NSƯT Nguyễn Hải: “Tôi trầm luân, vất vả, bươn chải... từ bé”
Mặc dù trên phim ảnh, NSƯT Nguyễn Hải luôn gây ấn tượng với những vai “ông chủ”, “trùm xã hội đen” hoặc “tội phạm”... nhưng nam nghệ sĩ lại thú nhận anh trầm luân, vất vả, bươn chải... từ tấm bé.
Vai Cấn - động chủ Thiên Thai trong bộ phim “Quỳnh búp bê” là một vai phản diện đang gây nhiều ấn tượng với khán giả truyền hình. Để vào vai này, anh đã gặp những khó khăn gì không?
Tôi nhận được kịch bản “Quỳnh Búp bê” là do một người bạn giới thiệu. Sau khi nhận được kịch bản, tôi được đạo diễn Mai Hồng Phong và NSƯT Đỗ Thanh Hải cho casting.
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc vì sao tôi đến một người “nhẵn mặt với phim ảnh” như tôi vẫn phải casting nhưng tôi nghĩ đó là điều nên làm khi muốn tìm ra người phù hợp nhất với vai diễn. Nếu làm đạo diễn tôi cũng sẽ làm thế để chắc chắn tìm ra người tốt nhất. Mặc dù vai Cấn được đạo diễn, đồng nghiệp, bạn bè... đánh giá thành công nhưng tôi tin nhất ở sự đánh giá của khán giả.
Phải nói rằng, 7 năm qua tôi không đóng phim được vì bận bịu với vai trò quản lý ở Đoàn kịch Công an nhưng không nghĩ công nghệ làm phim bây giờ đã thay đổi đến thế. Tôi thực sự bỡ ngỡ khi quay trở lại đóng “Quỳnh búp bê”. Đứng trước ống kính, tôi hoàn toàn bị lạc nhịp.
Phim thu tiếng trực tiếp nên lấy được cả hơi thở của nhân vật và đó là quả là một thử thách rất lớn đối với người lâu không đóng phim như tôi. Nếu trên sân khấu mà lỡ nhịu miệng nói sai một lời có thể cho qua nhưng phim thu tiếng trực tiếp mà bị sai một lời phải quay lại ngay.
Tôi phải mất mấy ngày mới bắt nhịp được với đoàn làm phim. Tiếc rằng, khi tôi bắt đầu quen với cường độ làm phim thì vai của tôi lại hết cảnh. Tôi bảo “Chán quá, phim hơi ngắn” (cười).
Phải nói rằng, khi tham gia bộ phim này, tôi và đạo diễn Mai Hồng Phong làm việc với nhau rất vui vẻ. Có nhiều lúc quát nhau nhưng bình thường thì cũng đáng yêu lắm (cười). Có lẽ, đây là lần thứ 3 trong đời tôi được làm việc với đạo diễn thích như thế này. Một đạo diễn có nhiều thành tích, cứng cỏi, chỉn chu trong nghề. Có thể nói ê-kíp diễn viên đóng “Quỳnh búp bê” diễn rất tốt, chịu hy sinh vì vai diễn.
Cấn trong phim là một “ông trùm” mưu mô, xảo trá, thủ đoạn… và cũng rất tàn nhẫn. Anh cảm nhận như thế nào về vai diễn này?
Cấn là nhân vật không giống với những vai phản diện trước đây tôi từng đóng. Lão là chủ nhà hàng kiêm buôn bán người có tổ chức đàng hoàng. Từ nhận đầu vào đến bàn giao cho khách đều được vận hành theo một quy trình cực kỳ tinh vi và xảo quyệt.
Bối cảnh gia đình lão không ra gì khi vợ chết vì ma túy và bản thân lão “buôn bán người” nhưng lại luôn muốn đứa con trai duy nhất là Phong trở thành người tử tế. Vì thế lão mới khắt khe với Phong. Tuy nhiên, những gì lão cố gắng không thể làm thay đổi bản tính của Phong vì môi trường sống lẫn lối sống của bản thân lão với vợ lão đã khiến con trai hư hỏng.
Đây là một dạng nhân vật phản diện đa chiều tâm lý. Tâm lý này tôi phải phân tích kỹ để diễn đạt. Tôi đầu tư mua sắm quần áo, đạo cụ, phục trang... rồi chụp ảnh nhờ đạo diễn duyệt để tạo ra hình ảnh nhân vật của mình gần gũi với thực tế đời sống.
Thực ra, nếu để lột tả hết những mặt trái của xã hội qua vai diễn này thì tôi chưa thỏa mãn lắm đâu. Cho thang điểm tối đa là 10 điểm thì tôi chỉ dám nhận 6 - 7 điểm thôi. Nếu được thoải mái và đủ điều kiện sáng tạo hơn thì vai diễn sẽ còn tốt hơn.
Tôi thấy “Quỳnh búp bê” là một bộ phim rất gần với đời thực. Bộ phim đã đi sâu vào khai thác những mảng tối của đời sống xã hội hiện nay. Ở nơi nào đó những câu chuyện trong phim vẫn đang xảy ra hàng ngày. Chuyện các cô gái trẻ bị ở những vùng nông thôn bị người lớn lạm dụng tình dục hoặc bị bọn buôn người dụ dỗ bán cho các động mại dâm... báo chí cũng đã phản ánh rất nhiều.
Tất nhiên bộ phim không phải là bản chất xã hội của chúng ta nhưng cũng đã chỉ ra những góc khuất, những điều đang tồn tại, những yếu kém về công tác quản lý của một lĩnh vực nào đó.
Nhiều người bảo, có những diễn viên cứ lên phim là lại đóng phản diện. Anh có sợ rằng, mình đóng phản diện nhiều quá sẽ “cùn nghề”, không còn sự mới mẻ mà sáng tạo?
Trên lý thuyết thì tư duy mà cũ sẽ bị mòn nhưng tôi đâu có cũ. Tôi luôn ý thức trong việc không lặp lại cái cũ.
Có duy nhất cái áo con hổ tôi quay từ “Chạy án” đến mới đây sử dụng lại trong “Quỳnh búp bê”. Đây là cái áo trong kho tư liệu tôi tự sản xuất. Hình thức cái áo giống nhau nhưng nội tâm khác nhau. Trong xã hội rất nhiều người mặc comple nhưng không phải ai mặc comple cũng tốt. Có tội phạm mặc comple.
Như vậy bộ quần áo không có tội, comple từ hàng trăm năm nay nên tôi mặc qua các phim không ai nhớ. Còn cái áo tôi in con hổ nó ôm cổ tôi, nó thò đầu bên trái, cái đuôi bên phải.
“Chạy án” là thông điệp tôi yêu con hổ, tôi biến nó thành người bạn. Còn ở đây, tôi muốn nói một con ác thú nằm trong nhà mình là chủ quán Thiên Thai. Nó đang chăn dắt, vồ những con mồi non bị bán vào đấy. Nó huấn luyện cho làm nghề, kiếm tiền cho nó. Mỗi nhân vật đều được lột tả thông qua bộ quần áo nhưng quần áo vẫn chỉ là cây cầu nối, một phần của nhân vật.
Nhiều người cũng rất sợ đi theo con đường mòn của vai diễn. Tôi cũng đang mong muốn đổi chất nhưng chưa đạo diễn nào dám mời tôi đóng chính diện, trong khi hàng loạt vai phản diện của tôi đã được khán giả ghi nhận. Có thể mức độ thành công khác nhau nhưng điều quan trọng nhất là khán giả nhìn thấy mặt lại ấn tượng: “Lão này lại đóng vai đểu hoặc chỉ đểu mà thôi”.
Như vậy là trời sinh ra khuôn mặt đểu ấy rồi. Tất nhiên trái ngược với tôi ngoài đời. Nhưng trách nhiệm của tôi là đã phản ánh cái đểu, cái khốn nạn thì phải phản ánh đến tận cùng của nó.
Anh đã gặp phiền phức gì khi vai Cấn khiến không ít người “nóng mặt” mỗi khi xem phim?
Sự thành công của vai diễn chính là “kích động” được tâm lý của khán giả khiến họ không chịu được mà bộc lộ thái độ của mình ra bên ngoài. Vì lẽ đó mà những người đóng vai phản diện như tôi dù đã lớn tuổi nhưng vẫn có lúc bị gọi bằng “thằng/lão”.
Cách đây không lâu, khi đi qua một quán cà phê dù tôi chẳng quen người ngồi trong quán nhưng người ta vẫn đưa tay ra vẫy “Cấn, Cấn, Cấn…”. Từ khi “Quỳnh búp bê” phát sóng đây là lần thứ 5 rồi tôi bị gọi kiểu “ba que xỏ lá” như thế. Tôi cũng khá khó chịu vì nếu tử tế có thể gọi: “Anh Cấn ơi” hoặc “Diễn viên đóng vai Cấn ơi, tôi mời anh vào uống nước”, lúc đó tôi sẵn sàng ngay.
Có bao giờ anh cảm thấy chạnh lòng khi diễn viên đóng chính diện thường nhận được sự yêu mến của khán giả, còn những diễn viên đóng phản diện lại thường bị ghét?
Có chứ. Trong tâm trí, mình là người hướng thiện, luôn muốn nói toạc hết những mặt xấu xa của cuộc đời này ra. Tôi cũng đang thèm được đóng những vai khác đi nhưng đạo diễn nào dám cùng tôi nhào nặn cho một nhân vật xấu thành chính diện.
Nhiều đồng nghiệp trêu bảo tôi nên đi thẩm mỹ viện để làm vai chính diện nhưng tôi nhất quyết không phá tướng, mạt vận chứ đùa. Cha mẹ cho thế nào tôi để nguyên thế. Tôi thích loại vai này, khẳng định mình hợp với nó và nhiều người cũng phát hiện ra ở tôi đó là khuôn mặt dành cho điện ảnh, dành cho vai phản diện.
Có thể, do tôi trầm luân, vất vả từ bé. Hoàn cảnh gia đình buộc mình phải bươn chải, vật lộn để rồi có nhiều vốn sống, sống được nhiều mảnh đời. Vốn sống ấy tự nhiên ăn vào hình thể của tôi. Ở cái dáng đi khuỳnh khuỳnh, ở cả khuôn mặt gồ ghề của mình.
Dẫu thế nào, tôi vẫn có một tình yêu lớn cho dạng vai phản diện. Tất nhiên, tôi đã yêu thì yêu tất, kể cả vai phản diện hay chính diện, kể cả vai chính lẫn vai phụ, không có số phận.
Xã hội không có cái xấu thì người tốt đấu tranh với ai? Xấu và tốt là hai mặt của vấn đề, cái xấu càng lột tả đầy đủ bao nhiêu thì cuộc đấu tranh của cái tốt càng mới giá trị bấy nhiêu.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Theo Dân trí