Shark Dũng: Tôi muốn tìm những startup có thể khuynh đảo thị trường

Ở tuổi 40, ông Nguyễn Mạnh Dũng quay về Việt Nam thành lập quỹ đầu tư Do Ventures cùng Lê Hoàng Uyên Vy, cựu CEO ESP Capital và Adayroi.com với mong muốn tìm những người tiên phong, những startup có khả năng khuấy đảo thị trường. Doanh nhân này nổi tiếng với tên gọi Shark Dũng khi tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn Zing, ông Dũng nói rằng công việc của một nhà đầu tư không hào hoa, không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ. Nhà đầu tư phải lăn lộn cùng với startup cả một chặng đường dài để đạt được thành công.

Để đi chặng đường dài đó, ông nói rằng phải làm bạn được với những nhà sáng lập (founder), khi đó mới có thể hiểu, chia sẻ và cùng vươn tới sự thành công của doanh nghiệp.

Shark Dũng: ‘Tôi coi founder là bạn’ Doanh nhân Nguyễn Mạnh Dũng cho biết khi đầu tư vào bất kỳ một startup nào, ông đều coi founder là bạn để hiểu nhau và hỗ trợ hết mình.

- Ở tuổi 40, ông vừa khởi nghiệp với việc thành lập quỹ đầu tư Do Ventures. Khởi nghiệp trong lúc kinh tế suy thoái bởi đại dịch Covid-19, ông thấy cơ hội và thách thức là gì?

- Tôi đã bắt đầu đầu tư và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về công nghệ từ đầu năm 2008. Đến năm 2019, nhận thấy thị trường này đang có rất nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam và cơ hội cho các start up Việt Nam. Ở CyberAgent 13 năm là đủ lâu, tôi tính đến việc hoặc nghỉ ngơi một thời gian hoặc đi theo con đường riêng của mình.

Sau một thời gian thì nhận thấy bản thân còn rất trẻ và muốn đồng hành với các bạn khởi nghiệp nhiều hơn. Vì vậy, tôi và Lê Hoàng Uyên Vy đã trao đổi và thành lập Do Ventures.

Nó ra đời trong bối cảnh có rất nhiều thách thức, kinh tế suy thoái, hạn chế đi lại giữa các nước vì dịch bệnh. Việc tiếp cận các nhà đầu tư rất khó khăn vì không thể đi lại, trao đổi trực tiếp. Việc trao đổi phải thông qua mạng Internet, vì vậy để trình bày cho người ta hiểu và cảm nhận được nhiệt huyết của mình là rất khó.

Tuy vậy, chúng tôi vẫn xúc tiến thành lập quỹ và tiếp tục công cuộc hỗ trợ startup. Chúng tôi gặp thuận lợi là có những đối tác lâu năm hoặc làm việc từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra thì họ vẫn quyết định hỗ trợ Do Ventures.

Chúng tôi cũng nhìn thấy những cơ hội từ khủng hoảng. Điển hình như năm 2008-2009, khi suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra thì trong lúc khó khăn, các nhà khởi nghiệp, luôn nghĩ đến ý tưởng để giải toán giải quyết bài toán của cộng đồng, của người tiêu dùng.

Rất nhiều công ty đã ra đời trong thời kì khủng hoảng. Vì thế, khi nhìn lại thì tôi tự tin ngay cả thời kỳ khủng hoảng thì những founder đang đưa ra những lời giải cho bài toán cộng đồng thị trường. Họ sẽ là những người đi tiên phong để giúp thị trường Việt Nam có những startup lớn mạnh trong tương lai.

- Dịch bệnh đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Ông đã nhìn thấy cơ hội gì từ kinh tế số và làm thế nào để thúc đẩy kinh tế số?

- Tôi thấy rằng kinh tế số là điều đương nhiên lúc này. Có rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển đổi số. Ở Việt Nam, người tiêu dùng phần lớn là trẻ, họ “tech-savvy” nghĩa là hiểu về các sản phẩm công nghệ, tiếp cận và sử dụng nó rất tốt.

Chính phủ thì đang làm rất quyết liệt trong chuyển đổi số, hạn chế thanh toán tiền mặt, các giao dịch điện tử ngày càng phổ biến, việc quản lý dựa trên nền tảng công nghệ đang được diễn ra nhanh chóng…

Ở góc độ vĩ mô, tôi không thấy sự đi sau của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuyển đổi số. Cái chúng ta thiếu là làm sao có nhiều công ty lớn ở Việt Nam, họ có những sản phẩm không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn có thể tiến ra sân chơi quốc tế.

Và để làm được điều đó thì chúng ta cần đầu tư một cách mạnh mẽ. Vốn Nhà nước và vốn tư nhân phải song song với nguồn lực của nhà đầu tư nước ngoài. Về mặt công nghệ kỹ thuật và nguồn vốn thì các nước phát triển vẫn đi trước chúng ta. Vì thế tôi nghĩ Việt Nam nên mở cửa để tận dụng lợi thế từ nguồn lực nước ngoài để công cuộc chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn.

- Tại sao ông chọn Lê Hoàng Uyên Vy để làm công sự của mình?

- Đầu năm 2010, tôi được CEO của Tiki giới thiệu về Lê Hoàng Uyên Vy. Lúc đó Vy đang khởi nghiệp một trang thương mại điện tử về thời trang. Sau đó 2 anh em vẫn giữ liên lạc. Sau khi Lê Hoàng Uyên Vy quyết định rời Adayroi và trở thành CEO Của ESP Capital, chúng tôi có cơ hội hợp tác chung đầu tư nhiều hơn.

Trong thời gian đó, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Tôi và Vy nhận thấy đây là thời điểm tốt để cả 2 có thể làm gì đấy to lớn hơn. Thay vì làm cho tổ chức nào đó thì tôi và Vy cùng xây dựng một quỹ đầu tư cho người Việt Nam không chỉ ở trong nước mà còn cho người Việt ở nước ngoài mong muốn khởi nghiệp.

- Ông đã bày tỏ mong muốn tìm những người “dám khuấy đảo thị trường” khi mới thành lập Do Ventures. Khuấy đảo ở đây nghĩa là gì?

- Khi nói đển khởi nghiệp thì tôi thường nghĩ đến những mô hình kinh doanh mới, những công nghệ mới, hình thức mới mà chưa ai làm, chưa ai sử dụng. Đương nhiên người đi khai phá thị trường luôn chịu nhiều rủi ro và thách thức, xác suất thất bại thường sẽ cao hơn thành công.

Chính vì thế, việc tìm ra người tiên phong có thể khuất đảo thị trường và dẫn dắt cuộc chơi là thứ mà quỹ đầu tư của chúng tôi tìm kiếm trong thời gian tới.

Trước kia, khi tôi đầu tư Foody thì nền tảng giao thức ăn chưa được phổ biến. Sau khi Foody triển khai đã thay đổi hành vi tiêu dùng, thay vì ra ngoài mua đồ ăn thì họ đặt qua ứng dụng. Ở một góc độ khác, các sàn thương mại điện tử thay đổi hành vi tiêu dùng của rất nhiều người.

Tôi đánh giá các lĩnh vực như y tế, giáo dục đang rất mới và có rất nhiều tiềm năng để tìm được những người dám khuấy đảo thị trường.

- Vậy tìm được người có khả năng khuấy đảo thị trường có khó không?

- Mỗi lĩnh vực như thế thì phải tìm từ 5-10 năm. Rõ ràng là có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại điện tử thì tìm được người dẫn dắt cũng chỉ 3-5 năm. Trong các mảng giao thức ăn, thanh toán điện tử thì các công ty dẫn đầu đều phải trả giá rất đắt.

Ở các lĩnh vực logistic, kho hàng, giải pháp quản trị doanh nghiệp thì cũng chưa có người tiên phong. Trong 5-10 năm tới, Do Ventures hy vọng sẽ tìm được người có khả năng tiên phong và hỗ trợ họ, là câu chuyện dài chứ không phải diễn ra trong 1-2 năm.

- Ông từng nói muốn hỗ trợ startup thành công thì ông phải chơi được với họ. Ông chơi với họ như thế nào?

- Nếu tôi đầu tư vào một công ty dù nắm 50% hay 1% thì nếu thất bại tất cả đều về số 0. Ngược lại, dù tôi nắm 1% hay 50% thì thành công của founder cũng chính là thành công của tôi, họ thành công thì tôi mới thành công được.

Tôi nghĩ founder và nhà đầu tư cần chia sẻ với nhau nhiều hơn. Thông qua sự chia sẻ tôi nghĩ ra được chiến lược, giải pháp để có những cách giải quyết vấn đề tốt hơn.

Quan hệ đơn thuần của một nhà đầu tư và một bên nhận đầu tư có những thứ rất khó để chia sẻ. Tôi coi founder là một người bạn để chia sẻ với nhau thoải mái nhất. Khi đó, mọi chia sẻ, ý kiến đều mong muốn tìm đến giải pháp tốt nhất và một hướng đi chung là làm sao cho công ty được thành công.

Tôi luôn đứng trên góc độ founder và tự hỏi startup đang gặp vấn đề gì, có giải quyết như họ không, tôi có làm được như họ không, liệu tôi có thể làm tốt hơn họ không, như thế nào làm vấn đề tốt hơn. Tôi luôn cố gắng đứng trên nhiều góc độ để giải quyết vấn đề, giúp cho startup đến với con đường thành công.

Tất cả công ty tôi đầu tư thì điều đầu tiên là cởi mở, mối quan hệ dựa trên sự tương hỗ, hai bên cùng có lợi và phát triển. Làm sao để làm bạn với anh Dũng thì điều đó phụ thuộc vào đối phương chứ không phải tôi. Vì quan điểm của tôi là đầu tư sẽ đầu tư vào con người, tôi cần thời gian để gặp gỡ, để hiểu họ, để xem đây có phải là người mà mình sẽ hỗ trợ được hay không. Và khi đã hỗ trợ thì sẽ hỗ trợ hết mình.

Có nhiều cách để chúng tôi hiểu nhau hơn, như có thể đi nhậu, đi cà phê, một buổi tiệc BBQ… Khi đó, mọi người thả lỏng và có thể chia sẻ rất nhiều điều, không chỉ là công việc mà còn là ước mơ, tham vọng hay là những thứ rất giản đơn.

- Hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Do Ventures đối mặt với các cuộc cạnh tranh giữa các quỹ đầu tư như thế nào?

- Nếu so với trước đây thì số lượng quỹ đầu tư ở Việt Nam là khá nhiều. Nhưng nếu so với các nước khác cùng quy mô dân số, thị trường thì quỹ đầu tư ở Việt Nam đang còn rất ít. Tôi đánh giá còn rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư khác tham gia thị trường.

Trong lĩnh vực đầu tư khác với các lĩnh vực khác, các quỹ có thể vừa cạnh tranh vừa là bạn. Các nhà đầu tư có thể bắt tay nhau để cùng đầu tư một số công ty hay thương vụ nào đấy. Ngược lại một số quỹ nào đấy cũng cạnh tranh để trở thành nhà đầu tư đầu tiên hay duy nhất. Tuy nhiên, việc cạnh tranh không phải một mất một còn mà diễn ra tế nhị.

Do Ventures là cái tên rất mới trên thị trường nhưng nhà sáng lập thì không còn mới. Với tôi thì 13 năm lăn lội trên thị trường, giúp cho nhiều founder thành công. Lê Hoàng Uyên Vy cũng đã có thời gian lăn lội với nhiều start up ở Việt Nam.

Tôi đã có thời gian dài làm việc với người Nhật hay các quỹ ở Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong…, nghĩa là cơ hội để các start up tiếp cận những mối quan hệ trong khu vực rất lớn. Trong mạng lưới của Do Ventures, các công ty tham gia có cơ hội được hợp tác với những công ty mà tôi từng hỗ trợ. Tôi tin rằng mọi thứ diễn ra nhanh hơn vì mọi người cũng đã biết nhau và chung lý tưởng, đam mê.

Do Ventures có đối tác ở nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… nên cơ hội để năm bắt thông tin thị trường cũng rất nhiều, giúp founder có góc nhìn tổng quan không chỉ riêng ở thị trường Việt Nam. Khi có cái nhìn rộng và bao quát hơn thì con đường đi đến thành công của họ vững vàng hơn.

- Nhiều người nghĩ nhà đầu tư như ông là một công việc hào nhoáng, mới mẻ. Công việc này có hoàn toàn màu hồng hay không?

- Nếu bên ngoài nhìn nhà đầu tư rất hào hoa, giống như một cuộc chơi tài chính. Tôi nghĩ đó là góc nhìn của những người không hiểu. Nhưng với người trong cuộc, một công ty mà muốn giá trị tăng lên thì bản thân công ty đó phải mang lại giá trị gì đó cho người tiêu dùng, cho doanh nghiệp. Sản phẩm dịch vụ đó phải đủ tốt, mà muốn vậy thì phải đầu tư rất nhiều và rất mất thời gian.

Người bên ngoài chỉ nhìn thấy kết quả thôi mà không nhìn thấy quá trình. Quá trình thì rất dài, chúng tôi có thể làm việc thâu đêm với các đối tác ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ban đêm founder muốn nhận một tư vấn nào đó, có thể gọi điện tư vấn ngay.

Công việc của người làm đầu tư mình phải có góc nhìn của chính founder, lăn lộn cùng với founder mới thành công. Chứ không phải đầu tư xong mà để đó.

- Nổi tiếng với tên gọi Shark Dũng, lại rất trẻ trung, phong độ và thành đạt. Khi làm bạn và hỗ trợ rất nhiều founder và start up như vậy, vợ nghĩ thế nào về công việc của ông?

- (Cười) Tôi xin phép không chia sẻ sâu, nhưng vợ tôi rất hiểu cho tính chất công việc của tôi.


Nguồn: Báo Zing