Người Việt khó bỏ thói quen dùng tiền mặt
Tỉ lệ ngời dân Việt Nam dùng tiền mặt để thanh toán vẫn còn rất cao do e ngại các hình thức thanh toán mới qua online. Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt”.
Chỉ không dùng tiền mặt ở một số ngành đặc thù
Theo các chuyên gia nghiên cứu thị trường, tại Việt Nam, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ đạo của người dân trong nước khi mua sắm trực tuyến với 80% số người được hỏi cho biết, họ sử dụng hình thức thanh toán trả tiền khi nhận hàng.
Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo “Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt”.
Tỉ lệ dùng tiền mặt để thanh toán tại Việt Nam vẫn còn rất cao, khi mà nhiều nước phát triển đang ưu tiên không sử dụng tiền mặt. Điển hình như Mỹ, Trung Quốc…với số tiền thanh toán không dùng tiền mặt mỗi năm lên tới hàng ngàn tỷ USD.
Có một nghịch lý là người Việt Nam mua hàng qua mạng rất nhiều nhưng lại chủ yếu là thanh toán bằng tiền mặt.
Ông Lê Hải Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử cho biết, hiện nay có đến 90% người mua hàng qua mạng trả bằng tiền mặt. Một trong những lý do khiến người dân vẫn dùng tiền mặt khi mua hàng qua mạng đó là vì người dân chưa có niềm tin vào việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực đặc thù như hải quan, thuế, điện lực thì tỉ lệ không dùng tiền mặt của người dân khá cao.
Ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện lực TPHCM cho biết, có đến hơn 90% người dân thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt.
Theo ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty Điện lực TPHCM thì tỉ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt tại doanh nghiệp này là 90,51%. Tỉ lệ người dân không dùng tiền mặt khi thanh toán tiền điện tăng dần theo từng năm.
“Muốn người dân hứng thú với việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt thì chúng ta phải phát triển các phương thức thanh toán hiện đại, nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng. Tính đến cuối năm 2018, chúng tôi đã hợp tác với 23 ngân hàng và 9 đối tác để thu tiền điện khách hàng qua gần 2.300 máy ATM và gần 7.000 điểm thu là các phòng giao dịch ngân hàng, các siêu thị tiện ích hoặc qua SMS, Mobile, Internet Banking”, ông Nguyễn Duy Quốc Việt nói.
Các chuyên gia ngành ngân hàng trình bày tham luận tại hội thảo.
Đâu là nguyên nhân?
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế.
Điển hình như việc người dân vẫn chưa thay đổi thói quen dùng tiền mặt và còn e ngại khi tiếp cận với công nghệ thanh toán mới. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thanh toán vẫn tập trung ở khu vực đô thị và chưa vươn tới được khu vực nông thôn.
“Mặc dù hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã tương đối đầy đủ nhưng muốn hình thức thanh toán này đi sâu vào đời sống người dân thì cần phải tiếp tục bổ sung , hoàn thiện các ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động thanh toán và khắc phục một số tồn tại, hạn chế chính mà tôi đã nêu”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Theo các chuyên gia ngành ngân hàng thì một trong những nguyên nhân khiến việc thanh toán không dùng tiền mặt chưa đi sâu sát vào đời sống người dân là do người dân sợ gặp rủi ro trong các giao dịch. Bởi, thời gian qua thường xuyên xảy ra các vụ “bốc hơi” tiền gửi trong ngân hàng, việc này đã khiến một số người dân e ngại.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước.
“Hàng loạt” thay đổi từ Ngân hàng Nhà nước
Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho biết, để đảm bảo an toàn cho các hệ thống công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên rà soát, sửa đổi và ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các tổ chức tín dụng trong việc tăng cường đảm bảo an ninh, bảo mật các giao dịch ngân hàng và hệ thống thanh toán.
“Ngành ngân hàng đang triển khai các nội dung về rà soát, đánh giá rủi ro và triển khai các giải pháp an ninh bảo mật cho toàn bộ vòng đời của một hệ thống thông tin. Chúng tôi cũng trang bị các hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, điều tra gian lận, từng bước tổng hợp, phân tích dữ liệu của khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng các tiêu chí và phần mềm để xác định các giao dịch bất thường dựa vào thời gian, vị trí địa lý, tần suất giao dịch, số tiền giao dịch, số lần đăng nhập sai quá quy định hoặc các dấu hiệu bất thường khác. Xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng để theo dõi, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập, tấn công mạng.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai một số định hướng, giải pháp lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó giúp định hình và từng bước tạo dựng một xã hội không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Cụ thể, ngành ngân hàng sẽ triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết 01, 02 năm 2019 của Chính phủ. Thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn cơ sở QR code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code.
Ngành ngân hàng cũng sẽ nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng và phối hợp với Bộ Tài chính công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng.
Cũng theo ông Nguyễn Kim Anh, thời gian tới sẽ phải đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như: điện, nước, học phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.
Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng sẽ đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS). Áp dụng các công nghệ mới trong thanh toán điện tử tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như mã phản hồi nhanh (QR code) và triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thực hiện một số mô hình thanh toán mới.
Nguồn: Theo Dân trí