'Hoàng hôn' của Gucci, Louis Vuitton tại Trung Quốc vì Covid-19

Trong một cuộc phỏng vấn với Yahoo Finance, ông Pauline Brown - cựu Chủ tịch công ty Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) khu vực Bắc Mỹ - nói rằng virus corona đã khiến 2020 trở thành một năm thảm họa đối với các nhãn hiệu thời trang cao cấp tại Trung Quốc.

Nguyên nhân đằng sau tình trạng trên là việc người dân nước này đang tạm dừng các hoạt động mua sắm, giải trí nhằm đối phó với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Người dân Trung Quốc, nhóm khách hàng "chịu chi" nhất cho các mặt hàng xa xỉ, đang tạm dừng các hoạt động mua sắm, giải trí vì dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Trung Quốc vốn là thị trường "béo bở" đối với các thương hiệu thời trang cao cấp bởi người dân nước này có xu hướng ưa chuộng các nhãn hàng xa xỉ.

Theo một khảo sát của Bain & Company vào năm 2019, mức chi của người tiêu dùng Trung Quốc vào các sản phẩm đắt tiền chiếm gần 35% tổng doanh thu, đóng góp 90% vào sự phát triển của thị trường hàng hóa cao cấp.

Điều này khiến họ trở thành tập khách hàng quan trọng nhất, có khả năng quyết định thành - bại của các thương hiệu.

Do đó, đại dịch corona bùng phát đã khiến việc kinh doanh của các nhãn hàng trong khoảng đầu năm nay bị sụt giảm nghiêm trọng.

Khi virus lan rộng, nhiều chi nhánh của các thương hiệu thời trang cao cấp tại Trung Quốc phải đóng cửa hoặc cắt giảm thời gian kinh doanh; các show thời trang bị hủy bỏ; doanh số bán hàng liên tục lao dốc vì khách hàng không có nhu cầu ra ngoài mua sắm.

Trong cuộc họp diễn ra vào tháng này, CEO của Kering, công ty mẹ của thương hiệu Gucci, nói rằng lượng sản phẩm bán ra và lượt người truy cập website hãng đã giảm mạnh.

Đầu tháng này, Burberry - nhãn hàng thời trang cao cấp hàng đầu Anh Quốc - cũng phải hạ mục tiêu doanh thu năm 2020 của mình do ảnh hưởng từ Covid-19.

Trước tình trạng trên, ông Brown chia sẻ: "Vấn đề của các mặt hàng cao cấp là nếu khách hàng không mua nó trong một khoảng thời gian nhất định, bạn khó có thể hi vọng họ sẽ quay lại vào thời điểm khác. Chúng tôi (các nhãn hàng cao cấp) không thể cứu vãn doanh số bán hàng. Đây là tâm lý chung của khách hàng, mọi người không cảm thấy an toàn khi mua sắm vào lúc này".

Ông Brown khẳng định đây là một thảm họa với tất cả các công ty trong ngành này.

Mặc dù phải tạm đóng cửa một vài chi nhánh ở Trung Quốc, tập đoàn LVMH vẫn giữ thái độ bình thản khi phân tích ảnh hưởng của virus trong các cuộc họp gần đây.

Phần lớn người dân Trung Quốc có xu hướng mua các mặt hàng xa xỉ ở nước ngoài, thông qua các chuyến du lịch mua sắm. Ảnh: EPA-EFE.

CFO của LVMH, ông Jean-Jacques Guiony, phát biểu trong một buổi họp: "Đầu tiên, có vẻ như tình hình dịch corona không dữ dội bằng SARS ở Hong Kong nhiều năm trước. Thứ hai, chính phủ Trung Quốc đang hành động rất quyết liệt và chúng tôi tin rằng những động thái này sẽ mang đến kết quả tốt đẹp".

Mặt khác, phía LVMH cũng đưa ra cảnh báo về nguy cơ lâu dài mà virus corona đem lại. "Nếu dịch bệnh chỉ kéo dài trong vài tháng hoặc được giải quyết triệt để trong khoảng hai tháng tới, tình hình sẽ không quá tồi tệ. Nhưng nếu nó kéo dài hai năm thì chuyện sẽ hoàn toàn khác".

Tuy nhiên, nỗi lo của các nhãn hàng không chỉ dừng lại ở doanh số tại thị trường Trung Quốc nội địa.

Theo khảo sát của Bain & Company, 70% hoạt động mua sắm mặt hàng xa xỉ của người dân nước này được thực hiện ở nước ngoài.

Giờ đây, với lệnh giới hạn di chuyển ngoài lãnh thổ của chính phủ Trung Quốc, doanh thu của các công ty thời trang cao cấp có thể chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nữa.

Trang Minh

Nguồn: Báo Zing