Nhiều startup đưa sản phẩm Việt ra thế giới
Nhiều startup lớn mạnh không ngừng phát triển, xây dựng được những tiêu chuẩn như HACCP, ISO, FDA,… đã đưa sản phẩm nông sản Việt Nam đến nhiều thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, EU…
Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vừa tổ chức tọa đàm “Khởi nghiệp xanh - Hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ” với sự tham gia của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp.
Tại tọa đàm, một số bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với những thành công bước đầu đã chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến các dự án sản xuất, kinh doanh gắn với tài nguyên nông nghiệp bản địa.
Với thương hiệu “bánh trái cây cuộn Tư Bông” chị Nguyễn Thị Các Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát (Đồng Tháp), cho biết điều tâm đắc nhất từ khi tham gia cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo năm 2018 đến nay sản phẩm của công ty hầu như có mặt tại ga quốc nội, quốc tế ở các sân bay phía Nam như Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất …Riêng sân bay Cần Thơ sản phẩm chiếm gần 50%.
“Vừa rồi có một khách hàng quen trở về nước Đức hỏi tôi sao thấy trong sân bay có nhiều hàng của công ty, không biết có phải của Tây Cát không…tôi rất tự hào. Thật ra giữa Việt Nam và Thái Lan thì quốc gia này làm truyền thông quá tốt về trái cây sấy. Du khách đi vào sân bay Thái nhiều sản phẩm trái cây sấy và họ làm thương hiệu từ đấy. Với sản phẩm trái cây sau sấy tạo ra bản sắc riêng của Việt Nam” - chị Thủy kể.
Các bạn trẻ khởi nghiệp thành công chia sẻ tại tọa đàm
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, chủ dự án bột rau sấy lạnh ở TP.HCM đạt giải nhất năm 2019 kể, những ngày đầu khởi nghiệp do vốn yếu, năng lực nhỏ không đủ nguồn lực để lấy chứng nhận của EU, Mỹ nên tự đọc trên mạng rồi áp dụng vào xưởng của mình. Trải qua ba năm xây dựng cùng được sự cố vấn của chuyên gia trung tâm BSA nên lấy chứng nhận rất nhanh…
Theo các bạn trẻ khởi nghiệp, để có thể tìm được chỗ đứng trên thị trường, từng bước phát triển bền vững, ngay từ đầu cần sử dụng tài nguyên nông nghiệp bản địa một cách tiết kiệm nhất, thông minh nhất. Đồng thời phải sản xuất theo tiêu chuẩn ngay từ đầu.
Quan trọng hơn, DN khởi nghiệp cần được các tổ chức và các DN lớn hỗ trợ về xây dựng quy trình sản xuất, quản trị DN, xúc tiến thương mại, truyền thông…
Bà Vũ Kim Anh, Phụ trách mạng lưới Câu lạc bộ Sáng tại khởi nghiệp (thuộc BSA), cho biết trải qua 10 năm thành lập thông qua sân chơi là cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp-Đổi mới sáng tạo đã có gần 1.000 chủ dự án, DN khởi nghiệp trên khắp cả nước ra đời.
Nhiều startup lớn mạnh không ngừng phát triển, xây dựng được những tiêu chuẩn như HACCP, ISO, FDA… đã đưa sản phẩm nông sản Việt Nam đến nhiều thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, EU…
Nguồn: plo.vn