Chị Đỗ Hương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) làm kế toán cho một khách sạn nhỏ tại Hà Nội, 2 năm nay vì dịch bệnh, chị bị giảm lương.
Chị dự định mở cửa hàng kinh doanh gạo và nông sản sạch, đặc sản vùng miền để có thu nhập.
"Với số tiền khoảng gần 1 tỷ đồng, tôi tính sẽ thuê cửa hàng ở những khu đô thị lớn, nơi tập trung đông dân cư nhu cầu sẽ cao, nếu có lượng khách hàng quen thì nguồn tiêu thụ sẽ ổn định.
Tiền thuê mặt bằng ở những khu chung cư sẽ có mức giá khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Tôi có có quen mối sẵn nguồn nhập gạo, còn một số mối hàng nông sản, đặc sản vùng miền dự tính sẽ làm trực tiếp với những nhà vườn, trang trại để nguồn cung được chủ động, dồi dào.
Sau khi phát triển và đi vào hoạt động ổn định cửa hàng đầu tiên, tôi sẽ tiếp mở rộng thành chuỗi 3-4 cửa hàng. Khi ấy, sẽ thuê người quản lý từng cửa hàng, cũng như nhân viên bán hàng", chị Hương chia sẻ kế hoạch của mình.
Tuy nhiên, chị Hương đang lo lắng bởi chồng chị chưa thực sự ủng hộ ý tưởng của chị. "Chồng tôi cho rằng tôi quá liều khi mang hết cả số tiền tiết kiệm gần tỷ bạc của vợ chồng mang đi kinh doanh mảng mà cả hai đều chưa có kinh nghiệm gì.
Anh ấy nói rằng, ở những khu chung cư bình dân, chủ yếu là những cặp vợ chồng trẻ họ thường tận dụng nguồn thực phẩm cũng như gạo từ quê gửi lên; còn ở những khu chung cư cao cấp thì siêu thị sẵn ngay trong nội khu hoặc tầng thương mại, sẽ khó cạnh tranh nếu mở cửa hàng đơn lẻ.
Hơn nữa, mở cửa hàng gạo, nông sản, đặc sản vùng miền ngoài chuyện phải có kiến thức căn bản về các loại thì còn phải có nguồn cung nguyên liệu dồi dào, đảm bảo chất lượng và uy tín hàng hóa để thu hút người tiêu dùng", chị Hương nói.
Để chứng minh sản phẩm mà mình bán là thực phẩm sạch và người mua họ tin tưởng không phải điều đơn giản. Việc bảo quản thực phẩm sạch cũng gặp rất nhiều khó khăn, rồi xử lý những sản phẩm không bán hết trong ngày...
Thêm vào đó, việc thuê mặt bằng, nhân công, điện nước… là những khoản chi thường xuyên, đều đặn phải chi trả hàng tháng mà khi mở cửa hàng. Mỗi tháng vài chục triệu đồng cho những khoản chi này cũng không phải là ít, mở cửa hàng ra mỗi ngày chi phí mất tiền triệu, thì liệu thu hồi vốn và lãi được bao nhiêu?
Về vấn đề này, theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, việc mở cửa hàng kinh doanh nông sản tuy dễ mà khó, khó nhưng mà lại dễ.
"Một tỷ đồng có thể kinh doanh tốt nhưng làm thương mại cũng giống như làm dâu trăm họ, phải bám đến cùng và quyết tâm mới được.
Bất cứ thời điểm nào cũng có thể kinh doanh mặt hàng này, tuy nhiên để mở chuỗi cửa hàng nông sản bài bản, lâu dài thì phải có kế hoạch rõ ràng.
Vị trí mở cửa hàng rất quan trọng, quyết định đến việc cửa hàng đông khách hay không. Vì vậy cần chọn kỹ vị trí", ông Phú cho hay.
Theo phân tích của ông Phú, “điều kiện để mở các cửa hàng nông sản cần phải có nguồn cung đều, ổn định và chất lượng; giá cả cạnh tranh. Cùng với đó, cần xác định thương hiệu của mình để khách hàng tin tưởng, huấn luyện nhân viên bán hàng để chăm sóc khách hàng. Giá cả cần niêm yết rõ ràng, có chính sách đổi hàng, bảo hành cho hàng hóa nếu có vấn đề gì. Sản phẩm nông sản bán cần có bao bì đóng gói có thể truy xuất nguồn gốc được thì khách hàng mới yên tâm”.
Điều quan trọng hơn theo ông Phú, khi mới mở cửa hàng nông sản có thể bị lỗ trong quý đầu tiên, ít nhất 6 tháng mới có thể hòa vốn. Mở thì dễ nhưng để duy trì được cửa hàng thì cần có cách làm, chẳng hạn, cần phải có những kênh thông tin để có thể tiếp nhận được ý kiến khách hàng, phát hiện được nhu cầu của người tiêu dùng xem hàng hóa của mình có phù hợp và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng hay không….