Từng là cây tiền tỷ
Năm 2010, ông Th., một viên chức sống ở TP Tân An (Long An), quyết định bỏ ra gần 500 triệu đồng để đầu tư trồng thanh long. Ông sang xã Trung Hòa của huyện Chợ Gạo tỉnh Tiền Giang (cách nhà chừng 10km) thuê 9 công đất ruộng (9.000m2), với giá 5 triệu đồng/công/năm, trong vòng 10 năm để trồng thanh long. Khi 9 công thanh long bắt đầu cho trái (sau 18 tháng), số tiền 500 triệu đồng đầu tư ban đầu cũng vừa cạn túi. Trong khi bạn bè, người thân lo ngại, thì ông Th. tỉnh bơ. Kết quả, 10 năm trồng thanh long, ông Th. thu hoạch được 16 vụ, trừ 3 vụ hòa vốn, còn lại ông lời trên 5 tỷ đồng. Vụ thu hoạch cuối cùng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5-2020, trong khi nhiều người đứng ngồi không yên vì giá thanh long “nhảy múa”, ông Th. vẫn bỏ túi gần 300 triệu đồng từ hơn 13,5 tấn thanh long, bán với giá 22.000 đồng/kg. Khi hỏi ông có bí quyết, ông cười trừ bảo, không có bí quyết gì cả, chẳng qua là do mình tính toán mùa vụ, rồi may là lúc thu hoạch lại trúng giá.
Ở xứ thanh long Châu Thành (Long An), Chợ Gạo (Tiền Giang), những công chức, viên chức, thậm chí là cán bộ đã bỏ tiền “làm thêm” thanh long và biết tính toán như ông Th., phần nhiều thu về tiền tỷ sau mấy năm. Nhiều nhà nông do biết rành kỹ thuật chăm sóc, biết tính toán mùa vụ hợp lý, cũng thu về tiền tỷ nhờ thanh long. Nói theo lời của một lãnh đạo UBND huyện Châu Thành: “Nói thì dễ, chứ nhảy vô làm không phải dễ ăn đâu. Ở đây, có nhiều người giàu, khá lên nhờ thanh long, nhưng cũng có nhiều người thê thảm với cây thanh long lắm”.
Khóc ròng vì giá thấp
Bà Võ Thành ở xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), đau đầu vì mấy ngày nay thanh long rớt giá: “Vậy mà chủ vựa còn chê lên chê xuống, dạt bỏ gần hết”. Bà Võ Thành nghỉ làm ở trạm y tế xã về giúp chồng chăm sóc gần 3 công thanh long, vụ này sau gần 3 tháng, hai vợ chồng bỏ công sức chăm sóc, nhưng năng suất thanh long không cao, trái không tốt (do ảnh hưởng đợt hạn mặn vừa qua), bị chủ vựa dạt bỏ hơn 50%. Hơn 1 tấn thanh long ruột đỏ chở đến tận vựa, vợ chồng bà thu về có gần 2 triệu đồng, trong khi trước đây, mỗi vụ đem về hơn 20 triệu đồng.
Còn ông Đát, một công chức nhà nước, ở xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ (Long An) tranh thủ về nhà giúp cha mẹ già coi sóc 3 công thanh long mới trồng được mấy năm. Do thiếu kinh nghiệm, rồi bị ảnh hưởng hạn mặn, vụ này gia đình anh thu hoạch chỉ được hơn 1 tấn, cũng bị chủ vựa dạt bỏ hơn phân nửa. “Cầm 1,1 triệu đồng bán thanh long mà ứa nước mắt, thấy tội cho ông bà già quá. Mấy tháng trời 2 ông bà lui cui ngoài đồng, giờ bán được có nhiêu thì làm sao mà sống đây”, ông Đát than.
Ông Bình ở xã Hòa Phú của huyện Châu Thành (Long An) cũng rơi vào cảnh như thế. Thấy người ta trồng thanh long thu tiền tỷ, ông bàn với vợ bỏ trồng lúa nếp chuyển sang trồng thanh long. Ông chuyển 2 công đất qua trồng thanh long, nhưng do “chân ướt chân ráo” vào nghề, thiếu kinh nghiệm, lại gặp vận xui vì giá cả xuống thấp, 3 năm nay, hai vợ chồng ông chưa trả hết số tiền vay 30 triệu đồng để trồng thanh long.
Qua tìm hiểu, những người đi đầu trong việc trồng thanh long ở Châu Thành, Chợ Gạo hầu hết đều thắng lớn. Lúc trước, giá thanh long luôn ở mức cao và ổn định, nên người trồng có lời, nhiều hay ít tùy thuộc diện tích trồng, dù vốn bỏ ra để trồng 1ha thanh long lên đến 300 - 400 triệu đồng. Thế nhưng, hiện nay nhiều người, nhiều nơi trồng thanh long, mạnh ai nấy làm, chất lượng thanh long gần như thả nổi nên cùng thời điểm sản lượng nhiều, chất lượng kém, thiếu đầu ra và thanh long thường xuyên bị rớt giá, bị ép giá… Đó là chưa nói, 2 tỉnh Tiền Giang, Long An có diện tích trồng thanh long lớn nhưng số diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP lại bằng không. Ngay như Long An, năm 2010, ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra kế hoạch triển khai thực hiện đến năm 2020, Long An sẽ có 2.000ha thanh long sản xuất theo chuẩn VietGAP, nhưng đến nay, tham vọng chất lượng này gần như chỉ nằm trên giấy.
Với cái cách làm ăn nhờ “hên xui” của nông dân, thiếu trách nhiệm định hướng, tư vấn kịp thời của ngành chức năng và của các địa phương, thì không chỉ ở thời điểm này mà lâu dài, người trồng thanh long nói riêng, người làm nông nói chung vẫn còn khổ.