Hiện trên cả thị trường có 27 ví điện tử nhưng hơn 90% thị phần thuộc về 5 đơn vị lớn nhất, đều có tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 30- 90%.
Fintech khát vốn ngoại
Fintech là một lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng- Đại học Quốc gia TP.HCM (VNUHCM-IBT), hiện có hơn 154 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam. Trong đó, 37 công ty hoạt động trong mảng thanh toán, 25 công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay; 22 công ty làm về Blockchain, Crypto & Remittance.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện Việt Nam vẫn chưa có một hệ sinh thái Fintech rõ ràng. Đặc biệt, vốn luôn là vấn đề sống còn đối với các Fintech. Ngay cả những Fintech đã thành danh trên thị trường cũng luôn khát vốn để đầu tư theo kịp với sự thay đổi chóng mặt về công nghệ.
Thế nhưng, đa phần các Fintech đều là các start-up mới gia nhập thị trường, tài sản nhiều khi chỉ là vài chiếc máy tính cùng với ý tưởng công nghệ nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để phát hành trái phiếu, chứ chưa nói tới phát hành cổ phiếu để huy động vốn. Ngay cả khi có đủ điều kiện, thì cũng chẳng mấy nhà đầu tư dám mạo hiểm bỏ tiền vào những doanh nghiệp này. Thậm chí cả các ngân hàng cũng chẳng mặn mà cho vay đối với lĩnh vực khởi nghiệp vì lo ngại rủi ro.
Vì lẽ đó, các Fintech chỉ còn cách “gõ cửa” các quỹ đầu tư mạo hiểm mà đa phần các quỹ này đều đến từ nước ngoài. Ông Nguyễn Bá Diệp- Phó Chủ tịch Công ty Dịch vụ Di động trực tuyến M_Services)- đơn vị vận hành ví điện tử MoMo- từng chia sẻ rằng, để xây dựng và phát triển được một ví điện tử tại thị trường Việt Nam với quy mô khoảng 10 triệu người dùng trong bối cảnh hiện nay cần tới 200 triệu USD. Một khoản tiền lớn như thế, các đối tác đầu tư tại Việt Nam không những chưa sẵn sàng mà cả các nhà đầu tư trường vốn và bền bỉ chịu “lỗ trong kế hoạch” cũng ngại tham gia đầu tư vào các Fintech. Chính vì thế, nguồn vốn đầu tư cho các start-up về Fintech hiện nay đa phần trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài, với lượng vốn dồi dào và thời gian lâu dài.
Không giới hạn
Còn nhớ tại bản dự thảo gần đây, mặc dù NHNN Việt Nam đã nới room vốn ngoại tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lên 49%, thay vì mức 30% như dự kiến ban đầu, tuy nhiên, nhiều tổ chức nước ngoài và cả các chuyên gia vẫn tỏ ra băn khoăn việc giới hạn room ngoại có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của các trung gian thanh toán nói riêng, các Fintech nói chung.
Ông Seck Yee Chung - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ thông tin và truyền thông thuộc Phòng Thương mại Mỹ (Amcham) cho rằng, quy định này sẽ làm hạn chế nghiêm trọng khả năng phát triển của ngành Fintech Việt Nam, nhất là khi các doanh nghiệp trong ngành cần phát triển dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) từ các quốc gia đi trước.
Trên góc độ của một Fintech, ông Phạm Thành Đức – CEO của ví điện tử Momo chia sẻ, hiện có rất nhiều “đại gia” trong khu vực sẵn sàng đốt tiền để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. “Họ không phải là công ty khởi nghiệp giống chúng tôi mà là các đại gia. Họ có những dịch vụ như Grab Pay, AirPay và sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu USD đầu tư vào thị trường Việt Nam”, ông Đức nói và nhấn mạnh, nếu nhà điều hành siết quá chặt hoặc có những quy định không phù hợp thì sẽ bóp chết các Fintech.
Tiếp thu những ý kiến đóng góp này cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; sau khi phân tích, đánh giá các tác động của chính sách này mang lại trong bối cảnh hiện nay, NHNN cho biết sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn room ngoại tại Fintech (49%) vào Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.
Đánh giá cao động thái này của NHNN, một chuyên gia cho rằng lo ngại của cơ quan quản lý về việc các nhà đầu tư nước ngoài thao túng các Fintech là chưa có cơ sở. Bởi bản thân các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ với nhau để chiếm lĩnh thị phần và điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Vì thế, thay vì khống chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, cơ quan chức năng nên kiểm soát hoạt động của các Fintech bằng các quy định kỹ thuật như vốn điều lệ tối thiểu đối với từng loại hình hoạt động.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, việc tạo điều kiện cho Fintech phát triển lành mạnh cũng sẽ tạo áp lực buộc các ngân hàng phải đổi mới hoạt động, đồng thời thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam.