Tesla đóng cửa văn phòng, sa thải 200 nhân viên làm hệ thống hỗ trợ lái xe Autopilot

Tesla đã đóng cửa văn phòng của mình ở thành phố San Mateo, bang California, Mỹ và sa thải khoảng 200 nhân viên làm việc với hệ thống hỗ trợ lái xe Autopilot ở đó.

Đây là động thái được coi là tăng tốc cắt giảm chi phí của công ty sản xuất ô tô điện Mỹ, theo nguồn tin của Reuters

Nguồn tin của Reuters nói rằng hầu hết những người bị sa thải đều là nhân viên làm việc theo giờ.

Đầu tháng 6.2022, Elon Musk - Giám đốc điều hành Tesla nói với các nhà quản lý hàng đầu rằng ông có "cảm giác cực kỳ tồi tệ" về nền kinh tế và nhà sản xuất ô tô điện cần cắt giảm nhân sự khoảng 10%.

Sau đó, tỷ phú giàu nhất thế giới nói rằng việc cắt giảm 10% sẽ chỉ áp dụng cho những người làm công ăn lương và số lượng nhân viên theo giờ vẫn sẽ tăng lên.

Raj Rajkumar, giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ), cho biết: “Tesla rõ ràng đang ở trong một chế độ cắt giảm chi phí lớn. Điều này có thể cho thấy quý 2/2022 công ty gặp nhiều khó khăn do việc phong tỏa ở Thượng Hải, chi phí nguyên liệu thô tăng và các vấn đề về chuỗi cung ứng".

Các biện pháp chống đại dịch ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc đã làm suy giảm hoạt động sản xuất của Tesla ở đó.

Người bị sa thải nói với Reuters rằng các nhân viên trước đó đã được thông báo rằng sẽ chuyển đến văn phòng ở thành phố Palo Alto, bang California theo từng giai đoạn bắt đầu từ tháng này sau khi hợp đồng thuê tại San Mateo hết hạn. Thế nhưng, hầu hết các nhân viên đã bị cho nghỉ việc từ 28.6.

Một số nhân viên dự kiến Tesla sẽ chuyển một số công việc cho những người lao động có mức lương thấp hơn ở thành phố Buffalo, bang New York, Mỹ để tiết kiệm chi phí.

Tesla không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận về vấn đề trên.

Nhiều người trong văn phòng của Tesla tại San Mateo làm việc dựa trên chú thích dữ liệu - xem xét và dán nhãn các hình ảnh khác nhau được thu thập từ các ô tô điện Tesla để dạy cho hệ thống Autopilot cách xử lý một số tình huống đường xá nhất định.

Một số nhân viên chú thích dữ liệu của Tesla thông báo trên Linkedin hôm 28.6 rằng họ đã bị cho thôi việc.

"Hôm nay thật là một ngày đáng thất vọng. Bản thân tôi cùng với gần như toàn bộ chi nhánh San Mateo tại Tesla vừa bị cho thôi việc", Caeser Rosas, một chuyên gia chú thích dữ liệu, cho biết trên một bài đăng trên Linkedin.

Tesla đã đóng cửa văn phòng ở thành phố San Mateo và sa thải khoảng 200 nhân viên làm việc với hệ thống hỗ trợ lái Autopilot

Trước đó, trang Insider đưa tin nhiều nhân viên Tesla chỉ mới bắt đầu công việc cách đây vài tháng hoặc thậm chí vài tuần đã bị sa thải.

Trong khi đó, những người khác bị rút lại đề nghị nhận việc khi công ty sản xuất ô tô điện Mỹ bắt đầu áp dụng các khoản cắt giảm như Giám đốc điều hành Elon Musk công bố vào đầu tháng 6.

Trang Insider đã tìm thấy một số bài đăng từ các nhân viên Tesla tiết lộ rằng họ bị sa thải như một phần của việc cắt giảm việc làm, còn những người khác bị hủy bỏ lời mời làm việc.

Một giám đốc dự án cấp cao, chỉ mới bắt đầu làm cho Tesla vào tháng 1, nói: "Tôi đã rất sốc khi được thông báo rằng tôi sẽ bị cho nghỉ việc. Là một nhà quản lý, tôi có ấn tượng rằng vị trí của mình là an toàn".

Khi được hỏi về việc Tesla quyết định cắt giảm vai trò nào, anh ấy nói: "Họ nói rằng việc sa thải là dựa trên đánh giá hiệu suất nhưng đó là lời nói dối vì tôi mới làm việc tại Tesla được 5 tháng và vẫn chưa được đặt ra mục tiêu hiệu suất hay đánh giá hiệu suất. Tôi đã hỏi họ sử dụng số liệu nào và họ từ chối cho tôi biết. Quá trình này chắc chắn không công bằng vì tôi không bao giờ được giao cho nhóm mà tôi yêu cầu".

Các nhân viên cũ của Tesla nói thêm rằng "gói thôi việc rất không công bằng, vì về cơ bản họ buộc bạn phải chấp nhận bằng cách đe dọa cắt bảo hiểm y tế".

Hôm 21.6, Iain Abshier cho biết trong một bài đăng trên LinkedIn: "Chết tiệt, chiều 17.6, tôi đã bị Tesla sa thải chỉ sau 2 tuần làm việc".

Robert Belovodskij đã bị hủy lời mời làm việc cho Tesla với tư cách là kỹ sư phát triển điều khiển sản xuất.

Hai cựu nhân viên Tesla đã đệ đơn kiện công ty sản xuất ô tô điện của Mỹ, cáo buộc quyết định sa thải hàng loạt vi phạm luật liên bang do không thông báo trước về việc cắt giảm việc làm.

Vụ kiện đã được đệ trình Tòa án Quận Tây Texas bởi John Lynch và Daxton Hartsfield, hai người nói đã bị chấm dứt hợp đồng với nhà máy gigafactory của Tesla ở cộng đồng dân cư Sparks, bang Nevada, Mỹ vào tháng 6.2022. Theo đơn kiện, hơn 500 nhân viên đã bị chấm dứt hợp đồng lao động tại nhà máy này.

Hai cựu nhân viên Tesla cáo buộc công ty không tuân thủ luật liên bang về việc sa thải hàng loạt, yêu cầu thông báo trước 60 ngày theo Đạo luật Thông báo điều chỉnh và đào tạo lại người lao động, đơn kiện cho biết.

Họ đang tìm kiếm tình trạng khởi kiện tập thể cho tất cả cựu nhân viên Tesla trên khắp nước Mỹ, những người bị cho nghỉ việc vào tháng 5 hoặc tháng 6.2022 mà không được thông báo trước.

"Tesla đã chỉ thông báo cho các nhân viên rằng việc chấm dứt hợp đồng của họ sẽ có hiệu lực ngay lập tức", theo đơn kiện.

Đơn kiện của John Lynch và Daxton Hartsfield, hai người bị sa thải lần lượt vào ngày 10.6 và ngày 15.6, nhằm tìm kiếm tiền lương và quyền lợi trong thời gian thông báo 60 ngày.

Shannon Liss-Riordan, luật sư đại diện cho hai người này, nói với Reuters: “Thật là sốc khi Tesla vi phạm trắng trợn luật lao động liên bang bằng cách sa thải quá nhiều nhân viên mà không cung cấp thông báo bắt buộc”.

Shannon Liss-Riordan nói Tesla sẽ chỉ bồi thường cho một số nhân viên bị sa thải một tuần lương, đồng thời cho biết bà đang chuẩn bị đơn đề nghị khẩn cấp với tòa án để cố gắng ngăn Tesla làm việc này.

Nhiều người ở Tesla có khả năng sẽ phải chịu số phận tương tự, như Elon Musk từng nói tại Diễn đàn Kinh tế Qatar vào tuần trước rằng việc cắt giảm việc làm sẽ có hiệu lực trong 3 tháng tới.

Elon Musk cho biết các nhà máy sản xuất ô tô điện mới của Tesla ở Austin (thủ phủ bang Texas, Mỹ) và Berlin (Đức) đang "mất hàng tỉ USD" khi phải vật lộn để tăng sản lượng vì thiếu pin và các vấn đề liên quan đến cảng Trung Quốc.

"Cả hai nhà máy ở Berlin và Austin lúc này đều là những lò nung tiền khổng lồ. Được chứ? Nó thực sự giống như một âm thanh gầm rú khổng lồ, tức là tiếng lửa đốt tiền", Elon Musk nói trong một cuộc phỏng vấn với Tesla Owners of Silicon Valley (một CLB được Tesla chính thức công nhận).

Elon Musk cho biết nhà máy của Tesla ở Texas sản xuất một số lượng ô tô điện nhỏ vì những thách thức trong việc thúc đẩy sản xuất loại pin 4680 mới của họ và do các công cụ để làm ra pin 2170 thông thường đang "mắc kẹt tại cảng ở Trung Quốc".

"Tất cả điều này sẽ nhanh chóng được khắc phục, nhưng nó đòi hỏi rất nhiều sự quan tâm", ông nói.

Tỷ phú 50 tuổi cho biết nhà máy của Tesla ở Berlin đang ở "vị thế tốt hơn một chút" bởi nó bắt đầu sử dụng pin 2170 truyền thống cho những chiếc ô tô điện được chế tạo ở đó.

Elon Musk nói việc nhà máy ở Thượng Hải ngừng hoạt động liên quan đến đại dịch gây rất nhiều khó khăn.

Theo ông, việc ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất ô tô điện không chỉ tại nhà máy của Tesla ở Thượng Hải mà còn cả nhà máy tại bang California (Mỹ), nơi sử dụng một số bộ phận xe được sản xuất ở Trung Quốc.

"Hai năm qua là một cơn ác mộng tuyệt đối về sự gián đoạn chuỗi cung ứng, hết việc này đến việc khác và chúng tôi vẫn chưa thoát khỏi nó", Elon Musk nhấn mạnh.

Ông nói mối quan tâm lớn của Tesla là: "Làm thế nào để chúng ta giữ cho các nhà máy hoạt động để có thể trả lương cho mọi người và không bị phá sản?".

Nguồn: 1thegioi.vn