Giới hạn khối lượng và khoảng cách phát hành
Bộ Tài chính đánh giá thị trường TPDN đang tăng trưởng “nóng”. Từ khi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP (Nghị định 163) có hiệu lực thi hành (1/2/2019) đến cuối tháng 11/2019, đã có hơn 650 đợt phát hành TPDN với khối lượng phát hành thực tế là 196.036,5 tỷ đồng. Dư nợ TPDN riêng lẻ phát hành trong nước đến cuối tháng 11/2019 tương đương 10,37% GDP, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Bộ Tài chính, thị trường TPDN đã xuất hiện một số biểu hiện có thể gây rủi ro cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Do đó, cơ quan này đề xuất sửa đổi Nghị định 163 theo hướng nâng cao điều kiện phát hành, giới hạn khối lượng vốn phát hành và khoảng cách giữa các đợt phát hành.
Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi theo hướng phát hành và giao dịch TPDN riêng lẻ chỉ được thực hiện trong phạm vi 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong suốt vòng đời của trái phiếu thay cho quy định hiện hành tại Nghị định 163 là trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành.
Về khối lượng phát hành, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong 11 tháng năm 2019, có 28/177 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, 11 doanh nghiệp phát hành với khối lượng phát hành vượt 50 lần vốn chủ sở hữu, 6 doanh nghiệp có khối lượng phát hành vượt 100 lần vốn chủ sở hữu. Trong số các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng lớn, một số doanh nghiệp không làm rõ mục đích sử dụng vốn và phương án bố trí nguồn thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Nhằm hạn chế rủi ro, Dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện về giới hạn khối lượng phát hành trái phiếu theo hướng doanh nghiệp phát hành phải đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu tại báo cáo tài chính quý gần nhất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu vượt 3 lần vốn chủ sở hữu thì lựa chọn kênh phát hành công chúng với tiêu chuẩn và điều kiện cao hơn, công khai và minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 163 bổ sung: “Đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền, đợt phát hành trái phiếu sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu là 6 tháng và quy định trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản”. Về lãi suất, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định lãi suất phát hành trái phiếu không được vượt quá mức lãi suất theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cần khảo sát kỹ và cân nhắc cách sửa phù hợp
Góp ý về các đề xuất sửa đổi này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng: “Cách tiếp cận sửa đổi về điều kiện và tính công khai, minh bạch của hoạt động phát hành trái phiếu là hợp lý. Bởi, đây là những điểm hạn chế có thể gây rủi ro cho thị trường, song các nội dung sửa đổi cụ thể cần được cân nhắc và tính toán thật kỹ càng”.
Theo đó, cần khảo sát và tính toán cụ thể, đầy đủ về thực trạng nợ và vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp. Từ đó, có quy định hợp lý về khối lượng phát hành, không nhất thiết quy định một con số tỷ lệ cứng nhắc mà có thể khác biệt theo từng ngành, bởi mỗi ngành có tính chất hoạt động khác nhau.
Về trần lãi suất, theo ông Lực, theo Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015: “trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Trong đó, cần xem xét quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng. Theo đó, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng.
Về quy định khoảng cách 6 tháng giữa các đợt phát hành, vị chuyên gia này cho rằng, phải hết sức cân nhắc vì doanh nghiệp phát hành trái phiếu căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng chi trả. Do đó, cách quy định như vậy có thể là quá cứng nhắc và không cần thiết bởi đã có các quy định khống chế khối lượng phát hành.