm tùy theo kỳ hạn. Đồng thời, lãi suất huy động từ khách hàng cá nhân, tổ chức của các ngân hàng vẫn “nóng” sau khi thị trường xác lập mức cao 10,2%/năm đối với chứng chỉ tiền gửi.
Con số xuất siêu gần 3 tỉ USD cũng khiến USD mất động lực tăng giá. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 8, cả nước xuất khẩu 157,3 tỉ USD hàng hóa, nhập khẩu 153,4 tỉ USD. Như vậy, Việt Nam đang xuất siêu 2,9 tỉ USD, lớn hơn cùng kỳ năm trước 500 triệu USD.