Nước mắt người Việt tha hương trong vở kịch 'Sài Gòn'

Tác phẩm kể câu chuyện đa âm sắc về tâm tư của những người Pháp - Việt có cuộc sống bị giằng co giữa quá khứ, thực tại.

Sân khấu Nhà hát Bến Thành, TP HCM tối 21-22/9 chật kín với hơn 1.000 khán giả Việt, Pháp thưởng thức tác phẩm Sài Gòn lần đầu diễn tại Việt Nam. Vở kịch mở màn với bối cảnh nhà hàng Việt ở Pháp. Những cụ ông, cụ bà từng là người Sài Gòn ngồi trò chuyện rôm rả. Cạnh đó, cậu con trai người Pháp (Antoine) lúng túng vì không hiểu mẹ (bà Linh) và những người xung quanh nói gì. Rồi anh cãi nhau với mẹ bằng tiếng Pháp, còn bà trả lời bằng tiếng Việt. Phân cảnh lột tả sự bất đồng văn hóa, ngôn ngữ diễn ra giữa hai người thân yêu trong gia đình.

Thời gian trong tác phẩm được xây dựng quanh hai mốc chính. Năm 1956 là thời hạn chót người Pháp buộc phải rút khỏi Việt Nam sau thất bại ở trận Điện Biên Phủ. Năm 1996 là thời điểm Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ, nhiều Việt kiều bắt đầu về nước, nối lại sợi dây liên hệ với quê hương vốn bị gián đoạn do yếu tố lịch sử. Để tô đậm tính thời cuộc, êkíp để kịch diễn ra trong bối cảnh chính, đó là nhà hàng tại Sài Gòn vào năm 1956 và tại quận 12 (Paris) vào năm 1996, nơi có nhiều người Việt tha hương đến sinh sống.

Khán giả lần lượt chứng kiến nhiều câu chuyện thầm kín của những người từng trải qua các giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt - Pháp. Đó là hai người Việt yêu nhau mà phải chia ly vì yếu tố chính trị (Mai - Hào), một cô gái Việt yêu anh lính Pháp (Linh - Edouard), một người mẹ đau khổ tột cùng vì con trai mất khi sang Pháp làm việc với ước vọng đổi đời... 

* Trích đoạn trong vở kịch "Sài Gòn"

Trích đoạn trong kịch 'Sài Gòn' 
 
 

Kịch có nhiều phân đoạn rất đời. Sang Pháp, Hào đau đớn khi biết Mai - người yêu mình - đang chết dần chết mòn ở nhà vì nhớ anh. Còn Linh, dù bỏ lại tất cả để đi theo tiếng gọi của tình yêu, điều cô nhận lại là những bẽ bàng, chua xót nơi xứ người. Cao trào của tác phẩm là phân cảnh Linh (thời trẻ) và anh lính Pháp cử hành hôn lễ tại nhà hàng người Việt quen thuộc. Nụ cười của cô hòa với nước mắt vì không có ai trong gia đình chồng đến chúc phúc, trừ cô bạn Pháp và hai phụ nữ làm việc tại đây. Linh không lường được sẽ sống trong một căn nhà nhỏ xíu với Edouard - một người lính thực dân hồi hương - ngày càng bê tha vì không nhận được tiền trợ cấp hậu chiến. Với vốn tiếng Pháp hạn chế, cô càng khó diễn đạt trọn vẹn nỗi khổ đau.

Bối cảnh của vở kịch là một nhà hàng của người Việt ở Pháp. Những người chủ tha hương đã bài trí theo một phong cách rất Việt Nam để thể hiện nỗi nhớ nhà của mình. 

Bối cảnh của vở kịch là một nhà hàng của người Việt ở Pháp. Những người chủ đã bài trí nơi này theo phong cách Việt Nam để thể hiện nỗi hoài hương.

Những thân phận ấy cứ sống mãi cuộc đời như thế cho đến khi Hào và những Việt kiều được về thăm quê hương vào năm 1996. Niềm hy vọng, sự kết nối giữa quá khứ và tương lai bắt đầu rộng mở, dù vẫn còn nhiều khó khăn, e ngại. Chẳng hạn, nhân vật Linh ở 40 năm sau kiên quyết không về nước, vì sợ sẽ không được đón tiếp, bị chối bỏ. Qua những đoạn thoại thẳng thắn của nhân vật, đạo diễn Caroline Guiela Nguyen không ngại động chạm đến câu chuyện "ít khi được nhắc đến" của nhiều người Việt di cư sang Pháp sau chiến tranh. 

Chàng trai Pháp có nửa dòng máu Việt rất yêu mẹ, nhưng giữa họ luôn có khoảng cách bởi bất đồng ngôn ngữ, văn hóa.

Chàng trai Pháp có nửa dòng máu Việt rất yêu mẹ, nhưng giữa họ luôn có khoảng cách bởi bất đồng ngôn ngữ, văn hóa.

Với Sài Gòn, đạo diễn gốc Việt chọn cách cùng các diễn viên sáng tác kịch bản theo phương pháp ứng tác. Không có một kịch bản chi tiết, các diễn viên đã ứng biến trên sân khấu và tự đặt lời thoại cho nhân vật. Nhờ vậy, 11 diễn viên Pháp và Việt đều đủ "đất" để thỏa sức thể hiện nhân vật. Bên cạnh dàn diễn viên nhiều kinh nghiệm diễn xuất, lớp diễn viên trẻ vào vai Mai, Linh, Lam... thể hiện sinh động hình ảnh những cô gái Việt thời trước. Trong số họ, có người chỉ mới tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM, có người mới theo học diễn xuất ba tuần thì được đạo diễn chọn.

Vở kịch là thành quả của những tháng ngày đạo diễn gốc Việt Caroline Guiela Nguyen đến Việt Nam (năm 2015 và 2016) để tìm hiểu và cảm nhận về nguồn cội. Họ đã quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn những người từng trải qua chiến tranh Đông Dương. Êkíp cũng nghiên cứu về lối sống của cộng đồng người Việt tại Paris. Chẳng hạn, nhà hàng làm bối cảnh trong vở kịch được trang trí bình dân, nhiều màu sắc, có một dàn nhạc để khách Việt kiều hát karaoke. Caroline Guiela Nguyen chọn phong cách này nhằm nhấn mạnh sở thích "khẳng định bản sắc quê hương hơi quá" của nhiều người Việt mở quán ăn tại Pháp.

Linh yêu chồng, nhưng cô tuyệt vọng vì cuộc sống mới không hề đẹp đẽ như nhữnng gì anh lính Pháp hứa với cô khi còn ở Việt Nam.

Linh yêu chồng, nhưng cô tuyệt vọng vì cuộc sống mới không hề đẹp đẽ như nhữnng gì anh lính Pháp hứa với cô khi còn ở Việt Nam.

Vở kéo dài hơn ba tiếng, kết thúc trong tràng vỗ tay không dứt của khán giả. Tác phẩm Sài Gòn lần đầu công diễn ở TP HCM nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt - Pháp. Trước đó, vở được khán giả và giới phê bình chào đón nồng nhiệt tại Liên hoan sân khấu Avignon lần thứ 71 (mùa hè năm 2017). Đoàn kịch liên tục được mời lưu diễn quốc tế, đã đến nhiều thành phố lớn như: Paris, Lyon (Pháp), Berlin (Đức), Amsterdam (Hà Lan), Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), Stockholm (Thụy Điển)... Sau TP HCM, đoàn sẽ đến Rome (Italy), Vilnius (Lithuania) và nhiều thành phố châu Âu.

Vân An


Theo Vnexpress