Thương hiệu vang bóng một thời: Diêm Thống Nhất khép lại hành trình 63 năm, chuyển hướng làm bật lửa

Diêm Thống Nhất từng là một sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của những gia đình Việt

Thương hiệu quốc dân

Nhà máy Diêm Thống nhất được thành lập năm 1956, là công xưởng sản xuất đầu tiên được xây dựng tại Miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Cùng với các sản phẩm giày của Thượng Đình, cao su Sao Vàng, bóng đèn phích nước của Rạng Đông, quạt điện Thống Nhất… diêm Thống Nhất là sản phẩm đặt nền móng cho nền sản xuất miền Bắc.

Thời kỳ sau chiến tranh, khi hầu hết gia đình Việt vẫn sử dụng bếp than và bếp củi để sinh hoạt, những bao diêm Thống Nhất có giá chỉ 100 đồng đã trở thành sản phẩm không thể thiếu trong sinh hoạt của người dân. Sản phẩm này gần như có mặt trên tất cả các quầy tạp hóa.

Trong thập niên 70-80 của thế kỳ trước, Diêm Thống Nhất từng được coi là niềm tự hào của ngành công nghiệp nhẹ và sản phẩm diêm Thống Nhất chiếm lĩnh gần như 100% thị phần đánh lửa tại Việt Nam.

Không chỉ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước, diêm Thống Nhất cũng đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Trong đó, khách hàng ngoại lớn nhất mua diêm từ Việt Nam Công ty Sincer Match của Malaysia.

Thời kỳ khó khăn

Từ giai đoạn nền kinh tế bắt đầu mở cửa, cũng như nhiều thương hiệu xưa khác, Diêm Thống Nhất cũng bị cạnh tranh gay gắt bởi các sản phẩm tạo lửa từ nước ngoài, đặc biệt là bật lửa Trung Quốc. Khi điện trở nên phổ biến, cuộc sống hiện đại hơn, sản phẩm này cũng dần bị lãng quên.

Năm 1993, Diêm Thống Nhất chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp với tên gọi Công ty CP Diêm Thống Nhất với quy mô hơn 500 lao động. Năm 2002, doanh nghiệp chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với tên gọi Công ty cổ phần Diêm Thống Nhất.

Dây chuyền sản xuất diêm tại Công ty CP Diêm Thống Nhất

Ngày nay, không thể tìm mua được diêm Thống Nhất ở các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị. Người ta chỉ còn thấy lác đác sản phẩm này ở quán nước hay cửa hàng tạp hóa ven đường.

Tại thị trường xuất khẩu, những năm 2005, Diêm Thống Nhất từng đạt mức xuất khẩu xấp xỉ 150 tấn/năm, nhưng kể từ năm 2015, Diêm Thống Nhất gần như đã phải chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu do đối tác Malaysia không còn nhu cầu sử dụng.

Những năm gần đây, sản lượng diêm liên tục giảm, bình quân mỗi năm, sản lượng giảm từ 20-30%. Năm 2017, Công ty vẫn sản xuất được 103 triệu bao diêm thì năm 2018 giảm xuống còn 98,25 triệu bao và năm 2019 chỉ đạt gần 70 triệu bao diêm.

Lợi nhuận kinh doanh của công ty Diêm Thống Nhất cũng cứ thế đi xuống. Trong 5 năm trở lại đây, doanh thu của công ty loanh quanh ở mức 100 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ vỏn vẹn khoảng 2 – 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lý giải, sản phẩm diêm trong nước đang rơi vào chu kỳ suy thoái nhanh do nhu cầu tiêu dùng hạn chế cùng với đó là sự sụt giảm của que diêm xuất khẩu.

Quan trọng hơn nữa là giá thành nguyên vật liệu gỗ đầu vào sử dụng trong sản xuất sản phẩm ngày càng tăng cao, trong khi giá thành của bao diêm khi bán ra thị trường phải cạnh tranh với các dụng cụ tạo lửa khác khiến biên lợi nhuận của Diêm Thống Nhất bị bào mỏng. Dù sản lượng vẫn ở mức cao, nhưng số lợi nhuận công ty thu về không được bao nhiêu.

Kết thúc chặng đường 63 năm

Trước tình trạng đó, lãnh đạo và cổ đông Diêm Thống Nhất đã quyết định dừng sản xuất các sản phẩm diêm từ năm 2020.

Công ty đã mở rộng đầu tư kinh doanh sang một số lĩnh vực khác, trong đó đẩy mạnh sản xuất, phân phối bật lửa. Bật lửa an toàn mang thương hiệu Thống Nhất được Công ty cho ra đời để thay thế dần sản phẩm diêm được đánh giá là bước chuyển tiếp phù hợp trên cơ sở phát huy giá trị thương hiệu truyền thống Diêm Thống Nhất vốn thành công trong quá khứ.

Bật lửa Thống Nhất chưa đạt được sự phát triển như kỳ vọng

Tuy nhiên sản phẩm này chưa thể phát triển mạnh do những hạn chế về thị trường và đặc tính sản phẩm thuộc phân khúc trung bình khá nên khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, giá rẻ khác.


Nguồn: TH