Ưu tiên khách hàng hay ưu tiên công nghệ
Bezos là người theo trường phái “ưu tiên khách hàng”. Ông xây dựng một quy trình đổi mới cho Amazon với tên gọi “làm việc nghịch đảo”. Với quy trình này, công ty tập trung tìm hiểu nhu cầu của khách hàng trước, sau đó quay ngược lại sáng tạo ra những cách thức tân tiến để đáp ứng các nhu cầu này.
Ngược lại, Musk đi theo hướng “lấy công nghệ làm đầu”. Theo một cựu nhân viên ở Tesla, Musk áp dụng triết lý của Steve Jobs, Musk luôn tin rằng ông biết được thị trường đang biến động đến đâu, biết được khách hàng muốn gì, cần gì. Chính vì vậy, Musk thường tập trung vào những vấn đề ông cho là quan trọng nhất mà vẫn chưa được giải quyết bởi các hạn chế của công nghệ.
Với hai cách tiếp cận trên, cách thức nào hay hơn? Câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn đang muốn giải quyết vấn đề gì. Cách thức của Bezos sẽ có ích nếu bạn cần tối ưu một sản phẩm đã có. Ngược lại, phương pháp của Musk sẽ hay hơn nếu bạn muốn ‘làm cách mạng’ trên thị trường. Điều này cũng một phần giải thích được vì sao Musk thích thổi phồng tầm nhìn và mục tiêu táo bạo, trong khi Bezos kín tiếng hơn trong những phát ngôn về tầm nhìn và mục đích.
Phát ngôn về tầm nhìn và mục đích
Đây là một trong những điều khác biệt rất lớn giữa Musk và Bezos. Musk thích công khai và nhấn mạnh những mục tiêu táo bạo, trong khi Bezos kín tiếng hơn nhiều. Liệu đây là vấn đề về tính cách, hay còn điều gì sâu xa hơn?
Lý do đầu tiên là vì phương thức tiếp cận vấn đề của họ. Bezos phải im lặng bởi ông tập trung vào nhu cầu của khách hàng. Nói một cách đơn giản, ông không cần ưu tiên quảng bá công nghệ của mình, mà cần triển khai được công nghệ đó nhanh hơn đối thủ. Vậy nên chẳng có lý do gì để phát ngôn về sản phẩm mới trước khi chính thức phát triển.
Trong khi đó, Musk tập trung vào những công nghệ vượt tầm. Ông cần những phát biểu táo bạo để thu hút sự chú ý và những khách hàng tiềm năng. Điều này cũng giúp Musk hấp dẫn các nguồn hỗ trợ tài chính và nguồn nhân lực tài năng.
Musk từng bị chỉ trích rất nhiều về những phát ngôn về mục tiêu của mình. Tờ The Wall Street Journal cho biết Tesla đã không làm được khoảng 20 mục tiêu mà Musk công bố.
J. B. Straubel, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc công nghệ của Tesla, rất tin tưởng vào cách thức tiếp cận của Musk. Ông cho biết: “Elon là bậc thầy trong việc làm khó và thách thức đội ngũ của mình bằng những mục tiêu vượt quá sự tưởng tượng của mọi người. Nếu bạn thử thách họ làm việc chăm chỉ, họ có thể đạt được nhiều hơn những gì họ nghĩ. Tuy nhiên đa số lãnh đạo lại không muốn làm điều này.”
Dĩ nhiên, câu chuyện này không có nghĩa Bezos không thách thức nhân viên của mình. Trong đội ngũ vận hành ở Amazon, mỗi trưởng nhóm đều có khoảng 20 mục tiêu lớn mà họ cam kết phải đạt được. Chỉ là ở Amazon, họ thường ít công khai những điều như vậy.
Kế hoạch có kiểm soát hay nhảy vọt táo bạo?
Khi thành lập công ty du hành vũ trụ Blue Origin, Bezos đã viết bức thư “Ngày thứ nhất”: “Chúng tôi là một đội ngũ nhỏ, với lời cam kết gieo mầm sự tồn tại lâu dài của nhân loại trong không gian. Blue sẽ theo đuổi mục tiêu này một cách kiên nhẫn, từng bước một.”
Ngược lại, cách thức của Musk mang màu sắc thiếu kiên nhẫn và tập trung vào những ý tưởng to lớn. Khi thành lập Tesla, Musk đã viết: “Mục tiêu của chúng tôi là đẩy nhanh sự ra đời của giao thông bền vững bằng cách đưa những chiếc xe điện ra thị trường càng sớm càng tốt... Để đạt được điều đó, cần có những bước nhảy vọt trong công nghệ.”
Có thể thấy rằng, Bezos tập trung phát triển “từng bước một”, trong khi Musk lại mong muốn “bước nhảy vọt trong công nghệ”. Sự khác biệt về phong cách của Bezos và Musk được ví như “rùa (Bezos) và thỏ (Musk)”. Tuy nhiên, dù cho cách thức phát ngôn về mục tiêu có khác nhau, thì quy trình làm việc hằng ngày của họ đều như nhau, đều tập trung vào chia nhỏ các vấn đề và tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm.
Trao quyền cho nhân viên
Ở Amazon, Bezos thường là người phát biểu cuối cùng ở các cuộc họp. Ông thích lắng nghe ý kiến của mọi người khi chưa bị ý kiến của ông ảnh hưởng. Hơn thế nữa, Bezos cũng cho phép nhân viên có thể thực hiện các ý tưởng, thậm chí khi bị ông phản đối.
Bezos chia sẻ rằng, trong một công ty lớn, có rất nhiều cách để nói “đồng ý”. Ông sẽ đôi khi nói “không đồng ý” tuy nhiên lại khuyến khích nhân viên thực hiện ý tưởng đó. Bezos trao quyền và cho phép nhân viên thực hiện những thử nghiệm và chấp nhận rủi ro. Ông từng thừa nhận rằng Amazon đã từng tiêu tốn hàng tỷ đô vào những thử nghiệm thất bại.
Ngược lại, Musk đẩy công việc ở Tesla và SpaceX lên một nhịp độ điên cuồng. Nếu tên lửa không bay chính xác, hoặc xe hơi không chạy được, thì bạn cũng tự biết số phận được của mình. Vì vậy, Musk giám sát công việc rất kỹ lưỡng, và thường dập tắt ngay những quyết định mà ông ấy cho là sai lầm.
Cách tiếp cận và làm việc của Musk đem đến những mục tiêu lâu dài đầy thử thách cho nhân viên và quy trình làm việc cũng nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ông. Điều này lý giải một phần vì sao đội ngũ làm việc của Bezos ổn định hơn Musk.
Vậy, đâu mới là phương thức đúng đắn?
Bezos đi từng bước nhỏ, vững chắc để có được thành quả, đạt được sự tín nhiệm để thực hiện những mục tiêu tiếp theo. Bezos đã thành công từ việc bán sách trực tuyến, mở rộng thành nhà bán lẻ trực tuyến, dịch vụ web (với Amazon Web Services), thiết bị điện tử (Kindle, Alexa), và giải trí (Amazon Video và Amazon Unlimited). Cách thức làm việc của Bezos đã tạo nên danh tiếng một cách chậm rãi nhưng vững chắc.
Trong khi đó, cách thức của Musk lại là “liều ăn nhiều” trong việc gắn kết ý tưởng với việc đạt được nguồn lực hỗ trợ. Ông thường đặt ra các mục tiêu táo bạo và đầy kích thích để thu hút nhân lực lẫn tài lực.
Theo Sterling Anderson - cựu chủ nhiệm bộ phận máy bay tự động lái của Tesla, Musk thực sự rất thấu hiểu con người. Ông biết rằng những ý tưởng như vậy sẽ thu hút con người, thu hút nhân tài. Và với nguồn nhân lực tài năng ấy, ông ấy có thể xây dựng những sản phẩm tốt nhất. Những sản phẩm tốt này lại tiếp tục hấp dẫn khách hàng và nhà đầu tư. Đó chính là vòng xoay mà Musk liên tục củng cố và theo đuổi.
Với hai phong cách lãnh đạo trái ngược nhau, cả Bezos và Musk đều đạt được những thành công rực rỡ trong ngành công nghệ hiện đại. Thành công của họ minh chứng rằng: Không có một công thức cố định nào cho việc lãnh đạo thành công.