Tỷ giá USD tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh tỷ giá trung tâm cũng như giá bán USD tham khảo tại Sở Giao dịch, kéo theo tỷ giá tại các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, 4/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 23.121 đồng, tăng thêm 11 đồng so với phiên cuối tuần trước. Sang phiên giao dịch ngày 5/7, tỷ giá trung tâm tiếp tục được nâng lên mức 23.144 đồng mỗi USD.

Như vậy, chỉ sau 2 phiên đầu tuần, tỷ giá trung tâm đã tăng tới 34 đồng/USD.

Trong khi giá USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào - bán ra ngày 4/7 ở mức 22.550 - 23.400 đồng/USD. So với cuối tuần trước, giá USD chiều mua vào được NHNN giữ nguyên nhưng chiều bán ra đã tăng 15 USD.

Đặc biệt, từ đầu tuần, nhà điều hành đã chuyển từ phương thức giao dịch bán kỳ hạn 3 tháng trước đó sang phương thức bán giao ngay.

Ngay sau động thái này, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt nâng tỷ giá giao dịch khá mạnh so với phiên cuối tuần trước. Theo đó, giá mua – bán USD tại Vietcombank ngày 4/7 là 23.230 - 23.510 đồng, cao hơn 70 đồng so với cuối tuần trước. Sang đến sáng nay, tỷ giá được ngân hàng này hạ nhiệt nhẹ về mức 23.190 – 23.470 đồng/USD.

Tương tự Ngân hàng Vietinbank ngày 4/7 niêm yết giá mua – bán USD mức 23.135 – 23.575 đồng/USD, tăng 50 đồng ở cả 2 chiều mua vào bán ra. Đến đầu giờ sáng nay, ngân hàng này giảm nhẹ về 23.215 - 23.495 đồng.

Ngân hàng ACB cũng nâng giá mua vào -bán ra đối với USD thêm 50 đồng chiều mua vào và 40 đồng chiều bán ra, lên 23,240 đồng - 23,550 đồng.

Tỷ giá USD đang chịu áp lực lớn

Có thể thấy, thời gian gần đây, NHNN liên tục có những động thái để hạn chế ảnh hưởng của việc tăng giá đồng USD trên thế giới đến tỷ giá trong nước. Dù vậy, đồng Việt Nam cũng không thể đứng ngoài xu thế mất giá so với USD khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng mạnh lãi suất.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Fed đã có tới 3 lần tăng lãi suất, trong đó mức tăng lãi suất 0,75 điểm % (vào ngày 15/6) là mức lớn nhất trong vòng 28 năm qua. Dự kiến, ngay cuộc họp trong tháng 7 này, Fed sẽ có thêm 1 đợt tăng lãi suất 0,75% nữa.

VND dù mất giá chậm hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực, song tỷ giá VND/USD cũng đã tăng khoảng hơn 2% so với cuối năm 2021.

Trước áp lực trên, NHNN cho biết sẽ điều hành tỷ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỷ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Từ đầu năm 2022, NHNN đã bán ngoại tệ can thiệp với các hình thức phù hợp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND.

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, những năm gần đây, khi điều kiện thị trường thuận lợi, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng Dự trữ ngoại hối. Trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô Dự trữ ngoại hối đã được NHNN mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, NHNN đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.

Theo tính toán, từ đầu năm đến nay một lượng ngoại tệ ước khoảng hơn 10 tỷ USD đã được NHNN bán ra.

“NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế” – ông Phạm Chí Quang cho hay.

Nguồn: anninhthudo.vn