Hà Nội chỉ 1% số căn hộ giao dịch có giá dưới 2 tỷ đồng
Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội là 69 triệu đồng/m2. Với mức giá này, 70% số căn được giao dịch có giá trên 4 tỷ đồng. Chỉ 1% số căn hộ đã giao dịch có giá dưới 2 tỷ đồng.
Giá nhà tại Hà Nội tiếp tục gây bất ngờ khi giữ đà tăng khá mạnh trong các tháng vừa qua. Báo cáo từ Bộ Xây dựng và một số công ty nghiên cứu thị trường cho thấy: Giá chung cư mới và cũ, đã vào ở vài năm tại Hà Nội đều tăng, có dự án đã tăng tới khoảng 30% sau một năm.
Mức tăng giá như vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch mua nhà của nhiều người đang làm việc tại Hà Nội. Cũng theo thông tin từ Bộ Xây dựng, lượng giao dịch căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong các tháng vừa qua đã có xu hướng giảm so với hồi đầu năm và cùng kỳ năm ngoái. Lý do là bởi giá nhà đã ở mức cao và tâm lý người mua đang ở trạng thái chờ đợi.
Vào quý III năm 2023, giá sơ cấp trung bình (tức là giá mở bán của các chủ đầu tư) đối với căn hộ chung cư tại Hà Nội là 54 triệu đồng/m2. Tuy nhiên chỉ 1 năm sau, quý 3 năm nay, mức giá này đã đạt 69 triệu đồng/m2, tức là đã tăng thêm 15 triệu đồng/m2. Với mức giá này, 70% số căn được giao dịch có giá trên 4 tỷ đồng. Chỉ 1% số căn hộ đã giao dịch có giá dưới 2 tỷ đồng. Các phân khúc khác như nhà thổ cư tại Hà Nội cũng tăng theo. Việc mua nhà đang trở nên ngày càng khó hơn, đặc biệt với những người trẻ.
"Tôi tìm mua nhà ở khu vực Nguyễn Xuyển, từ tháng 6 tôi tìm mua căn 75m2, lúc đó các bạn sales, chủ nhà báo với tôi là 3,8 tỷ, hiện tại tháng 9 mức giá là 4,5-4,6 tỷ, tăng 600 triệu trong vòng 3 tháng. Tôi sẽ dành tiền để thuê nhà, mức giá như thế thì cũng khó để tiếp cận", chị Phan Thanh Hương, thành phố Hà Nội chia sẻ.
"Cũng cùng một vị trí đấy mà 2-3 tháng trước tôi đi xem cũng rẻ hơn giờ mấy trăm triệu, không hiểu tại sao nữa", chị Lê Minh Chi, thành phố Hà Nội chia sẻ.
Bộ Xây dựng lý giải nguyên nhân giá nhà tăng cao
Các chi phí đầu vào của một dự án bất động sản cũng có các biến động tăng dẫn đến giá căn hộ tăng cao trong thời gian vừa qua. Ảnh: TTXVN
Chúng tôi đã có trao đổi với đại diện Bộ Xây dựng về vấn đề này. Một số nguyên nhân chính cũng đã được chỉ ra.
Ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Các chi phí đầu vào của một dự án bất động sản cũng có các biến động tăng. Trong đó chi phí liên quan đến đất, chi phí nhân công trong thời gian vừa qua một số địa phương dự kiến áp dụng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 thì cũng sẽ có tác động đến giá. Khi nguồn cung hạn chế thì các giới đầu cơ, những tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản cũng lợi dụng tình hình để thực hiện các hành vi thổi giá, kích giá, nhiễu loạn thông tin trong giao dịch bất động sản để trục lợi, kiếm lời".
1 khu chung cư tại khu ngoại giao đoàn đoàn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội, nếu như cách đây mấy năm, với mức giá khoảng 2-3 tỷ đồng cho diện tích 50m2, vẫn có thể tìm mua được ở đây. Nhưng đến nay, theo khảo sát nhiều căn đã tăng giá gấp đôi. Đà tăng được dự báo vẫn chưa dừng lại, khi theo dự báo từ CBRE, trong các tháng tới, 75% tổng nguồn cung mới vẫn đến từ các chung cư cao cấp, có giá từ 60-200 triệu đồng/m2. Chỉ có 2 dự án mới chào bán với khoảng giá từ 50-60 triệu đồng/m2.
Giải pháp nào để kiềm chế đà tăng của giá nhà tại Hà Nội đang là câu hỏi được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường hiện nay. Không ít người đã tạm dừng kế hoạch mua nhà, khi giá liên tục "nhảy múa".
"Đây là phản ứng hết sức bình thường, vấn đề nguồn cung phải giải quyết được, là vấn đề mấu chốt", ông Phạm Văn Ngọc - Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Địa ốc Hà Nội Star Land chia sẻ.
Hiện nay, các luật mới liên quan tới bất động sản đã có hiệu lực từ 1/8 vừa qua. Hành lang pháp lý cho các dự án mới đã khá rõ ràng. Dự kiến từ nay tới cuối năm, nguồn cung mới về nhà ở gắn liền với đất tại Hà Nội sẽ có thêm gần 5.000 căn mở bán. Chu kỳ khan hiếm nguồn cung nhà ở tại Hà Nội trong suốt 4 năm qua được dự báo sẽ chấm dứt.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, nguồn hàng đã dồi dào hơn, nhưng giá bán lại liên tục tăng cao. Đại diện Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự tính toán về giá khi đưa hàng ra thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay: "Chúng ta đã trải qua 1 thời kỳ khủng khoảng đáng nhớ năm 2022-2023, khi thị trường không thật, chỉ phục vụ cho một nhóm nhu cầu đầu tư, đầu cơ, không bao giờ có thanh khoản thật, giao dịch thật. Những chủ đầu tư cần cân nhắc các quyết định của mình, chúng ta cùng giúp cho thị trường không có sự nóng ảo".
Nhận định từ phía Bộ Xây dựng cũng cho rằng: có tình trạng thổi giá, trục lợi, khiến giá nhà tăng cao. Đây cũng là hiện tượng dai dẳng đã kéo dài nhiều năm, hiện nay, Bộ đang nghiên cứu mô hình một Trung tâm giao dịch bất động sản toàn quốc.
Ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: "Hướng tới cần phải thực hiện giao dịch bất động sản qua sàn và phải có sự quản lý của nhà nước để đảm bảo việc giao dịch bất động sản, giao dịch về nhà ở công khai, minh bạch".
Một thông tin đáng chú ý khác đối với nhiều người có nhu cầu mua nhà. Đó là vừa qua, Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở. Theo đó, thành phố có thêm 6 dự án nhà ở xã hội tại quận Ba Đình, Long Biên và huyện Thanh Trì, Thạch Thất, với hơn 8.300 căn hộ. Hiện các dự án cơ bản giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2029, tức là trong vòng 2- 3 năm tới.
Giới chuyên môn cho rằng, sự xuất hiện của phân khúc nhà ở xã hội, sẽ giúp kéo giá thị trường về mức hợp lý hơn. Đáng chú ý, trong nội dung Công điện số 103 về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo vừa mới ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Ngoài ra, hiện nay, các giải pháp thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà xã hội cũng đang được các bộ ngành, địa phương từng bước triển khai.
Nguồn: VTV