Tình trạng bất mãn trong ngành xuất bản nước Anh
Vào tháng 5, Booksellers đã công bố một báo cáo cho biết 68% người làm trong ngành xuất bản ở Anh cảm thấy kiệt sức trong năm 2021.
Trong cuộc phỏng vấn với Publishers Weekly, Daniel Vazquez - biên tập viên tại Nhà xuất bản Astra - nhận định rằng khối lượng công việc của biên tập viên chưa bao giờ nhiều như lúc này.
Ngành xuất bản sách từ lâu đã nổi tiếng là một ngành công nghiệp trả lương thấp, nhưng là một ngành cung cấp cho người ta nhiều đặc quyền đáng ghen tị - thậm chí còn có tiếng nói mang tính tuyên truyền. Tuy nhiên, trong vài tháng qua, những băn khoăn xoanh quanh ngành xuất bản đã rộ lên trên mạng xã hội, dấy lên trong nhiều đơn vị trong ngành.
Tranh cãi xoay quanh áp lực công việc
Tháng 3, một cựu trợ lý biên tập tại Nhà xuất bản Tor tên Molly McGhee đã chia sẻ lá thư từ chức của mình lên Twitter. Trong thư, cô giải thích quá trình vật lộn kiếm tìm sự thành công từ một công việc cô yêu nhưng bị choáng ngợp trước khối lượng công việc không thể vượt qua. Cô bày tỏ nỗi thất vọng khi thấy con đường thăng tiến mờ mịt phía trước. Bài đăng đã thu hút hàng trăm phản hồi và hơn 700 lượt chia sẻ.
Tháng 5, Booksellers công bố một báo cáo cho biết 68% người làm trong ngành xuất bản ở Anh cảm thấy kiệt sức trong năm 2021.
Trong khi những lời phàn nàn từ các nhân viên cấp dưới về khối lượng công việc quá tải và mức lương thấp đã bắt đầu len lỏi vào một số báo cáo, thì những cá nhân kỳ cựu trong ngành xuất bản cũng tỏ ra bất mãn. Một vài người cho rằng nhiều thập kỷ cố gắn kết đoàn thể và hai năm rưỡi làm việc tại nhà do đại dịch đã để lộ ra nhiều kẽ hở. Những kẽ hở ngày một lớn hơn.
Một vài người thì nhắc tới văn hóa doanh nghiệp thịnh hành hiện nay: đề cao các cuộc họp, ngó lơ các công việc thực tiễn. Đó là thứ văn hóa cho người ta cảm giác đang làm việc vì sản phẩm chứ không phải vì đam mê.
Văn hóa doanh nghiệp cho người ta cảm giác đang làm việc vì sản phẩm chứ không phải vì đam mê. Ảnh: BBC.
Những vấn đề trên đặt ra câu hỏi: người làm trong ngành xuất bản hiện nay có bất mãn hơn xưa? Và liệu đây có phải là một vấn đề?
Một giám đốc điều hành cấp cao đã chia sẻ với Publishers Weekly: “Trong chừng mực, cũng có nhiều người vượt qua được khủng hoảng và trụ lại được trong ngành”. Vị giám đốc giấu tên cũng bày tỏ sự nghi ngờ rằng nỗi bất mãn này không chỉ của riêng ngành xuất bản. “Đại dịch Covid-19 hoành hành đã được 3 năm rồi, hầu như chúng tôi nói chuyện với nhau qua màn hình... Người ta ai cũng phải chịu một áp lực rất lớn”.
Một người kỳ cựu trong ngành xuất bản khác cũng bác bỏ ý kiến cho rằng chỉ riêng nhân viên ngành xuất bản đang bất mãn. “Chẳng phải cả thế giới đều đang bất mãn sao?”. Trước ý kiến than phiền về khối lượng công việc nhiều đến mức không thể hoàn thành, người nọ phản pháo: “Đây là công việc xuất bản chứ không phải khai thác than đá”.
Một giám đốc điều hành khác thừa nhận mức độ bất mãn trong ngành đang gia tăng, nhưng cho rằng nguyên do chính là ảnh hưởng từ đại dịch và các phương tiện truyền thông.
“Ngày nay có nhiều cách để lan truyền những ý tưởng, những phàn nàn mà vốn dĩ xưa giờ vẫn tồn tại. Đó là phàn nàn về mức lương khởi điểm thấp, phàn nàn về thời gian làm việc kéo dài (dù đây là bản chất của công việc liên quan đến sách vở), phàn nàn về lộ trình thăng tiến gập ghềnh… Những nỗi bất mãn ấy ngày nay dễ lan tỏa hơn”, vị giám đốc nọ nói.
Tỷ lệ nghỉ việc tăng trong ngành xuất bản nước Anh
Thời gian qua, nhiều người đã quyết định bỏ công việc trong nhà xuất bản lớn để làm trong công ty nhỏ hơn, ít áp lực hơn. Thậm chí, không ít người rời hẳn ngành xuất bản. Mặc cho niềm đam mê với sách vở, họ cảm thấy ngành yêu cầu nhiều hơn những gì họ có thể đáp ứng. Nhiều người còn rơi vào khủng hoảng tài chính.
“Tôi nghĩ những người thấy bất mãn là những người để tâm tới nhiều thứ khác hơn là sự nghiệp họ, những thứ như thú vui, sở thích hay lập gia đình. Tôi thấy gần như không thể cân bằng được những điều tôi muốn làm khi làm việc trong ngành xuất bản”, một cựu nhân viên của một nhà xuất bản lớn chia sẻ.
Một cựu biên tập viên mới rời ngành xuất bản sau một thập kỷ làm việc chia sẻ: vấn đề chính là lương thấp. Cô nói: “Tôi biết tôi không thể tiếp tục làm trong ngành xuất bản nếu có con. Ai cũng bảo biên tập viên nào cũng nghỉ việc sau khi sinh vì thu nhập của nghề không đủ để nuôi con”. Cô cho biết sau khi nghỉ việc, rất nhiều đồng nghiệp đã tìm đến cô để xin lời khuyên vì họ cũng muốn chuyển sang công việc khác với mức lương tốt hơn.
“Tôi nghĩ cấp trên của mình đã hy sinh rất nhiều để lên được vị trí ấy, nên cũng dễ hiểu khi họ nói câu: ‘Ai mà chả có vấn đề’”. Một biên tập viên khác mới rời ngành sau một thời gian ngắn làm việc cho rằng riêng việc kiếm được một chân trong ngành đã khó khăn rồi, mức độ cạnh tranh cao, còn các cấp trên thì chỉ nghĩ rằng việc của cấp dưới là phải thích nghi. “Tôi nghĩ người làm xuất bản đã quen với suy nghĩ cho rằng ai cũng khao khát được làm việc ở nhà xuất bản và chỉ những người thích hợp nhất mới sống sót”.
Nhiều người cho rằng suy nghĩ cố hữu ấy đã vắt kiệt sức lao động của họ. Một biên tập viên trong một nhà xuất bản lớn phát biểu: “Tôi không nghĩ ngành xuất bản có để tâm đến chuyện chăm sóc sức khỏe tâm lý nhân viên, sao cho họ cảm thấy họ được coi trọng hơn. Tôi không biết bây giờ người ta có bất mãn hơn hồi xưa thật không, nhưng tôi nghĩ giờ người ta đoàn kết hơn khi than vãn về sự mệt mỏi của công việc. Cuối cùng người ta cũng nói ra được với nhau là công việc trong ngành này vất vả thế nào”.
Nguồn: zingnews.vn