Nỗ lực giải cứu Hòa Bình Plaza

Hòa Bình Plaza, nơi kinh doanh lâu năm của cộng đồng gốc Việt - Ảnh: Chụp màn hình WHYY

Cơ quan giải quyết tranh chấp về quy hoạch của TP.Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ, ZBA) quyết định dời phiên phân xử về số phận của trung tâm thương mại Hòa Bình Plaza sang một ngày khác để có thêm thời gian điều nghiên.

Khai trương vào năm 1990 và được coi là một trong những khu chợ Đông Nam Á đầu tiên tại khu vực gồm 3 tiểu bang Pennsylvania, New Jersey và Delaware, Hòa Bình Plaza không chỉ là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều thế hệ người gốc Việt mà còn cho các cộng đồng gốc Á khác như người Hoa, Campuchia, Lào... Tại đây, nhiều cửa hàng đã trở thành địa điểm yêu thích của cư dân miền đông nước Mỹ như nhà hàng tiệc cưới Hai Tien hay tiệm bánh mì Nam Son Bakery từng 2 năm liên tiếp đoạt giải Best of Philly do tạp chí Philadelphia tổ chức.

Các bạn trẻ gốc Việt kêu gọi gìn giữ Hòa Bình Plaza trước trụ sở chính quyền - Ảnh: Chụp màn hình WHYY

Tuy nhiên, hồi đầu năm, chủ sở hữu tòa nhà và khu đất quyết định bán lại cho Công ty phát triển bất động sản Streamline mà không hề báo trước cho các hộ kinh doanh theo quy định. Về phần mình, Streamline dự tính phá dỡ tòa nhà và xây lên 44 căn nhà mới với mức giá “phải chăng” nhằm “thay đổi diện mạo khu vực và đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng”. Khi được hỏi về tương lai của các cửa hàng trong Hòa Bình Plaza, Phó chủ tịch Streamline Steve Kosloski trả lời thẳng thừng rằng công ty này không chịu trách nhiệm. “Họ đều là người thuê hằng tháng chứ không phải lâu dài. Vậy nên việc chọn nơi nào khác để kinh doanh là việc của họ”, ông Kosloski tuyên bố.

“Tòa nhà giống như một trung tâm văn hóa của người Mỹ gốc Á. Nó là điểm dừng chân đầu tiên cho người nhập cư và nó đã chứng kiến rất nhiều thế hệ đến đây”, tờ The Philadelphia Inquirer dẫn lời ông Ken Hung, sống ở Philadelphia gần 25 năm. Ông chủ họ Chu của Siêu thị Big 8 cho hay doanh thu đã sụt giảm 30 - 40% vì nhiều khách không biết cửa hàng còn mở cửa hay không. Ông đã nhiều lần tìm gặp chủ tòa nhà để bàn bạc nhưng bị từ chối. “Đây là một nơi có tính lịch sử. Nếu nhà phát triển quyết định xây nhà ở tại đây, văn hóa và lịch sử của chúng tôi sẽ mãi mãi biến mất khỏi thành phố và cộng đồng”, ông Chu nói.

Mặt khác, theo Đài WHYY, nhà của Streamline có giá từ 240.000 USD nhưng thu nhập trung bình của một gia đình 4 người tại Philadelphia chỉ là 39.000 USD. “Họ nói rằng việc phát triển này nhằm cải thiện thành phố nhưng bao nhiêu người sẽ nhận được sự giúp đỡ? Một hay hai, hay một gia đình? Con số đó không so được với lượng người mà tòa nhà này phục vụ”, bà Ngan Thi Vo, chủ cửa hàng bán sim điện thoại và vé số tại Hòa Bình Plaza, chất vấn.

“Càng nhiều dự án nhà ở với mức giá trên trời xuất hiện dưới vỏ bọc phát triển, thì sẽ càng có nhiều cư dân và chủ cơ sở kinh doanh nhỏ lâu năm bị mất mát. Mất đi Hòa Bình Plaza đồng nghĩa mất những việc làm mà cộng đồng và các hộ kinh doanh đã tạo ra trong 30 năm qua”, VietLead, tổ chức hỗ trợ các vấn đề kết nối cộng đồng gốc Việt tại địa phương, lên tiếng. Hiện chiến dịch “giải cứu Hòa Bình Plaza” do tổ chức này vận động đã thu hút làn sóng ủng hộ mạnh mẽ trên mạng xã hội và đến nay nhận được gần 12.000 chữ ký.

Trong buổi tiếp xúc và lắng nghe ý kiến của những chủ cửa hàng cùng đại diện cộng đồng mới đây, nghị viên thành phố Kenyatta Johnson nói ông không ủng hộ việc xây dựng khiến toàn bộ các hộ kinh doanh bị đẩy ra đường cùng một lúc. “Tôi công nhận những cư dân lâu năm nên có quyền tự do phát triển văn hóa cho khu phố vì những hộ kinh doanh này đã có mặt ở đây ngay cả khi những người khác không muốn đầu tư. Vì thế mà họ nên có tiếng nói đầu tiên về những điều sẽ xảy ra với tòa nhà”, The Philadelphia Inquirer dẫn lời ông Johnson phát biểu.

Với việc dự án của Streamline bị người dân, các tổ chức cộng đồng có tiếng nói trong quy hoạch và một số quan chức phản đối, ZBA hoãn đưa ra quyết định để các bên có thời gian đàm phán thêm. “Điều đó đồng nghĩa nhà phát triển sẽ phải gặp gỡ cộng đồng, cư dân, các hộ kinh doanh để đàm phán. Mọi thứ vẫn chưa kết thúc”, bà Duong Nghe Ly thuộc VietLead khẳng định.

Vi Trân

Nguồn: Báo Thanh Niên