Trong quý I, MBBank đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ theo nghị quyết ĐHĐCĐ 2019 và bán cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài, tạo được thặng dư tăng vốn cổ phần lên gần 1.200 tỷ đồng. Việc này đã giúp ngân hàng này nâng hệ số an toàn vốn (CAR) hợp nhất lên trên 11%. Đây là chỉ số an toàn vốn ở mức cao trên thị trường hiện nay (tỷ lệ an toàn vốn theo quy định hiện hành của NHNN là 8%).
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của MBBank, tính đến hết 31/3, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 407.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng là 262.000 tỷ đồng, duy trì mức ổn định so với thời điểm cuối năm 2019. Chỉ tiêu huy động vốn riêng ngân hàng đạt gần 269.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh nợ xấu của hệ thống ngân hàng nói chung đều tăng, cũng như có hơn 35.000 doanh nghiệp Việt Nam đóng cửa, giải thể, phá sản vì đại dịch Covid-19 (theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thì tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của MB được kiểm soát chỉ ở mức 1,62% và tỷ lệ nợ xấu riêng ngân hàng là 1,46%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu riêng MBBank là 107%.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I của ngân hàng đạt 2.196 tỷ đồng, tương đương 91% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu thuần tăng 16% so với quý I/2019, đạt 6.339 tỷ đồng; thu nhập từ phí dịch vụ ở mức 745 tỷ đồng, tương đương 98% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí trên doanh thu (CIR) hợp nhất ở mức thấp 32% và riêng lẻ 29%.
Với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 từ quý I, đại diện MB Bank dự báo quý II sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn cho các ngân hàng cũng như các doanh nghiệp. Quý III và quý IV được kỳ vọng là thời điểm thị trường phục hồi mạnh mẽ, tạo cơ hội phát triển cho ngành ngân hàng và các ngành nghề khác.