Ngăn chặn lợi dụng chính sách hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Dịch vụ du lịch, bán vé máy bay bị thiệt hại nặng bởi COVID-19. Ảnh: Trung Nguyên/Báo Tin tức.

Thông tư 03 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Nhằm tránh xảy ra hiện tượng tranh thủ chính sách hỗ trợ để tái cơ cấu nợ cho cả các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng bởi COVID-19, NHNN đã bổ sung một số quy định về điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi; quy định về phân loại, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo hướng chặt chẽ hơn.

Tại Thông tư 03, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi được áp dụng với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; số nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày ơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ thực hiện đến ngày 31/12/2021.

Theo NHNN, mốc thời hạn 31/12/2021 được tính toán phù hợp với tiến độ mua và triển khai tiêm vaccine tại Việt Nam, theo đó, các hoạt động của người dân và doanh nghiệp dần trở lại bình thường. “Việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Với ngân hàng thương mại - NHTM, việc ban hành Thông tư 03 sẽ có nhiều tác động tích cực trong ngắn và dài hạn”, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết.

Để đảm bảo triển khai hiệu quả Thông tư 03 ngay khi có hiệu lực từ ngày 17/5, lãnh đạo NHNN đề nghị các ngân hàng thương mại (NHTM) cần sớm ban hành quy định nội bộ về việc cơ cấu lại, giãn nợ, miễn, giảm lãi suất để thống nhất trong toàn hệ thống, tránh xảy ra tình trạng trục lợi, gây rủi ro cho hệ thống.

Một quy định đáng chú ý nữa tại Thông tư 03 là TCTD sẽ quyết định miễn, giảm lãi suất và phí theo quy định nội bộ đối với dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Có ý kiến băn khoăn, nếu để các ngân hàng tự quyết, khả năng ngân hàng không tự nguyện hỗ trợ khách hàng.

Đề cập tới vấn đề này, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, quan hệ vay vốn giữa người dân, doanh nghiệp với ngân hàng là mối quan hệ “cộng sinh”. Khách hàng làm ăn tốt, trả được nợ ngân hàng mới phát triển tốt. Nếu họ gặp khó khăn mà ngân hàng cố tình làm khó thì chỉ dẫn đến chuyện đổ vỡ, gây thiệt hại cho cả hai bên. Do vậy, ngân hàng luôn tìm các phương án phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng phát triển. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, trường hợp khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ gốc, ngân hàng có thể giảm lãi, thậm chí là miễn. Trường hợp khách hàng kinh doanh khởi sắc, có lãi thì phải trả lãi cho ngân hàng. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, phải bảo vệ cổ đông, bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, cân bằng lợi ích của người vay tiền cho phù hợp.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), các khoản nợ đã bị loại dự thu khi cơ cấu nợ, ngay từ đầu, các TCTD đã phải trích lập dự phòng rủi ro với số nợ chênh lệch và kéo dài trong vòng 3 năm nên áp lực cho các TCTD là rất lớn. “Không có ngân hàng nào muốn lợi dụng cơ chế này để trục lợi”, đại diện VNBA khẳng định. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, đến nay ngân hàng chưa được hưởng chính sách hỗ trợ gì từ Chính phủ, kể cả việc cấp vốn điều lệ với NHTM Nhà nước. Trong khi đó, ngân hàng phải tiết giảm chi phí, cơ cấu nợ, miễn giảm lãi cho vay mới, điều chỉnh kỳ hạn nợ cho vay mới…cho khách hàng và phải loại dự thu đối với khoản nợ đã cơ cấu cho khách hàng.

"Nếu tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ cho ngành ngân hàng bằng cách cho phép khoanh nợ với thời hạn tối đa là 2 năm. Nếu được như vậy sẽ giảm bớt khó khăn cho các TCTD và đảm bảo tính pháp lý khi cho vay mới đối với những khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19”, đại diện VNBA đề nghị.

Về phía ngân hàng khi cho vay mới phải hết sức thận trọng, rà soát và tìm kiếm những khách hàng đảm bảo ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bởi dịch bệnh còn kéo dài. Ngay cả khi đã có vaccine và được sử dụng rộng rãi cũng không thể chủ quan. Các ngân hàng phải nâng cao trách nhiệm khi cho vay, đánh giá hiệu quả dự án, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, chứ không nên lệ thuộc vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 3/2021, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng.

Nguồn Tin Tức TTXVN