Kỷ nguyên tăng trưởng vàng
Trong lá thư gửi các cổ đông vào tuần này, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon nhận định, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng nhanh và bền vững, lạm phát tăng nhẹ và lãi suất tăng nhưng không quá nhiều.
Sự lạc quan của ông Dimon được đưa ra sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden sẽ thúc đẩy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,4% trong năm nay. Đây là tốc độ tăng trưởng hàng năm nhanh nhất ở Mỹ kể từ năm 1984 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan.
Theo ông Dimon, nhờ những gói kích cầu khổng lồ này mà người dân Mỹ đang có trong tay một lượng tiền tiết kiệm lớn.
Giám đốc điều hành JPMorgan nhấn mạnh: "Tôi tin rằng, với lượng tiền tiết kiệm lớn, gói kích cầu mới, chi tiêu gây thâm hụt ngân sách lớn, chương trình nới lỏng định lượng (QE) tiếp diễn, một gói kích thích kinh tế khổng lồ được đề xuất, chiến dịch tiêm vaccine thành công và sự khởi sắc của tăng trưởng toàn cầu sau đại dịch, nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ bùng nổ".
Ông Dimon cho biết thêm, sự bùng nổ này có thể dễ dàng kéo dài đến năm 2023, vì tất cả mọi gói chi tiêu này rất có khả năng kéo dài đến năm 2023".
6,4% là mức tăng trưởng "chóng mặt" đối với một quốc gia đã phát triển như Mỹ. Dường như, không có nền kinh tế nào, kể cả Trung Quốc dám hi vọng "phép màu" này. Bởi vậy, IMF đặt cược Mỹ sẽ là động lực tăng trưởng chính toàn cầu trong năm nay.
Sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng 6% vào năm 2021, nâng cấp 0,5 điểm phần trăm so với triển vọng trước đó của IMF.
IMF cho rằng, có được mức tăng trưởng vượt bậc này là do số lượng người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang gia tăng mỗi ngày.
Cũng theo IMF, 916.000 là số lượng việc làm mới được bổ sung vào nền kinh tế Mỹ trong tháng 3/2021, kéo tỷ lệ thất nghiệp tại quốc gia này xuống còn 6%. Đây là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy, thị trường lao động Mỹ đang tiến về mốc trước đại dịch.
Tuần này, Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) đã công bố báo cáo hàng tháng về lĩnh vực dịch vụ của Mỹ, lĩnh vực chiếm 88% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia này. Theo đó, chỉ số dịch vụ của Mỹ trong tháng 3/2021 đã tăng lên 63,7, mức cao nhất từng được ghi nhận.
Theo trang CNBC, không chỉ thế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta mới đây dự báo, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 10% trong 3 tháng đầu năm nay.
Những con số trên cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi mạnh, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong cả năm 2021.
Chuyên gia Ed Yardeni của Yardeni Research nhận định, sự phục hồi hình chữ V về GDP sẽ giữ vững trong nửa đầu năm nay và có thể đến hết năm. Sau quý I/2021, GDP sẽ bước vào thời kỳ tăng trưởng.
Tiến triển của nền kinh tế có thể bị đảo ngược
Trang CNN nhận định, sự lo lắng đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn tiềm ẩn.
Trong một lưu ý gần đây cho khách hàng, Giám đốc chiến lược cổ phần tại Mỹ của Citigroup Tobias Levkovich cảnh báo, các nhà đầu tư đang tự tin rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thay đổi hướng đi và giữ nguyên lãi suất thấp.
Theo ông Levkovich, dù lãi suất của Fed không tác động trực tiếp đến người dân Mỹ, song nó lại ảnh hưởng tới khả năng các ngân hàng tính phí lẫn nhau khi cho vay ngắn hạn. Điều này sẽ tác động tới mức lãi suất tín dụng người Mỹ phải trả.
Thị trường tài chính Mỹ gần đây cũng lo ngại rằng, tăng trưởng quá nhanh có thể đẩy lạm phát tăng vọt, đặc biệt trong bối cảnh Fed tiếp tục giữ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Không chỉ ông Levkovich, TS. Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Mỹ cũng cảnh báo, số ca nhiễm Covid-19 mới ở quốc gia này những ngày gần đây đã tăng ở mức "đáng lo ngại" và đất nước có thể phải đối mặt với làn sóng Covid-19 tiếp theo.
Bên cạnh đó, các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 kháng lại vaccine cùng với yếu tố lạm phát gia tăng trong thời gian dài buộc Fed phải nhanh chóng tăng lãi suất.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 2/4 cũng cảnh báo, tiến triển của nền kinh tế có thể bị đảo ngược nếu số ca nhiễm Covid-19 lại tăng vọt.
Tổng thống Biden nhấn mạnh, Mỹ vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Số ca tử vong do dịch vẫn tăng ở một số bang và số ca nhiễm mới đang tăng. Một số bang như Florida và Texas đã bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc và các biện pháp ngăn chặn dịch khác, dù các quan chức y tế khuyến nghị người dân thận trọng hơn.
Ông Biden khẳng định: "Để bảo vệ những tiến triển đã phải rất khó khăn mới đạt được, người dân Mỹ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ".
(theo CNN, CNBC)