Quan điểm chi tiêu độc đáo của gia đình 3 người tiêu 50 triệu/tháng
Đầu tư tiền vào những việc có thể đem lại lợi nhuận trong tương lai rồi mới tính đến mong muốn ở hiện tại.
Gia đình chị Thu Hiền (hơn 30 tuổi) gồm 3 thành viên, hiện đang sinh sống ở Hà Nội. Chị cùng chồng đều đang là chủ doanh nghiệp do vậy thu nhập không cố định, tính trung bình mỗi tháng khoảng hơn 100 triệu đồng.
Chị Thu Hiền - Ảnh: NVCC
Thu Hiền chia sẻ rằng hiện nay gia đình chị không có khoản nợ nào. Các khoản chi tiêu sẽ được phân ra cho sở thích và nhu cầu. Khoản chi lớn nhất là cho con và phục vụ công việc của 2 vợ chồng.
Trong đó những chi phí sinh hoạt cơ bản như điện nước, Internet rơi vào 3 triệu/tháng. Mỗi tháng, gia đình chị sẽ chi 5 triệu cho xăng xe và điện thoại, ăn uống là 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, mỗi tháng mua sắm đồ dùng gia đình là 5 triệu, thăm hỏi lễ biếu chiếm 2 triệu và chi tiêu cá nhân là 10 triệu đồng. Khoản chi lớn nhất là học phí, đồ dùng cho con khoảng 15 triệu/tháng. Tổng số tiền chi tiêu của gia đình là 50 triệu đồng.
Chị ước tính rằng mỗi tháng gia đình sẽ tiết kiệm được 50% thu nhập. Trong các khoản mua sắm hàng ngày, Thu Hiền thường sẽ cân 2 tiêu chí để mua đó là "có đáng" và "có thích" hay không. Những dịp lễ giảm giá, thường nhiều gia đình sẽ mua sắm nhiều hơn, song gia đình Thu Hiền vẫn giữ nguyên tần suất như cũ, không có thay đổi.
Ảnh minh họa - Pinterest
Hiện nay cả Thu Hiền và chồng đều đang là chủ của doanh nghiệp nhỏ, do đó thu nhập không cố định, không có lương và thường sẽ dựa vào khoản lợi nhuận từ công việc kinh doanh. "Việc lập kế hoạch tài chính thì theo mình sẽ đúng với những bạn có thu nhập cố định. Cao hay thấp không quan trọng nhưng 1 khi thu nhập cố định thì chúng ta cần có những chi tiêu cố định".
Thu Hiền nhấn mạnh rằng, mục tiêu đầu tiên mà mỗi gia đình hoặc cá nhân trong kế hoạch tài chính của mình là có một khoản tiết kiệm đề phòng rủi ro. Số tiền tích lũy này phải đủ lo cho cho bản thân và gia đình được 6 tháng nếu bất ngờ mất việc. Chẳng hạn, nếu thu nhập 1 tháng 20 triệu thì nên có 120 triệu tiền phòng thân. Tiền này là để gia đình hoặc các cá nhân có 6 tháng không phải quá lo lắng việc tiền nhà - xe - ăn uống, và 6 tháng này bạn có thể đi tìm 1 công việc mới.
Ảnh minh họa: Pinterest
Ngoài ra, trong kế hoạch chi tiêu, có 1 điều Thu Hiền nhấn mạnh rằng mỗi người cần lập ngân sách đúng cách là khoản "Ăn-Mặc".
Về khoản "Ăn", quan điểm của Thu Hiền, đôi lúc, thực chất là ăn chính là cách tốt nhất để ngoại giao - giao tiếp xã hội. Nhiều người cho rằng không nên chi quá nhiều tiền để ăn ngoài, song cô cho rằng quan điểm này không đúng hoàn toàn 100%. Bởi vì đi ăn và giao tiếp với những người có thể giúp mình tiến bộ trong sự nghiệp hay học được nhiều về kiến thức, rất xứng đáng với khoản tiền đã bỏ ra.
"Chỉ sau khi làm được những điều này, dùng việc 'ăn' để có những mối quan hệ tốt hơn, phần tiền dư mới nên dùng cho các cuộc vui chơi cá nhân. Đây là việc khó và cũng phải tùy tính cách mỗi người mới làm được. Nhưng người xưa đã có 1 câu nói: Tính cách quyết định vận mệnh, mỗi người nên cân nhắc hướng đi phù hợp cho khoản ngoại giao".
Bên cạnh đó, về khoản chi tiêu cho quần áo. Thu Hiền cho rằng hãy luôn ăn mặc giống như công việc bạn muốn có tiếp theo. Về cơ bản, nếu bạn là phó phòng và muốn được lên trưởng phòng - hãy mặc quần áo chỉnh tề như 1 người trưởng phòng. Đừng mặc như nhân viên và cũng không mặc như Tổng giám đốc hay Chủ tịch. Đầu tư xứng đáng vào vẻ bề ngoài để có thể được coi trọng và có cơ hội lên chức ngắn nhất. Chức vụ đi liền với thu nhập, hãy tái đầu tư vào bản thân một cách đúng đắn để có thể tăng thu nhập của mình.
Nguồn: phunuvietnam.vn