Lọc hóa dầu sẽ góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành nền kinh tế lớn

Mới đât, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giới thiệu, thu hút đầu tư "Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia" và "Trung tâm du lịch biển - đảo".

Ngày 25/10, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội thu hút thương mại - đầu tư, văn hóa - du lịch, nông nghiệp, công nghiệp của Quảng Ngãi đến các đối tác quốc tế, mở rộng không gian hội nhập, tăng cường và làm sâu sắc hơn các kết nối quốc tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư.

Quảng Ngãi đã hoàn thành Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Trong định hướng phát triển của Trung ương đối với khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định hai trọng tâm phát triển: "Mở rộng và xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất" và "Trung tâm du lịch biển - đảo tại Lý Sơn", sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho tỉnh Quảng Ngãi và cả nhà đầu tư.

Chia sẻ về tiềm năng của Quảng Ngãi, Chủ tịch UBND tỉnh - Đặng Văn Minh cho biết, Quảng Ngãi có 130 km đường bờ biển, có ngư trường rộng lớn với 1.000 km2, có tiềm năng phát triển kinh tế biển, cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 200.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất - nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế, nhất là công nghiệp nặng. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi là nơi hội tụ các văn hóa cổ xưa của Việt Nam như văn hóa Sa Huỳnh với bề dày lịch sử 3.000, văn hóa Champa với hệ thống di tích di sản văn hóa phi vật thể, có tiềm năng phát triển du lịch biển đảo khi sở hữu điều kiện tự nhiên đa dạng, nền văn hóa đặc sắc, trong đó có đảo lý sơn có giá trị địa chất, có di tích lịch sử.

Xuất phát từ một tỉnh nghèo, thuần nông, ngân sách hàng năm phụ thuộc lớn vào Trung ương. Gần 15 năm qua, nhờ sự quyết tâm cao của tỉnh và chính sách của Trung ương quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, đặc biệt từ khi đưa vào vận hành thương mại Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất là đòn bẩy chiến lược khai thác thế mạnh, tiềm năng trong phát triển kinh tế của Quảng Ngãi.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, lọc hóa dầu và luyện kim là hai lĩnh vực đóng vai trò chủ chốt của nền kinh tế Quảng Ngãi. Hai lĩnh vực này đã đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh, góp phần trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, từ đó đưa Quảng Ngãi trở thành nền kinh tế lớn của khu vực và cả nước.

Hiện tại, Quảng Ngãi nằm trong top 20 tỉnh, thành phố có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước, năng động, có sự phát triển đồng bộ trên tất cả ngành kinh tế công, nông, lâm, ngư nghiệp, kinh tế biển… Đồng thời, đây cũng là vùng đất có truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng là quê hương của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ngãi - Bùi Thị Quỳnh Vân muốn truyền tải thông điệp là: "Quảng Ngãi luôn coi sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh, lợi ích của doanh nghiệp là lợi ích của tỉnh và tiềm năng của chúng tôi là cơ hội của các bạn. Ngoài các chính sách chung của Trung ương, Quarng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Quảng Ngãi.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi tin tưởng rằng, trong thời gian đến, tỉnh Quảng Ngãi sẽ có nhiều cơ hội đổi mới, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với địa phương, các nước, các tổ chức để thực hiện mục tiêu cùng phát triển bền vững và thịnh vượng. Hệ thống chính trị, chính quyền, các cấp các ngành của Quảng Ngãi sẽ luôn hành động quyết liệt để xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, thân thiện với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và cộng đồng quốc tế trong chặng đường phát triển sắp đến.

nguồn: VTV