Làn sóng rao bán nhà ở Trung Quốc
Bất động sản của Trung Quốc xuất hiện làn sóng rao bán nhà nhưng nhu cầu yếu, theo các số liệu vừa công bố.
Sau khi tăng nhẹ vào đầu năm, doanh số bất động sản đã giảm ở các thành phố lớn như Thượng Hải. Cùng với đó, giá nhà cũng giảm ở phần lớn các tỉnh thành. Ngược lại, số lượng căn hộ được rao bán chạm đáy nhiều năm gần đây.
Tại 13 thành phố lớn - bao gồm Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu và Hàng Châu - số lượng nhà hiện hữu rao bán đã tăng 25% trong tháng 5 so với cuối năm ngoái. Tăng mạnh nhất là Thượng Hải và Vũ Hán, lần lượt đến 82% và 72%, theo dữ liệu được thu thập bởi Viện Nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-house.
Những người ráo bán đa số đang gặp căng thẳng về tài chính hoặc mất niềm tin vào thị trường. Do đó, họ muốn "thoát hàng" ngay bây giờ trước khi tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Các nhà phân tích cảnh báo việc quá nhiều chủ sở hữu cố gắng bán nhà cùng lúc có thể làm tăng thêm mối lo ngại về tình trạng dư cung và tạo ra áp lực giảm giá, làm xói mòn niềm tin mong manh vào nền kinh tế.
Bruce Pang, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, cho biết tình trạng dư cung nhà ở trầm trọng hơn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả. "Dường như mọi người đang chờ giá nhà chạm đáy", ông nhận định.
Một đại lý bất động sản ở Thanh Đảo cho biết dù doanh số bán hàng đã cải thiện so với một năm trước đó, nhưng nguồn cung tăng đã gây áp lực lên giá nhà. Một người bán ở thành phố này cho biết đã phải giảm giá nhiều lần trước khi tìm được khách mua đầu tháng trước. Ban đầu, cô rao bán căn nhà với giá 126.000 USD nhưng chỉ sang tay được với giá 97.000 USD. "Những ngôi nhà cũ kỹ, tồi tàn và nhỏ bé không dễ bán ở Thanh Đảo", cô nói.
Chiếm một phần tư nền kinh tế Trung Quốc, thị trường bất động sản trở thành trở thành tâm điểm chú ý kể từ năm 2021, khi Bắc Kinh thắt chặt tín dụng đối với các nhà phát triển để ngăn chặn hành vi đầu cơ. Một số nhà phát triển vỡ nợ, gây ra làn sóng chấn động trên thị trường trái phiếu.
Giá nhà hiện hữu trung bình đã giảm 0,7% trên 100 thành phố lớn của Trung Quốc trong năm qua, theo nền tảng bất động sản trực tuyến Zhuge. Tuy nhiên, mức giảm ít này nhờ vào việc các chính quyền áp giá sàn, bao gồm cả việc cấm các nhà phát triển đưa ra chiết khấu cao.
Giờ đây, một cuộc giằng co về giá đang diễn ra giữa những người mua và bán. Cao Guoxing, điều hành một công ty truyền thông ở Thượng Hải, đã rao bán một căn hộ rộng 860 m2 mà ông sở hữu ở thành phố Đại Lý để huy động tiền mặt cho công việc kinh doanh và trả bớt nợ vay mua cho một bất động sản khác. Ông nhận ra nếu bán căn hộ lúc này thì sẽ lỗ. Không có khách hàng tiềm năng nào đến xem nhà trong 3 tháng qua. "Tôi sợ rằng ngay cả khi hạ giá mạnh hơn vẫn không có người mua", Cao nói. Ông mua căn hộ này năm 2016.
Các nhà kinh tế từ ngân hàng đầu tư Nomura, cho biết lực cầu ở 4 thị trường bất động sản hàng đầu của Trung Quốc: Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu đặc biệt đáng lo ngại. Tất cả đều ghi nhận sự sụt giảm dân số vào năm 2022 - lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ - do người nước ngoài rời đi và những thách thức lâu đời về nhân khẩu học ngày càng sâu sắc.
Nhu cầu đối với những ngôi nhà hiện hữu cũng đang giảm dần. Tại Thượng Hải, doanh số bán nhà cũ đã giảm chỉ còn 15.300 căn trong tháng 5, giảm 13% so với tháng 4 và thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 23.000 căn mỗi tháng trong giai đoạn 2019 đến tháng 5/2022, theo Centaline Property.
Để kích thích nhu cầu, cơ quan quản lý đã hạ lãi suất vay thế chấp và nới lỏng hạn chế với các nhà phát triển bất động sản kể từ tháng 11/2022. Kế hoạch loại bỏ giới hạn mua nhà đối với hầu hết các thành phố tại Trung Quốc cũng đang được xem xét.
Nguồn: VnExpress