Người bán đồ hiệu cũ ở Hàn Quốc tới thời
Trong bối cảnh khó mua đồ hiệu, nhiều tín đồ thời trang đành tìm đến những nơi bán đồ cũ để thỏa mãn đam mê, góp phần giúp thị trường này ngày càng phát triển ở xứ kim chi.
Mua một chiếc túi Chanel ở Hàn Quốc chưa bao giờ khó khăn như hiện tại. Những mẫu túi nổi tiếng như loại nắp gập cổ điển của hãng thời trang này hầu như không bao giờ còn hàng sẵn, khiến người mua còn lại 2 sự lựa chọn: xếp hàng đợi cả đêm trước cửa trung tâm thương mại và hy vọng rằng mẫu túi mình thích sẽ được bán vào hôm sau, hoặc mua đồ đã qua sử dụng trên mạng, theo Korea JoongAng Daily.
Trên chợ đồ cũ trực tuyến Bungaejangter, số hàng hiệu trị giá 13,4 tỷ won (11,2 triệu USD) đã được bán vào tháng 9/2021, chiếm 10% tổng số giao dịch trên trang web trong tháng đó.
Theo Statistica, thị trường đồ cũ đạt 20 nghìn tỷ won vào năm 2020, với các giao dịch mua bán đồ xa xỉ chiếm khoảng 40%. Thị trường này dự kiến tăng 25%, lên 25 nghìn tỷ won vào năm 2021.
Các mặt hàng xa xỉ hiện chủ yếu được giao dịch trên các nền tảng mua bán đồ cũ mới thành lập như Karrot của Danggeun Market và Bungaejangter. Nhiều công ty tên tuổi cũng đang nhanh chân tham gia vào thị trường đang phát triển này.
Quần áo và túi xách được trưng bày tại một cửa hàng do nền tảng chợ đồ cũ Bungaejangter điều hành. Ảnh: Lee So-ah.
Những gã bán lẻ khổng lồ tiếp cận thị trường đồ cũ
Chợ đồ cũ online tạo ra doanh thu thông qua quảng cáo và hoa hồng kiếm được từ người sử dụng dịch vụ thanh toán trên nền tảng. Tham gia vào thị trường này, các nhà bán lẻ lớn kỳ vọng giành được thị phần người tiêu dùng trẻ tuổi và dẫn đầu lĩnh vực đang phát triển.
Dịch vụ thương mại điện tử SSG.com, do Emart sở hữu 50,1% và là một chi nhánh của Tập đoàn Shinsegae, là cái tên mới nhất tham gia cuộc đua. Vào tháng 1, công ty đã thông báo sẽ mở một nền tảng bán lại đồ xa xỉ trong năm nay, hợp tác với một công ty bán đồ cũ trực tuyến, có thể là Bungaejangter.
Signite Partners - một chi nhánh đầu tư mạo hiểm của Tập đoàn Shinsegae do Shinsegae International sở hữu 50% - đã đầu tư một khoản tiền không được tiết lộ vào thị trường đồ cũ vào ngày 11/1. Người phát ngôn Cho Hyung-joo cho biết họ đánh giá cao Bungaejangter vì “có tỷ lệ khách hàng thuộc Thế hệ MZ cao so với các công ty đối thủ".
SSG.com cũng sẽ triển khai dịch vụ bán lại dành riêng cho những khách hàng đã mua các mặt hàng xa xỉ trên trang web này, kết nối họ cho những người có nhu cầu.
Việc mua bán đồ hiệu cũ trên mạng ngày càng phổ biến ở Hàn Quốc. Ảnh: Korea JoongAng Daily.
Lotte, đối thủ của Shinsegae, cũng đang thể hiện sự quan tâm đến thị trường này. Tháng 3/2021, Lotte Shopping đã mua lại 93,9% cổ phần của chợ đồ cũ Joonggonara, với một tập đoàn do Eugene Asset Management đứng đầu với giá 100 tỷ won.
Joonggonara khởi đầu như một cộng đồng trực tuyến vào năm 2003, sau đó được sáp nhập như một công ty đầu tư mạo hiểm trực thuộc Qdillion. Vào năm 2020, các mặt hàng được bán trên trang web và ứng dụng của công ty có trị giá 5 nghìn tỷ won, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
Lotte Department Store, cũng do Lotte Shopping điều hành, đã ký một biên bản ghi nhớ với dịch vụ bán lại giày sneaker Outofstock vào năm 2020, trở thành cửa hàng bách hóa đầu tiên mở cửa hàng đồ cũ tại một trong các chi nhánh của mình.
Ngoài các tên tuổi Hàn Quốc, Vestiaire Collective, một trong những trang web bán hàng thời trang pre-owned (sản phẩm đã được hãng kiểm tra chất lượng nhưng gặp vấn đề hay lỗi phát sinh trong khi xuất xưởng), cũng bắt đầu hoạt động tại Hàn Quốc.
Câu hỏi về độ tin cậy
Phần lớn giá trị của một chiếc túi hàng hiệu nằm ở tên thương hiệu và việc xác minh xem nó có phải hàng thật hay không chắc chắn không dễ dàng nếu chỉ với một giao dịch không chính thức giữa hai cá nhân.
Yêu cầu thẻ nhận diện chính hãng, số seri sản phẩm hoặc hóa đơn, nếu người bán vẫn còn, là một số cách để kiểm tra. Dù đã có các biện pháp tránh hàng giả, Joonggonara đã phải gỡ xuống 26.000 sản phẩm bị làm giả hoặc có thể là hàng giả trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm ngoái.
"Tôi từng cân nhắc mua một chiếc ví Chanel từ một trang web bán đồ cũ trực tuyến, nhưng rồi quyết định không mua vì tôi không thể xác minh xem đó là hàng thật hay không", Ko Yeon-ju (27 tuổi) cho biết.
"Người bán ghi chú rằng sẽ cung cấp thẻ nhận diện chính hãng nhưng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm vì đó cũng có thể là đồ giả. Tôi nghĩ là người mua đành phải tin vào thẻ nhận diện mình được đưa thôi, nhưng tôi quyết định đợi mẫu ví đó được nhập thêm và mua một cái mới".
Không tin tưởng vào những người bán đồ cũ trên mạng, nhiều người trẻ vẫn quyết định đợi và tự đến cửa hàng mua sản phẩm mới. Ảnh minh họa: Reuters.
Trong các giao dịch một đối một này, các công ty lớn đang trở thành bên trung gian. Họ sử dụng giá trị tên tuổi của mình như sự bảo đảm, giúp nhà thiết kế và khách hàng an tâm.
“Trước đây, nhược điểm của giao dịch đồ cũ là không thể hoàn toàn tin tưởng vào người khác và những bất tiện khác trong quá trình bán lại. Nhưng giờ đây, cả nền tảng thương mại điện tử trong nước và quốc tế đều trực tiếp mua các mặt hàng và cung cấp các dịch vụ như đảm bảo xác thực, nâng cao uy tín của sản phẩm", Kim Myoung-joo, một nhà phân tích tại Korea Investment & Securities, cho biết.
SSG.com đã thuê một nhóm chuyên gia để xác minh độ thật giả của các sản phẩm hàng xa xỉ, kể cả những món đồ còn mới tinh, được bán trên trang web. Nền tảng cấp chứng nhận xác thực dưới dạng NFT (Non Fungible Token).
Thị trường tiềm năng?
Với những người mới làm quen, thị trường mua bán đồ hiệu cũ có tiềm năng phát triển nhanh chóng.
"Việc các tập đoàn thống trị thị trường không phải là điều lý tưởng nhưng người tiêu dùng sẽ ít có khả năng mua phải hàng giả hơn khi sử dụng các dịch vụ do các tập đoàn lớn điều hành. Mọi người đã chán ngán việc bị lừa khi mua phải hàng giả và họ sẵn sàng trả thêm một khoản phí cho các tập đoàn để giúp họ mua sắm an toàn", Lee Eun-hee, giáo sư nghiên cứu về tiêu dùng tại Đại học Inha, nhận định.
Các nhà bán lẻ truyền thống như Lotte và Shinsegae là những cái tên quen thuộc với người lớn tuổi. Hình ảnh công ty đáng tin cậy được những cái tên này tích lũy trong thời gian dài cũng sẽ đem lại ích lợi.
“Có nhiều người ở độ tuổi 40 và 50 quan tâm đến việc mua hàng xa xỉ, nhưng không muốn mất thời gian cho việc xếp hàng hoặc lo lắng về việc bị lừa đảo khi mua đồ cũ trên mạng. Nếu các tập đoàn lớn thâm nhập thị trường, làm bên trung gian bán hàng hiệu qua sử dụng một cách đáng tin cậy, thì những người ở độ tuổi 40 và 50 sẽ tích cực tham gia".
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ lớn cũng có thể tiếp tục tiếp cận một cách thận trọng và chỉ cung cấp dịch vụ bán lại thông qua quan hệ đối tác hoặc tập trung vào đầu tư. Đảm bảo tính xác thực của các mặt hàng xa xỉ là một hoạt động kinh doanh thu hút khách hàng, nhưng cũng là con dao hai lưỡi có thể phản tác dụng nếu một sản phẩm giả mạo được phê duyệt nhầm.
Nguồn: https://zingnews.vn/nguoi-ban-do-hieu-cu-o-han-quoc-toi-thoi-post1295260.html