Tại các ngân hàng nói chung, việc cho vay trung dài hạn thường hấp dẫn hơn so với cho vay ngắn hạn, do mang lại lãi biên cao hơn.
Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc rủi ro tiềm ẩn cho hệ thống trong tương lai lớn hơn, vì cho vay kỳ hạn càng dài thì rủi ro cân đối kỳ hạn càng cao, nhất là trong điều kiện tỷ trọng tiền gửi ngắn hạn vẫn chiếm chủ yếu trong cơ cấu nguồn vốn huy động nói chung, sức ép huy động theo đó càng lớn.
Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan quản lý cũng đã có nhiều cảnh báo liên quan đến vấn đề này.
Do đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu vốn trung dài hạn lớn và chủ yếu dồn vào hệ thống ngân hàng, khi mà thị trường vốn chưa phát triển mạnh để "chia lửa". Tỷ trọng dư nợ trung dài hạn của nhiều ngân hàng thương mại thời gian qua ở mức cao.
Đứng trước những rủi ro tiềm ẩn cùng những chỉ đạo, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu cân đối lại cơ cấu cho vay, theo hướng giảm dần tỷ lệ cho vay trung và dài hạn.
Khảo sát tại 22 ngân hàng đã công bố BCTC quý II/2019 cho thấy một tín hiệu mới, khi tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trung bình của nhóm đã giảm xuống 54,64%, so với mức 55,33% hồi đầu năm.
Trong đó, có tới 17/22 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này giảm trong 6 tháng đầu năm, với mức giảm dao động từ 0,1 đến 6 điểm phần trăm, tùy từng thành viên.
SeABank là ngân hàng cải thiện tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn mạnh nhất trong kỳ qua khi con số này đã giảm từ 72,93% hồi đầu năm xuống còn 66,86% khi kết thúc quý II/2019, tương đương mức giảm 6,06 điểm phần trăm.
Trong khi đó, dù tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn vẫn còn ở mức khá cao, tới 81,83% nhưng ngân hàng VIB cũng đã có sự cải thiện rõ rệt so với mức 84,9% hồi đầu năm. Đây cũng là ngân hàng có mức giảm nhanh thứ hai trong nhóm khảo sát.
Tương tự, tỷ lệ này ở các ngân hàng TPBank, Sacombank, VPBank cũng có mức giảm lần lượt 3,06 điểm phần trăm, 2,1 điểm phần trăm và 2,01 điểm phần trăm...
Như trên, có thể thấy, dù mức giảm tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trong cơ cấu tổng dư nợ chưa phải lớn, nhưng cũng cho thấy nỗ lực của các nhà băng trong việc cân bằng giữa giảm thiểu rủi ro với mục tiêu lợi nhuận.
Khối ngân hàng tư nhân đang tài trợ vốn trung dài hạn nhiều nhất
Khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trong cơ cấu tổng dư nợ của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân cao hơn khá nhiều so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.
Cụ thể, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trung bình của nhóm này là 56,59%, cá biệt, có ngân hàng cho vay trung và dài hạn chiếm tới hơn 80% tổng dư nợ.
Trong khi đó, ba ngân hàng có vốn nhà nước chi phối có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn/tổng dư nợ thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của nhóm khảo sát.
Cụ thể, BCTC quý II/2019 cho thấy, tổng dư nợ cho vay của Vietcombank ở mức hơn 695 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với đầu năm; trong đó, cho vay trung và dài hạn của ngân hàng ở mức 322 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm và chỉ chiếm 46,36% tổng dư nợ.
Tương tự, tỷ lệ này tại VietinBank đang là 43,52% và tại BIDV chỉ là 36,95%.